6.000 nhân viên thú y bị cắt giảm: Khẩn thiết kiện toàn hệ thống thú y

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 04/12/2020 15:52 PM (GMT+7)
Đã có hơn 6.000 người làm công tác thú y ở các địa phương bị cắt giảm, trong bối cảnh dịch bệnh trên vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho rằng, cần thiết phải kiện toàn lại hệ thống thú y.
Bình luận 0

Từ lá đơn kêu cứu của 154 nhân viên thú y Hà Nội

Ngày 23/11/2020, đồng loạt 154 nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y của các phường, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội ký đơn kêu cứu gửi đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh và các ban ngành do sắp phải chấm dứt hợp đồng theo Công văn số 3732 của Sở NNPTNT TP.Hà Nội.

Được biết, trước năm 2013, 154 nhân viên thú y có nguy cơ chấm dứt hợp đồng theo Công văn 3732 là các cán bộ thú y được UBND các phường ký hợp đồng ký 1lần/năm và được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương tối thiểu, không được đóng bảo hiểm.

Cuối năm 2012, đội ngũ này được chuyển giao nguyên trạng về Sở NNPTNT thôn quản lý, được hưởng lương quy định đối với nhân viên hợp đồng lao động làm công tác chăn nuôi thú y; trồng trọt bảo vệ thực vật tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, họ không được tăng bậc lương theo quy định.

6.000 nhân viên thú y bị cắt giảm: Khẩn thiết kiện toàn hệ thống  thú y - Ảnh 1.

Lực lượng thú y tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: I.T

"Các bộ, ngành cần phối hợp với các địa phương khắc phục những bất cập trên và cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bộ máy về quản lý, chăm sóc thú y".

Ông Bùi Thanh Tùng

Ngày 6/11/2019, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội có công văn phúc đáp Tờ trình số 198 của UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND TP.Hà Nội về việc điều chỉnh biên chế trong nội bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội.

Cụ thể: Chuyển 177 chỉ tiêu biên chế viên chức làm nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y tại 177 phường thành 177 chỉ tiêu biên chế viên chức làm nhân viên kiểm soát giết mổ và giao số chỉ tiêu biên chế viên chức này về trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và chuẩn đoán xét nghiệm điều trị bệnh động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội.

Tuy nhiên, tới nay việc xét tuyển chưa thấy đâu mà quyết định ngừng hợp đồng lao động thì có. Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, việc cắt giảm các nhân viên hợp đồng lao động này là thực hiện theo chủ trương của TP.Hà Nội, Sở NNPTNT không có quyền quyết định. Việc dôi dư lao động là do quy định, trên địa bàn các quận không được tổ chức chăn nuôi nên cán bộ thú y cấp phường, thị trấn phải giải thể.


img

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Hệ thống cơ quan thú y ở cơ sở còn nhiều bất cập

Hiện nay, việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở cơ sở còn một số bất cập.

Ở một số tỉnh sáp nhập chi cục chăn nuôi thú y và một số chi cục thủy sản thành một chi cục để thu gọn đầu mối; một số nơi sáp nhập chi cục thú y và chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trung tâm khuyến nông và trung tâm thủy sản thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh; một số tỉnh khác lại giữ nguyên chi cục thú y không sáp nhập...

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, việc kiện toàn lại hệ thống thú y, nhất là ở cơ sở là một đòi hỏi cấp thiết, để xây dựng một nền chăn nuôi an toàn, hiệu quả.

P.V (ghi)

Được biết, ngày 9/11/2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội có tờ trình về việc đề nghị tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động đối với số nhân viên thú y này. Song, tại cuộc họp giữa các sở liên ngành gồm Sở Nội vụ, Tài chính và NNPTNT vào ngày 16/11, Sở NNPTNT kiến nghị tiếp tục ký hợp đồng lao động với các nhân viên thú y này nhưng không được chấp thuận. Hiện, Sở NNPTNT đang được giao xây dựng đề án đội kiểm dịch cơ động với 170 biên chế theo hình thức thi tuyển.

Thực tế, Hà Nội chỉ là một trong số những địa phương có sự xáo trộn trong đội ngũ thú y. 

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến hết tháng 10/2020, cả nước có 7/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác (bao gồm các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng, Đăk Nông, Cao Bằng, Sơn La); 36/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập trạm thú y cấp huyện (trực thuộc chi cục cấp tỉnh) với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp/Phòng kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.

Số lượng người làm công tác thú y của các địa phương bị cắt giảm, nghỉ việc là 6.411 người; có 5/63 tỉnh, thành phố không có nhân viên thú y xã. Hiện nay, cả nước có 15.791 người làm công tác thú y tại các địa phương.

Cần sớm kiện toàn hệ thống thú y

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), việc sắp xếp lại đội ngũ thú y thời gian qua đã có những tác động không nhỏ đến công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và còn diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên tắc trong phòng, chống dịch là chủ động phòng dịch, giám sát phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "chống dịch như chống giặc". Tuy nhiên, thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã sáp nhập các trạm thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật… thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khiến công tác phòng chống dịch bệnh động vật gặp nhiều khó khăn.

"Có một thực tế là công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ; nhiều nơi không có lực lượng thú y cơ sở để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, người chăn nuôi không báo cáo dịch bệnh cho địa phương và cơ quan thú y các cấp để phối hợp chỉ đạo chống dịch, kéo dài thời gian xảy ra dịch" - ông Nguyễn Văn Long thừa nhận một thực tế.

Tại hội nghị đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đều cho rằng, việc kiện toàn lại hệ thống thú y, nhất là cấp cơ sở là một đòi hỏi bức thiết.

Ông Nguyễn Văn Sửu-Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, để thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi, thú y, thủy sản, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, Bộ NNPTNT cần tham mưu với Chính phủ củng cố, kiện toàn hệ thống thú y để tạo sự đồng bộ từ T.Ư đến các địa phương.

"Việc làm này giúp cho các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả, có chế độ chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển chăn nuôi, thủy sản, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới" - ông Sửu nói.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, cho rằng, cần kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc.

"Đề nghị Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, đồng thời quy định rõ số lượng cán bộ có chuyên môn chăn nuôi thú y tại Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để đảm bảo đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ" - bà Nga nói.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), muốn phòng chống dịch bệnh lây lan, cần giám sát, quản lý thú y thật tốt, do vậy việc quản lý chuyên ngành cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Có một thực tế là, một số nơi chuyển trạm về trung tâm dịch vụ nhưng biên chế nhân lực không có nhiều nên công tác thú y còn hạn chế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem