dd/mm/yyyy

6 điểm mới của Nghị quyết 18 về quản lý đất đai

Nghị quyết số 18 (ngày 16/6/2022) của Ban chấp hành T.Ư Đảng đã đưa ra nhiều nội dung mới, có giá trị đặc biệt quan trọng làm cơ sở cho lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai trong tình hình mới. Và khi Luật Đất đai được sửa đổi theo tinh thần của Nghị quyết 18 sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề thực tiễn.

Tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra, khi nói về Nghị quyết 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Đây là điểm mới đầu tiên của Nghị quyết 18, làm rõ hơn về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất.

6 điểm mới của Nghị quyết 18 về quản lý đất đai - Ảnh 1.

Nghị quyết 18 hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Lê

Nghị quyết 18 nhấn mạnh đất đai là tài nguyên đặc biệt, hữu hạn, là không gian sinh tồn, là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, do đó quy hoạch sử dụng đất phải được đổi mới để Nhà nước quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai theo pháp luật và quy hoạch.

Điểm mới thứ 2 của Nghị quyết 18, đó là làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; đồng thời, phân cấp rõ hơn giữa các cấp. Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Điểm mới thứ 3: Nghị quyết 18 nhấn mạnh quan điểm đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai. Điểm mới của nội dung này là đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là một định hướng lớn, với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch, sử dụng đất (yêu cầu mang tính đa chiều về cả không gian và thời gian).

Điểm mới thứ 4: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điểm mới này của Nghị quyết 18 yêu cầu nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian (trên không và dưới ngầm), phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên (phân theo khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển), thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.

Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất. Đồng thời, quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Nghị quyết 18 còn bổ sung nội dung quan trọng "Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất" để hạn chế việc lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.

Điểm mới thứ 5: Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Việc xác định giá đất là vấn đề đặc biệt được quan tâm, thực tiễn thời gian qua, việc xác định giá đất còn nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc dẫn đến xẩy ra nhiều sai phạm, thất thoát ngân sách Nhà nước.. Điểm mới đột phá của Nghị quyết 18 lần này là bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.

Điểm mới của Nghị quyết 18 là yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm.

Điểm mới thứ 6: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Điểm mới của nghị quyết lần này là: Cho phép mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn để đảm bảo tiến trình tích tụ đất đai phù hợp với chuyển dịch lao động trong nông thôn. Đồng thời, yêu cầu xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai và tiếp cận đất đai cho sản xuất nông nghiệp.


Thái Nguyên