8 tháng: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp khó, tăng chỉ 1,6%
Các mặt hàng nông sản và thủy sản đều giảm nhẹ, riêng lâm sản tăng đột biến. Cụ thể, nhóm nông sản chính ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm 8,3%, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 51,7%); lâm sản chính đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6%; thủy sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2%.
8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng vỏn vẹn 1,6% so với cùng kỳ năm 2018
Từ số liệu thống kê có thể thấy, nông sản là nhóm có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm rõ nhất. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phân tích, sự sụt giảm mạnh mẽ giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực là bởi thời gian qua, vì mở rộng diện tích, nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng, trong khi đó chất lượng chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường ngày càng khó cạnh tranh do sự lớn lên nhanh chóng của các nước nông nghiệp khác, dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp. Ngoài ra, chất lượng hàng nông sản nước ta hiện nay còn thấp, chỉ xuất khẩu dưới dạng thô hoặc chế biến đơn giản nên giá trị không cao. Nhiều loại hoa quả tươi không thể bảo quản lâu nên rất khó để xuất khẩu sang nhiều thị trường ở xa. Nông sản thì không có thương hiệu, khó cạnh tranh nên giá liên tục biến động. Điển hình như cà phê và hồ tiêu của Việt Nam. Hiện nay giá cà phê đang ở mức thấp và rất khó có cơ hội hồi phục.
Bộ NN&PTNT cũng dự báo: Trong thời gian tới, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục suy giảm. Dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố rủi ro (chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt, chính sách bảo hộ,…); xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại (nhất là từ thị trường Trung Quốc); giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm.
Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện tại, đây là mục tiêu được giới chuyên gia nhận định sẽ đối mặt nhiều thách thức, khi bạn hàng lớn nhất với nước ta hiện nay là Trung Quốc, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nhất là với hoa quả.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ NN&PTNT xác định sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định; đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu; đẩy mạnh công tác giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc.