Bình Dương: 5.000 hộ nông dân chuẩn bị lên sàn thương mại điện tử

Minh Cảnh Thứ hai, ngày 25/04/2022 08:05 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đang khảo sát 5.000 hộ nông dân có sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP và OCOP để đưa lên sàn thương mại điện tử.
Bình luận 0

Để thực hiện kế hoạch này, mới đây, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Bình Dương đã ký kết Kế hoạch phối hợp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn.

Bình Dương: 5.000 hộ nông dân chuẩn bị lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy (trái) ký kết Kế hoạch phối hợp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn với lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bình Dương. Ảnh: Minh Cảnh

Kế hoạch bán nông sản trên sàn thương mại điện tử

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2022, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Bình Dương sẽ rà soát, cập nhật các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và đánh giá chứng nhận sản phẩm VietGAP, GlobalGap, OCOP trên địa bàn.

Ngoài ra, hai bên phối hợp xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và hệ thống các điểm tiêu thụ sản phẩm của hai bên.

Phối hợp triển khai các điểm giới thiệu tiêu thụ nông sản an toàn trên cơ sở tận dụng thế mạnh về hạ tầng của Bưu điện và các điểm bán hàng lưu động tại các khu đông dân cư (khu chung cư, khu đô thị...).

Hỗ trợ kết nối cung cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, như: Các hội nghị, hội thảo, hội chợ, phiên chợ giới thiệu và bán các hàng hoá nông sản…

Ông Huy cũng cho biết, sẽ xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc sản đặc trưng vùng miền chất lượng cao của các tỉnh, thành trên cả nước.

"Năm 2022, sẽ hoàn thành xây dựng giải pháp logistics và hỗ trợ kết nối tiêu thụ, thu thập thông tin của tối thiểu 5.000 hộ nông dân ở địa phương", ông Huy thông tin.

Bình Dương: 5.000 hộ nông dân chuẩn bị lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Các sản phẩm nông nghiệp phải đạt chuẩn GAP hoặc OCOP mới được lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Minh Cảnh

Gỡ khó đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Ông Huy nhận định, trước mắt, việc đưa các sản phẩm nông sản tươi lên sàn thương mại điện tử sẽ khá khó khăn.

Theo ông Huy, lâu nay, nông dân trên địa bàn trồng cây ăn trái, như: cam, bưởi, chuối, dưa lưới… theo mô hình trang trại. Mỗi lần thu hoạch sản lượng rất lớn. Cho nên việc bán lẻ trái cây trên sàn thương mại là không khả thi.

Song song đó, do là trái cây tươi nên việc giao qua sàn thương mại có khả năng hư hỏng…

Vì vậy, ông Huy cho rằng, trước mắt tập trung đưa sản phẩm khô lên sàn thương mại điện tử.

Vấn đề của Bình Dương là sản phẩm khô OCOP không nhiều. Hai sản phẩm khô chủ lực là đông trùng hạ thảo, tổ yến… thì giá trị quá cao, mấy chục triệu đồng/kg.

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX NN CNC Kim Long (Bình Dương) cũng đồng quan điểm.

"Tôi nghĩ, trong các sản phẩm, khả dĩ nhất là hàng khô chứ hàng tươi lên sàn thương mại điện tử sẽ gặp khó", anh Quyết chia sẻ.

Bình Dương: 5.000 hộ nông dân chuẩn bị lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Mít tươi được đánh giá khó leo lên sàn thương mại điện tử do vận chuyển khó khăn, dễ hư hỏng. Ảnh: Minh Cảnh

Ông Quyết cho biết, trước đây, HTX có tham gia bán hàng qua sàn thương mại điện tử Shopee.

Sau 3 tháng tham gia sàn thương mại điện tử này, HTX đã xin dừng vì nhiều bất cập, như: sản lượng tiêu thụ nhỏ, lẻ, vận chuyển khó khăn, hư hỏng…

"Hội Nông dân đang đi tìm con đường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nếu khó thì tìm cách tháo gỡ", ông Huy kiên quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem