Từ việc 400.000 đồng thuốc điều trị, phải chi tới 4,8 triệu thực phẩm chức năng: ĐBQH nêu điểm cốt yếu

PVKT Thứ hai, ngày 13/06/2022 10:18 AM (GMT+7)
Từ việc một bệnh nhân phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị, ĐBQH cho rằng, một lý do cơ bản là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 13/6 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Dự thảo luật chưa thể hiện đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Mở đầu phần góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 03/6, báo Lao Động đã đưa tin, trong một đơn thuốc được kê tại một bệnh viện ở Hà Nội, một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị. Bài báo này cũng đưa tin về các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ như vậy, nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ việc ra về. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu khẳng định, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đại biểu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh.

Chi hơn 4,8 triệu thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị: ĐBQH "vạch trần" điểm yếu - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. (Ảnh: QH)

Tuy nhiên, dự thảo luật mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề, tập trung vào một số quy định mục 1, Chương II về Quyền của người bệnh chỉ bao gồm 6 điều quy định tương ứng và nghĩa vụ của người hành nghề tại Điều 37. Các quy định này vừa thiếu lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.

"Rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như Tờ trình Chính phủ đã xác định", địa biểu Hoàng Minh Hiếu cho hay.

Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh.

Theo đó, dự thảo luật cần khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh.

Cụ thể, dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ở 3 góc độ.

Một là trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh. Hai là trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh. Ba là trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.

Về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, ngoài những nội dung đã được dự thảo quy định tại Điều 8 và Điều 11, đại biểu cho rằng cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh.

Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cần phải khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Điều này bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện. Đây là một trong những nội dung được pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, các nước rất quan tâm.

Về trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh, dự thảo luật đã có những quy định khá đầy đủ về nội dung này. Tại khoản 2, Điều 3; khoản 3, khoản 4, Điều 9; khoản 5, Điều 38, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng những quy định này là một trong những yếu điểm của dự thảo luật.

Theo quy định tại Điều 92 của dự thảo thì các thông tin này sẽ được tổng hợp trong hệ thống thông tin về quản lý khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế thống nhất, tập trung quản lý. Nhưng hiện nay dự thảo chưa quy định rõ về thẩm quyền truy cập vào sử dụng thông tin của hệ thống này để bảo đảm nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân của người bệnh, đại biểu đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn nữa nội dung này.

Về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, đại biểu cho rằng đây là nội dung chưa được dự thảo quan tâm đúng mức nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ.

Theo pháp luật nhiều nước, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải công khai mối quan hệ, lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh như Công ty dược phẩm, các đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán các cơ sở nghiên cứu y học để việc giám sát trong quá trình hành nghề. Các thông tin này được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho người bệnh được biết.

Bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm

Góp ý kiến về xã hội hóa liên doanh liên kết trong xã hội hóa, liên doanh liên kết trong các cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, nhấn mạnh sau thời gian triển khai, chính sách xã hội hóa, liên doanh liên kết đã đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả tích cực, giúp cho người dân tiếp cận được nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại trong nước, không cần ra nước ngoài.

Đặc biệt, việc triển khai chính sách này không chỉ là tuyến trung ương, tuyến trên mà ngay cả tuyến dưới cũng có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại, không cần chuyển tuyến trên.

Chi hơn 4,8 triệu thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị: ĐBQH "vạch trần" điểm yếu - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: QH)

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nêu trên, đại biểu thấy rằng trong quá trình triển khai trong thời gian qua cũng phát sinh nhiều vấn đề.

Vấn đề được cử tri phản ánh đó là lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kĩ thuật cao quá mức cần thiết, gây tốn kém cho "túi tiền" của người dân và bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, xã hội hóa liên doanh liên kết hiện nay mới chỉ tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi, trong khi đó các cơ sở y tế tuyến dưới cần xã hội hóa lại không thể xã hội hóa được.

Cũng theo đại biểu, qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế thấy rằng việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án mua sắm thiết bị y tế mà còn được phát hiện trong việc triển khai các đề án xã hội hóa máy móc thiết bị khám chữa bệnh trong các bệnh viện tuyến thành phố, có thể kể như sự việc tại Bạch Mai giá trị ký hợp đồng gấp hơn 5 lần giá trị thực, làm lợi cho một nhóm người và gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.

Có nhiều nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên có nhiều, song theo đại biểu Thủy, một trong những nguyên nhân quan trọng do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ và nhiều lỗ hổng dẫn đến khó khăn trong triển khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị: Một là, kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự án luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Thứ hai, kiến nghị bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm.

Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem