4,9 triệu tỷ "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh, NH cổ phần “neo” lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,2%/năm

H.Anh Thứ năm, ngày 05/08/2021 07:47 AM (GMT+7)
Hơn 9 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng tại gần 30 ngân hàng nửa đầu năm, có gần 4,9 triệu tỷ "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV. Cộng tất cả lượng tiền gửi của 25 ngân hàng tư nhân chỉ bằng 84% quy mô tiền gửi tại 4 “ông lớn” này.
Bình luận 0

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 9 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2020.

4,9 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm khách hàng "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh

Nhóm ngân hàng quốc doanh có số dư tiền gửi lớn nhất với gần 4,9 triệu tỷ đồng, chiếm đến 53,8% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Trong đó, Agribank dẫn đầu ngành về mô tiền gửi với 1,46 triệu tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ),  tăng 4,2% so với đầu năm. Tiếp theo là BIDV với gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% sau 6 tháng.

Quy mô tiền gửi của Vietcombank và VietinBank lần lượt đều trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 1,9% và 5%.

4,9 triệu tỷ tiền gửi "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh, NH cổ phần “neo” lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,2%/năm - Ảnh 1.

Gàn 4,9 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm khách hàng "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh.

Nhóm ngân hàng quốc doanh có quy mô tiền gửi cao hơn 25 ngân hàng cổ phần tư nhân cộng lại, nhưng đây lại là nhóm ngân hàng có mức lãi suất ít biến động nhất trong 6 tháng qua và cũng là những ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường.

Khảo sát biểu lãi suất ở thời điểm hiên tại, Agribank, BIDV, VietinBank có biểu lãi suất khá tương đương nhau, cao nhất là 5,6%/năm áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên.

Vietcombank niêm yết lãi suất thấp hơn so với 3 ngân hàng trên, hiện cao nhất chỉ 5,5%năm cho kỳ hạn 12 tháng.

4,9 triệu tỷ tiền gửi "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh, NH cổ phần “neo” lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,2%/năm - Ảnh 2.

Agribank có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống. (Ảnh: Agribank)

Ngân hàng cổ phần "neo" lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,2%/năm

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện tại SCB là ngân hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng lớn nhất với 479 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm.

Trên thị trường, SCB đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi tiền online và tại quầy. 

Ngoài ra, mức 6,8%/năm còn có tại NCB, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Tiếp đến là Sacombank, ACB và MB với số dư tiền gửi khách hàng lần lượt tăng trưởng 1,4%; 1,5% và 10,5% trong nửa đầu năm.

4,9 triệu tỷ tiền gửi "trong tay" 4 ngân hàng quốc doanh, NH cổ phần “neo” lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,2%/năm - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính quý II/2021.

Trong 3 ngân hàng này, ACB hiện đang là ngân hàng luôn nằm trong TOP đầu ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hệ thống. Tính đến nay, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ACB đứng thứ 2 hệ thống với 7,4%/năm.

Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất tiết kiệm này, khách hàng phải có khoản tiết kiệm số dư từ 30 tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp số tiền nhỏ hơn mức quy định, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất là 6,6%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.

Xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đầu năm, TPBank là ngân hàng tăng nhanh nhất hệ thống với 13,9%.

Theo sau đó là Techcombank (13%), HDBank (133,7%), VIB (11,8%), MB và Kienlongbank cùng có mức tăng trưởng là 10,5%, OCB (10,4%),...

Ngược lại, ABBank là ngân hàng có tiền gửi khách hàng giảm mạnh nhất. Số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng tính đến 30/6/2021 là 67.136 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu năm. 

Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn giảm hơn 9% xuống 11.363 tỷ đồng; Tiền gửi có kỳ hạn giảm 7,7% xuống 54.580 tỷ đồng.

ABBank là ngân hàng nằm trong TOP các ngân hàng thường niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ quanh mức 6,4%/năm.

Ngoài ABBank, nửa đầu năm nay có thêm 6 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi tiết kiệm của khách hàng như SeABank (giảm 4,7%), NCB (giảm 4,4%), Viet Capital Bank (giảm 3,6%), MSB (giảm 1,7%), PG Bank (giảm 0,2%) và Saigonbank (giảm 0,3%).

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 7 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tiết kiệm trong tháng vừa qua ghi nhận mức giảm nhẹ 0,02% đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống còn trung bình 5,59%/năm. So với cùng kỳ, lãi suất tiết kiệm đang thấp hơn 0,99 điểm %.

Trong khi đó, trung bình tháng 7, lãi suất liên ngân hàng của 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đồng loạt giảm quanh mức 0,15 điểm phần trăm. Mức lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn đang thấp hơn so với trước khi có dịch Covid-19 (trung bình trên 3% trong năm 2019).

BVSC cho rằng, với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nhiều mặt của nền kinh tế, việc duy trì môi trường lãi suất thấp là cần thiết để giúp nhà điều hành thực thi các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Thêm vào đó, với việc lạm phát dự báo sẽ nằm trong tầm kiểm soát được kỳ vọng sẽ giúp lãi suất tiết kiệm không tăng trong nửa cuối năm 2021.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ giữ ổn định, nếu tăng cũng chỉ ở mức 0,1-0,2%/năm.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, lãi suất tiết kiệm chỉ tăng nhẹ 0,25-0,3%/năm trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem