60 năm khai thác "kho báu" do một ông nông dân tên Trụ khai phá, người dân Bắc Giang giàu lên

Kế Nguyễn Thứ tư, ngày 16/03/2022 14:26 PM (GMT+7)
Sau khi một ông nông dân tên Trụ góp công mang cây vải thiều đầu tiên lên trồng ở Lục Ngạn (Bắc Giang) từ những năm 1950, loại cây này đã góp phần làm thay đổi nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang.
Bình luận 0

Bộ mặt nông thôn Bắc Giang không ngừng đổi mới nhờ vải thiều

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang kiên định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ đỡ: Công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ. 

Trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, UBND tỉnh vẫn kiên trì, xác định rõ mục tiêu duy trì, phát triển nhóm cây, con mà Bắc Giang có thế mạnh thông qua việc nâng cao chất lượng, giá trị, nâng tầm lên trở thành nông sản chủ lực của tỉnh. 

60 năm khai thác "kho báu" do một ông nông dân tên Trụ  khai phá, người dân Bắc Giang giàu lên - Ảnh 1.

Người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chăm sóc vải thiều. Ảnh: K.N

Trong đó, vải thiều vẫn là nông sản chủ lực cần được duy trì, đầu tư và phát triển.

Trải qua hơn 60 năm, cây vải thiều đã gắn bó, trở nên quen thuộc và trở thành niềm tự hào đối với người dân địa phương. 

Nhận thấy cây vải thiều có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng khi được trồng ở huyện Lục Ngạn và giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập nên các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện xuống cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng vải thiều. 

Theo đó, phong trào trồng vải thiều từ các xã vùng thấp đến các xã vùng cao phát triển nở rộ. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho nhân dân vay hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư vào cây giống cùng vật tư phân bón… nên chỉ trong thời gian ngắn, huyện Lục Ngạn đã "biến" hàng chục nghìn ha đất trống, đồi núi trọc cằn khô sỏi đá xưa kia thành miệt vườn vải thiều xanh non trù phú. 

Tỉnh Bắc Giang đã có những chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, nâng cao đời sống người dân vùng miền núi và dân tộc thiểu số. 

Hoạt động giao thương kinh tế - nông thôn của địa phương từ đó cũng dần được cải thiện và phát triển theo chiều hướng tích cực. Cây vải thiều dần trở nên quan trọng và là niềm tự hào của người dân địa phương.

Cùng với huyện Lục Ngạn, từ khi cây vải xuất hiện tại các địa phương khác trên toàn tỉnh như Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam… bộ mặt kinh tế - nông thôn, hoạt động giao thương không ngừng được cải thiện và nâng cao. 

Xác định được lợi ích kinh tế mà cây vải đem lại, những năm qua, chính quyền địa phương các huyện tập trung tuyên truyền, tổ chức công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng các mô hình thâm canh, sản xuất vải an toàn, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...; hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thực hiện thời gian cách ly đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tổ chức triển khai phát triển các mô hình sản xuất an toàn, nhân rộng mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất; đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các xã có diện tích vải lớn trên địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng để tập trung phát triển vùng cây trồng chủ lực.

60 năm khai thác "kho báu" do một ông nông dân tên Trụ  khai phá, người dân Bắc Giang giàu lên - Ảnh 2.

Nông thôn Bắc Giang khang trang nhờ vải thiều. Ảnh: K.N

Vải thiều giúp người dân có của ăn của để

Bắc Giang là tỉnh miền núi có 9 huyện và thành phố; trong đó, có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao; 230 xã, phường, thị trấn, 182 xã miền núi (trong đó có 47 xã vùng cao), là nơi cư trú của 20 dân tộc thiểu số tập trung ở 135 xã, thị trấn thuộc 6 huyện miền núi vùng cao: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang, Tân Yên và Yên Thế.

Ông Luân Văn Lót, dân tộc Nùng ở xã vùng cao Kiên Thành, Lục Ngạn chia sẻ, gia đình ông có khoảng 700 gốc vải, cho sản lượng khoảng 20 tấn.

Với giá bán khoảng 8.000 – 15.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng tiền vải, đời sống gia đình ông không ngừng được cải thiện, xóa nợ được ngân hàng và thoát nghèo.

Cũng như gia đình ông Lót, gia đình ông Đặng Văn Ngư, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên chia sẻ: "Trước kia, khi chưa đưa cây vải về trồng tại vườn nhà, gia đình tôi vẫn là một hộ khó khăn trong vùng, từ khi đưa 400 cây vải về trồng tại vườn nhà và nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm trong chăm sóc cây vải mà hằng năm gia đình tôi thu về trên 200 triệu đồng".

Không chỉ gia đình ông Lót và ông Ngư vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế từ cây vải thiều mà còn rất nhiều các hộ gia đình khác ở Bắc Giang cũng được cải thiện. 

"Kho báu" ông nông dân tên Trụ góp công đặt những viên gạch đầu tiên khai thác nay đã thực sự cho trái ngọt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem