Lao động của 8 huyện bị cấm đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2023 thuộc tỉnh, thành nào?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 10/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Thông báo mới nhất của Cục Quản lý lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, phía đối tác Hàn Quốc và Việt Nam vừa thống nhất công bố danh sách lao động ở 8 huyện (của 4 tỉnh) bị dừng xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc.
Bình luận 0

Lao động thuộc 8 huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 27% bị cấm sẽ không thể đi làm việc tại Hàn Quốc

Mới đây, website của Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đăng tải thông báo tiếp tục dừng tuyển chọn lao đi làm việc tại Hàn Quốc đối với người ở 8 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết các địa phương bị tạm dừng bao gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Danh sách này không có sự thay đổi so với danh sách năm 2022.

đi làm việc tại Hàn Quốc

Lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành chế tại Hàn Quốc. Ảnh: NN

Theo thống kê Thanh Hóa còn 890 lao động làm việc bất hợp pháp trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.

Trước đó, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 2 địa phương bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn.

Cục Quản lý lao động Ngoài nước cho biết, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương nêu trên căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt.

Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc Hàn Quốc lên tới hơn 30%

Trước đó, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước.

Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trong năm 2022, Việt Nam đã đưa được hơn 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Hàn Quốc 9.968 lao động (xếp thứ 3 sau Nhật Bản, Đài Loan). Hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục đợt tuyển chọn lao động đi làm việc theo chương trình EPS.

"Các trường hợp cư trú bất hợp pháp/lao động bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước đều là các trường hợp vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung của giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn gây hậu quả cho những người lao động khác tại địa phương", ông Liêm nói.

Ông Liêm cũng cảnh báo các lao động cư trú bất hợp pháp khi gặp phải những vấn đề phát sinh như khi bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương thì họ sẽ không được cơ quan nào can thiệp, đồng nghĩa với việc họ tự phải gánh chịu hậu quả.


đi làm việc tại Hàn Quốc

Lao động Việt Nam làm trong ngành nông nghiệp về nước đúng hạn ở 8 huyện vẫn được xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: NN

Hiện nay, cơ quan chức năng luôn nhắc nhở các địa phương tiếp tục tăng cường các giải pháp vận động tuyên truyền để đảm bảo được con em ở địa phương không cư trú ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc phải về nước đúng thời hạn để đảm bảo không chỉ cho bản thân của người lao động và các lao động khác ở địa phương, mà còn cho hợp tác của giữa Việt Nam với Hàn Quốc được tiếp tục ổn định, phát triển trong thời gian tới.

Cục Quản lý lao động ngoài nướccũng cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp… Trong đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là hơn 30%.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem