5 năm con tàu 67 (bài 6): Đại biểu Quốc hội hiến kế cách "cởi trói"

Lương Kết (ghi) Thứ bảy, ngày 14/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Như Dân Việt đã thông tin từ 5 bài trong loạt bài "5 năm con tàu 67" (xem trên Dân Việt từ ngày 8/9) về tình trạng ngư dân đang gặp vô vàn khó khăn, bế tắc, lâm cảnh nợ nần khi những con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ (còn gọi là tàu 67) hoạt động không hiệu quả. Vậy, giải pháp nào để tháo gỡ, thậm chí "cởi trói" những vướng mắc đó, PV Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với các Đại biểu Quốc hội.
Bình luận 0

img

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển là chính sách đúng đắn.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định:

Tránh tiêu cực trong đóng tàu vỏ thép và hỗ trợ thêm ngư lưới cụ cho ngư dân

Trước hết phải đảm bảo để những con tàu vỏ thép khi xuất xưởng thật sự chất lượng, đồng bộ, hết sức tránh những câu chuyện tiêu cực trong đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển như đã từng xảy ra. Chính sách của Nhà nước đưa ra tốt nhưng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Không chỉ hỗ trợ ngư dân có đóng tàu to mà cần chú ý hỗ trợ cả trang thiết bị, ngư lưới cụ để ngang tầm và đồng bộ với tàu. Nếu không dẫn tới chuyện tàu to, nhưng trang thiết bị lạc hậu dẫn tới hiệu quả đánh bắt thấp dẫn tới lãng phí.

img

Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (ảnh quochoi.vn).

Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, Nhà nước phải có chính sách động viên, hỗ trợ ngư dân kịp thời trong quá trình tham gia các công việc trên biển.

Khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNVPTNN có nói, khi ngư dân dùng tàu vỏ thép ra khơi sản lượng đánh bắt đã tăng lên, thu nhập của bà con tăng lên nhưng trên thực cũng có những bà con ngư dân than thở. Họ cho biết ngư trường càng ngày càng cạn kiệt, trong khi tàu vỏ thép công suất lớn nên tiêu tốn nhiên liệu, kết quả của những chuyến đi biển chưa tương xứng với chi phí đầu tư. Đây là vấn đề phải được xem xét thấu đáo để có giải pháp phù hợp.

Một vấn đề nữa là hiện nay hậu cần nghề cá của chúng ta còn yếu. Để tạo đồng bộ tạo nên lực lượng hùng hậu trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi xa bám biển thì cần quan tâm đến hậu cần nghề cá. Khi chúng ta có được hậu cần nghề cá mạnh, thứ nhất sẽ đảm bảo cho ngư dân khi gặp vấn đề gì trên biển cũng có thể xử lý được; thứ hai, sản phẩm của ngư dân đánh bắt được thu mua ngay, bảo quản ngay trên biển, giữ được tươi mới. Từ đó ngư dân yên tâm chạy theo luồng cá, họ không phải lo chuyện quay tàu vào bờ để chuyển hàng, việc đó tốn cả thời gian và nhiên liệu.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau):

Phát triển đội tàu vận chuyển cho ngư dân

Để phát triển tàu vỏ thép mạnh trước hết làm cho bà con ngư dân hiểu hết ý nghĩa, ưu thế của tàu vỏ thép. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế còn ý nghĩa tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Từ hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, quá trình thực hiện các gói thầu đóng tàu vỏ thép cho ngư dân phải được giám sát hết sức chặt chẽ, để sản phẩm tàu khi ra xưởng phải đảm bảo chất lượng. Thời gian qua, xảy ra chuyện tàu vỏ thép kém chất lượng, điều này làm ảnh hưởng mất đi ý nghĩa, giá trị tốt đẹp của chính sách. Dẫn tới việc bà con ngư dân không mặn mà với tàu vỏ thép. Đối với tàu gỗ khi xảy ra hư hỏng nhẹ bà con có thể tự gia cố, sửa chữa rồi tiếp tục ra khơi. Còn đối với tàu vỏ thép khi đã hư hỏng đòi hỏi công nghệ sửa chữa cao hơn, chi phí lớn hơn.

img

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (ảnh IT).

Tàu vỏ thép có công suất và tải trọng lớn, đi xa bờ nên rất tốn kém, làm sao để bà con liên kết với nhau phát triển đội tàu đánh bắt; bên cạnh đó phát triển đội tàu vận chuyển sản phẩm đánh bắt được vào bờ, như vậy đảm bảo đồng bộ, tàu đánh bắt cá không phải quay về đất liền chuyển hàng gây tốn kém, lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng:

Tàu vỏ thép không đơn thuần chỉ vì kinh tế, mà còn có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Truyền thống đánh bắt của ngư dân từ trước tới nay, đặc biệt ngư dân ở miền Trung và miền Nam là sử dụng tàu vỏ gỗ, công suất vừa phải, phù hợp với chuyến đi biển trong khoảng thời gian nhất định. Chi phí cho chuyến ra khơi như vậy cũng không quá cao và kết quả đặt được vừa phải.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (ảnh IT).

Còn như tàu vỏ thép theo Nghị định 67 không đơn thuần chỉ là phát triển kinh tế, mục tiêu của chúng ta có đội tàu đủ mạnh vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền lãnh hải, đây cũng là yêu cầu cấp bách.

Đối với tàu vỏ thép thì rõ ràng công suất lớn hơn so với tàu gỗ, thời gian đi biển phải dài ngày hơn, chi phí vận hành và chi phí sản xuất cao hơn, vấn đề ngư dân đặt ra là hiệu quả kinh tế của những chuyến đi biển như vậy có tương xứng với chi phí đã đầu tư. Đây là nội dung cần phải quan tâm trong thời gian tới, phải giải được yêu cầu này mới điều chỉnh thay đổi tập quán đánh bắt của ngư dân.

Từ thực tiễn trong thời gian qua, tổng kết lại thấy việc đánh bắt cá của ngư dân chúng ta đến nay vẫn theo tập quán truyền thống, chưa chuyển biến kịp theo tình hình mới. Chính phủ phải có chính sách để làm cho người dân thay đổi tập quán đánh bắt.

Sự thật tàu 67 không hiệu quả như báo cáo của Bộ NNPTNT

Ngư dân Hoàng Quang Trung (SN 1968, trú tại thôn Hà Thôn, xã Bão Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có thâm niên hơn 30 năm làm nghề đi biển. Tưởng rằng, Nghị định 67, hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ thép sẽ thay đổi cuộc đời nhưng khi nhận tàu về chỉ mới hoạt động được một năm anh Trung đã vỡ mộng. Khi còn đánh bắt trên tàu võ gỗ có thu nhập khá đến lúc “sở hữu” tàu vỏ thép dẫn đến nợ nần chồng chất.

img

 Ông Hoàng Quang Trung, xót xa khi nhìn vào con tàu vỏ thép đầu tư hàng chục tỷ đồng đã hư hỏng nặng, ra khơi không mang lại hiểu quả. Ảnh: Trần Anh

Dẫn phóng viên ra con tàu vỏ thép mang số hiệu QB-91586-TS nằm bên bờ sông Nhật Lệ, ông Hoàng Quang Trung buồn bã nói: “Tôi nhận tàu từ cuối năm 2016 với nguồn vốn vay Ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Năm đầu tiên tàu ra khơi đều, nhiều chuyến cũng có thu nhập nhưng cũng bù vào việc sửa đầu máy. Hai năm trở lại đây tàu chủ yếu nằm bờ, không thể ra khơi được, nếu đi cũng sẽ lỗ chứ không lời, nợ lại chồng thêm nợ”.

img

Thân tàu rỉ sét, hư hỏng nặng, nằm bờ, không thể ra khơi. Ảnh: Trần Anh

Chỉ vào tàu, ông Trung cho biết: “Tôi mới cho tàu lên đà ở sông Gianh, sơn lại mất hơn 230 triệu chứ không nhìn tàu còn rỉ sét, hư hỏng nặng nữa, nhìn tàu mà đau xót lắm”.

Cũng theo ông Trung, từ đầu năm 2019 đến nay, tàu QB-91586-TS của ông mới chỉ có một lần ra khơi nhưng chuyến đi đó lỗ 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông Trung đang nợ Ngân hàng gần 15 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả 12 triệu tiền lãi, trong khi đó tàu vẫn nằm bờ.

img

Một năm không thể ra khơi, lưới đã mục, rách bươm. Ảnh: AT

Ông Trung cũng cho hay, một chuyến ra khơi trên tàu vỏ thép cần 10 nhân công có kinh nghiệm. Nhưng hiện nay người có kinh nghiệm đi biển đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên khó kiếm được bạn thuyền để đánh bắt trên tàu vỏ thép.

Cũng lâm vào cảnh nợ nần từ tàu vỏ thép, anh Đào Thuần (SN 1972, xã Bão Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chủ tàu cá vỏ thép QB-91589-TS, xót xa nói: “Tàu hư hết rồi còn gì nữa. Mua về chưa đi biển được mấy chuyến đã rỉ sét, đầu máy hư hỏng. Giờ tiền để sửa, sơn lại tàu lên đến hàng trăm triệu đồng, tôi không biết lấy đâu ra”.

img

Tàu vỏ thép của anh Đào Thuần nằm bờ cả năm không thể ra khơi. Ảnh: AT

Được biết, tàu vỏ thép QB-91589-TS được anh Đào Thuần vay vốn ngân hàng hơn 16 tỷ đồng từ Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản giúp ngư dân đóng tàu to, máy lớn để vươn khơi, bám biển.

Anh Đào Thuần mua tàu về từ cuối năm 2016. Thế nhưng, lãi chưa thấy đâu mà mỗi chuyến ra khơi đánh bắt đều lỗ nặng, có chuyến lỗ đến hàng trăm triệu đồng. 

img

rỉ sét...

img

hư hỏng nặng.

“Chi phí mỗi chuyến ra khơi của tàu vỏ thép quá cao, mất từ 60 đến 80 triệu tiền dầu, thức ăn, chưa kể đến tiền nhân công. Trong khi đó, thiết kế con tàu lại không phù hợp với ngành nghề khai thác, chi phí bảo dưỡng cao dẫn đến hiệu quả mỗi chuyến biển quá thấp. Bây giờ để tàu ở nhà thì rỉ sét mà đi biển cũng lỗ. Trả gốc không được, trả lãi không được, nợ nần chồng chất”- anh Đào Thuần, bày tỏ.

Những ngư dân ở Quảng Bình ôm nợ vì đóng tàu vỏ thép và không thể ra khơi đang từng ngày mong mỏi có sự hỗ trợ cần thiết đến từ các cấp chính quyền. Để các ngư dân giảm bớt gánh nặng nợ nần và vươn khơi bám biển trên các ngư trường của Việt Nam.

img

Không thể ra khơi, bám biển.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Ngọc Linh – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đóng mới 88 tàu cá, trong đó có 31 tàu vỏ thép. Từ khi nhận tàu, đa số các tàu vỏ thép hoạt động cầm chừng, chỉ có một số tàu hoạt động nhưng không có hiệu quả”.

“Việc xuống cấp của các tàu vỏ thép rất nhanh ảnh hưởng đến tuổi thọ, hiệu quả khai thác, khả năng trả nợ của các chủ tàu. Bên cạnh đó, hiện nay thiếu lao động nghề biển đi trên các tàu cá dẫn đến giá thuê lao động và các chi phí phục vụ cho lao động tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất”- ông Linh cho biết thêm.

Lê Tập- Trần Anh

Đón đọc bài 7 trên Báo điện tử Dân Việt lúc 6 giờ 30 ngày 16/9/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem