5 sự kiện, vấn đề ô tô nổi bật nhất 2018

An Nhi - Trí Dũng Thứ hai, ngày 24/12/2018 06:29 AM (GMT+7)
Ngành ô tô Việt Nam sắp bước qua một năm 2018 với nhiều biến động đáng nhớ.
Bình luận 0

Miễn thuế nhập khẩu ô tô ASEAN

Ngày đầu tiên của năm 2018 cũng chính là thời điểm rất nhiều người tiêu dùng ô tô Việt Nam trông chờ từ suốt vài năm trở lại đây. Ở chiều ngược lại, ngày 1.1.2018 cũng là mốc thời gian ẩn chứa đầy mối lo đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Lý do chỉ có một và duy nhất. Theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1.1.2018, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc giữa các nước nội khối chính thức giảm về 0%, đồng nghĩa là xoá bỏ thuế quan.

img

Thị trường ô tô Việt Nam bước vào năm 2018 đầy hào hứng với việc thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0%.

Tất nhiên, để có thể hưởng mức thuế suất 0%, các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ nội địa hoá khu vực tối thiểu 40%.

Dẫu vậy thì với một số quốc gia có ngành công nghiệp ô tô khá phát triển như Indonesia và đặc biệt là Thái Lan, tỷ lệ nội địa hoá từ 40% không phải là rào cản khó. Trên thực tế, hầu hết các loại xe phổ thông sản xuất, lắp ráp tại quốc gia này đều có thể đáp ứng.

Chính vì thế, mức thuế suất 0% đã đem đến rất nhiều kỳ vọng về một cuộc đổ bộ quy mô lớn của ô tô nhập khẩu giá thấp vào Việt Nam. Mặt khác, thuế nhập khẩu 0% giúp giá thành ô tô nhập khẩu ASEAN được kéo xuống thấp, qua đó gây sức ép rất lớn lên các loại ô tô lắp ráp trong nước.

Nhưng rồi, mốc thời điểm tưởng chừng sẽ tạo nên một bước ngoặt mới của thị trường ô tô trong nước lại không hề đem đến những kết quả như nhiều người kỳ vọng.

Khép xe ngoại, mở xe nội

Có lẽ, bước ngoặt đầy kỳ vọng của thị trường ô tô năm 2018 đã không xảy ra cũng bởi chính sự xuất hiện của cùng lúc 2 chính sách mới.

Hơn 20 năm trước, Chính phủ xác định phát triển công nghiệp ô tô thành một ngành mũi nhọn, trở thành một động lực thúc đẩy nền kinh tế. Hơn 20 năm sau, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đã thất bại. Nhưng công nghiệp ô tô vẫn tiếp tục phải “sắm vai” mũi nhọn để rồi chiến lược công nghiệp ô tô giai đoạn mới được ban hành.

Tuy nhiên, con đường hội nhập ngày càng sâu rộng với các cam kết quốc tế trở thành một trong những sức ép đối với ngành công nghiệp ô tô vốn dĩ còn non trẻ và sơ khai. Trong đó, ATIGA chính là một sức ép mạnh mẽ ngay trước mắt.

Mức thuế nhập khẩu 0% của ô tô ASEAN đặt ra nhu cầu phải thay đổi để có thể phát triển được công nghiệp ô tô trong nước. Bởi vậy, cùng thời điểm Hiệp định ATIGA có hiệu lực, 2 nghị định được Chính phủ ban hành cùng lúc theo đó cũng có hiệu lực thi hành đúng vào ngày 1.1.2018.

Về bản chất, Nghị định 116 là một chính sách cao hơn và tiếp nối Thông tư 20 trước đây của Bộ Công Thương. Hiểu cơ bản, Nghị định 116 là một giải pháp nhằm siết chặt thị trường ô tô nhập khẩu, đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với các nhà nhập khẩu ô tô, từ đó tránh tình trạng “náo loạn” của thị trường ô tô nhập khẩu vốn đã từng diễn ra cách đây đúng 10 năm. Cuối cùng, những quy định về tiêu chuẩn ô tô nhập khẩu và những yêu cầu khắt khe về thủ tục là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cũng là một giải pháp gỡ bớt những khó khăn mà ô tô lắp ráp trong nước phải đối mặt.

img

Việc giảm thuế nhập khẩu hơn 30 mặt hàng linh kiện góp phần giúp ngành sản xuất ô tô trong nước thuận lợi hơn.

Song song với Nghị định 116, Chính phủ cũng đồng thời ban hành Nghị định 125 với các quy định đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đáng chú ý là theo Nghị định 125, hơn 30 nhóm mặt hàng linh kiện ô tô sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% trong vòng 5 năm. Với quy định này, giá thành sản xuất ô tô trong nước sẽ được giảm xuống nhằm tăng sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. Quãng thời gian 5 năm cũng được xem là vừa đủ để vừa không vướng vào các quy định quốc tế, vừa giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước có thời gian hiện thực hoá những nỗ lực của mình.

Việc 2 chính sách này được ban hành song song đã giúp thị trường ô tô Việt Nam có phần cân bằng hơn, không rơi vào những biến động bất thường. Đó cũng là một mục tiêu quan trọng trong nhu cầu quản lý kinh tế. 

Thaco tiếp quản BMW, GM bắt tay VinFast

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2018 đã chứng kiến 2 cú bắt tay được coi là lịch sử.

Đầu tiên là phải kể đến việc tập đoàn Trường Hải (Thaco) chính thức tiếp quản quyền nhập khẩu, phân phối và sản xuất, lắp ráp các loại ô tô mang thương hiệu BMW tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2017, nhà phân phối BMW trước đây là Euro Auto đã vướng vào vòng lao lý xung quanh vấn đề gian lận thương mại. Việc Thaco tiếp quản BMW bao gồm cả 3 thương hiệu thuộc tập đoàn ô tô Đức là BMW, MINI và Motorrad.

Sau sự kiện này, mới đây, Thaco cũng đã tiết lộ về kế hoạch đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô BMW ngay tại Việt Nam thay vì chỉ duy trì hoạt động nhập khẩu và phân phối xe nguyên chiếc.

Cú bắt tay thứ 2 và cũng khá bất ngờ là việc tập đoàn VinFast đã chính thức có sự hợp tác toàn diện với tập đoàn GM. Các chi tiết về hợp đồng hợp tác này không được công bố toàn bộ. Tuy nhiên, về cơ bản, VinFast đã mua lại nhà máy của GM tại Việt Nam, đồng thời tiếp quản hoạt động phân phối thương hiệu ô tô Chevrolet.

Vỡ mộng xe giá rẻ

Đối với người tiêu dùng, 2018 có lẽ là một trong những năm đáng quên nhất.

Suốt cả năm 2017, rất nhiều người tiêu dùng đã quyết tâm kìm nén nhu cầu mua sắm để chời đợi cuộc đổ bộ của ô tô nhập khẩu giá rẻ từ các nước nội khối ASEAN khi thuế nhập khẩu giảm về 0%.

Tuy nhiên, mặt bằng giá bán lẻ ô tô năm 2018 không những không giảm so với năm 2017 mà một số loại xe còn tăng giá. Chưa hết, mặc dù giá bán lẻ không giảm mà suốt một quãng thời gian dài, dù chấp nhận mua xe giá cao song thị trường thậm chí không có xe để mua.

img

Giá bán lẻ ô tô nhập khẩu đã không hề rẻ như kỳ vọng.

Giấc mộng xe giá rẻ rơi vào tan vỡ phần lớn xuất phát từ những khó khăn mà các doanh nghiệp nhập khẩu vấp phải. Như đã đề cập ở trên, ngay từ ngày 1.1.2018, Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực với các quy định mới về thủ tục và tiêu chuẩn phân phối xe nguyên chiếc, các loại ô tô nhập khẩu đã phải chờ đến nửa sau của năm mới có thể bắt đầu về nước khiến cho tình trạng nguồn cung khan hiếm trầm trọng.

VinFast đưa ô tô thương hiệu Việt ra thế giới

Ấn tượng nhất có lẽ là thương hiệu ô tô, xe máy trong nước VinFast thuộc tập đoàn VinGroup.

Chỉ sau gần 2 năm xây dựng, VinFast đã hoàn tất từng bước phát triển dài và thần tốc để cho ra đời 3 mẫu xe ô tô bên cạnh 1 mẫu xe máy điện.

img

Ô tô VinFast đã có màn ra mắt ấn tượng tại triển lãm Paris Motor Show 2018 tại Pháp.

Đáng chú ý là ngay khi chưa chính thức bán ra thị trường, VinFast đã đưa 2 mẫu xe đầu tiên của mình là Lux 2.0 và Lux SA2.0 tham gia Paris Motor Show 2018 vào tháng 10. Paris Motor Show là 1 trong 5 kỳ triển lãm ô tô lớn nhất thế giới.

Chính sự xuất hiện của VinFast tại Paris Motor Show 2018 đã ít nhiều làm nên niềm tự hào của ngành ô tô Việt Nam và tạo nên một trào lưu truyền thống lớn cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Theo kế hoạch, sang năm 2019 VinFast sẽ bắt đầu giao đến tay người tiêu dùng các loại ô tô thương hiệu Việt. Sự hào hứng của người tiêu dùng và quyết tâm của VinFast đem đến một kỳ vọng mới cho ngành công nghiệp ô tô vốn đã long đong suốt hơn 20 năm qua. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem