"80% khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế sẽ sớm được giải quyết"

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 10/03/2023 13:53 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đa số các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đều đánh giá rằng, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được 80% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế.
Bình luận 0

Ngày 10/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến "Hướng dẫn triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ" tới các Sở Y tế, cơ sở y tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (TTBYT) trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì và hơn 1.300 điểm cầu tham dự cuộc họp.

 "Thông" 80% các vấn đề về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế, ngày 03/3/2023 vừa qua, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.

Ngày 4/3, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, tháo gỡ khó khăn về thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn.

Đánh giá về Nghị định 07 và Nghị quyết 30, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngay khi 2 văn bản này ban hành, Sở Y tế TP.HCM đã họp với tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. 

80% khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế sẽ sớm được giải quyết - Ảnh 1.

Tại Hội nghị ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, cần phải gấp rút triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30, sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... Ảnh Trần Minh (BYT)

Qua đó, đa số các đơn vị đều đánh giá rằng, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được 80% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, ông Nam băn khoăn, Nghị quyết 30 đã cởi gỡ khó khăn cho các bệnh viện khi thanh toán BHYT đối với các dịch vụ thực hiện bằng "máy đặt, máy mượn". Tuy nhiên, Nghị quyết chỉ giải quyết khó khăn tức thời, do đó cần đưa nội dung này vào Luật để ổn định, không thể để tái diễn vướng mắc thanh toán như trong thời gian vừa qua khiến các bệnh viện hoang mang.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được khó khăn trước mắt trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế nhanh chóng mua sắm được máy móc, phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng cần phải có cơ chế, quy định "dài hơi" hơn, không thể để hết năm 2023 lại khiến các bệnh viện "rối bời" trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. 

Ngoài ra, đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thì nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá. Vì đối với các mặt hàng độc quyền thì chỉ có 1 doanh nghiệp bán, bệnh viện cần nhưng anh em lại lo ngại không dám mua vì vướng quy định.

"Về kê khai giá, mã vật y tư y tế của các doanh nghiệp cần đăng tải ở các trang của Bộ để làm cơ sở. Vì có trường hợp, doanh nghiệp đăng tải trên trang của doanh nghiệp, đầu tuần bệnh viện tra còn thấy, cuối tuần kiểm tra lại đã biến mất, rất khó khăn cho việc xây dựng hồ sơ mời thầu", ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng tình với điều này, nhiều cơ sở y tế cũng cho rằng, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải. Tuy nhiên, các quy định mới chỉ có tính ngắn hạn, "chữa cháy". 

Ví dụ gia hạn giấy phép đến hết năm 2024 hay cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Nếu hết năm 2023 hay năm 2024 thì các khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc trang thiết bị y tế (TTBYT) lại tái diễn? Do đó, rất cần một chính sách "dài hơi" hơn.  

Những điểm mới "gỡ khó" 

Về các điểm mới nổi bật trong Nghị định 07, ông Nguyễn Tử Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 07 đã gia hạn giấy phép nhập khẩu. Cụ thể giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Số đăng ký lưu hành đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Sửa đổi này đã giải quyết được việc những gói thầu đã trúng thầu thì có thể nhập khẩu được ngay và đáp ứng nhu cầu sử dụng ngay của các cơ sở y tế vì các giấy phép nhập khẩu đã được gia hạn đến năm 2024.

Nghị định 07 cũng bãi bỏ quy định: "Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán".

Theo quy định này, các bệnh viện khi thực hiện đấu thầu phải có 3 giá tham chiếu và không được mua thấp hơn giá kê khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế vào thời điểm mua bán".

Quy định này gây khó cho các công ty và bệnh viện vì có nhiều mặt hàng chỉ có 1 đơn vị đấu thầu hoặc đấu thầu cao hơn giá kê khai.

80% khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế sẽ sớm được giải quyết - Ảnh 2.

Hội nghị đã kết nối với hơn 1300 điểm cầu trên cả nước. Ảnh Trần Minh (BYT)

Còn theo ông Lê Thành Công – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), Nghị quyết 30 đã giải quyết được nhiều vấn đề khiến các bệnh viện "bó tay", dẫn đến thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế. 

Cụ thể, Nghị quyết 30 không còn bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá khi đấu thầu, mua sắm. Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. 

Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định tại điểm b khoản này....

Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp (máy mượn, máy đặt- PV) sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu...

Những sửa đổi này xuất phát từ những khó khăn trong thực tiễn, nhằm cung cấp cho các cơ sở y tế "công cụ" hữu hiệu để đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế thành công. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Nghị định 07/NQ-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ hết sức quan trọng, căn cơ, bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với một số nội dung…

"Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh.

Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Có thể thiếu thuốc này nhưng có thuốc khác thay thế hoặc thiếu trang thiết bị này thì có loại khác.

Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước. Do đó, tại hội nghị này, chúng tôi muốn nghe các đơn vị nêu rõ những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… để Bộ Y tế ghi nhận và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương báo cáo lên Chính phủ", ông Tuyên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem