9 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT vi phạm khi thực hiện dự án

Tào Nga Thứ tư, ngày 11/01/2023 09:40 AM (GMT+7)
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về công tác quản lý nhà nước về quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án cho giáo dục, đào tạo.
Bình luận 0

Sai phạm tại 9 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT 

Theo đó, quá trình quản lý, triển khai, thực hiện dự án của 9 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT bao gồm Ban Quản lý các dự án Bộ GDĐT, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Trường Đại học Kiên Giang còn một số hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, về lập, trình phê duyệt chủ trương, trình phê duyệt dự án đầu tư, về lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán: Đơn vị tư vấn lập thiết kế và dự toán năng lực còn hạn chế, hồ sơ thiết kế còn thiếu sót; khảo sát, đánh giá hiện trạng còn sơ sài không phản ánh đúng thực tế; xác định chi phí tư vấn không đúng quy định; xác định khối lượng chưa chính xác, tính khối lượng một số công việc, áp dụng một số mã hiệu đơn giá, định mức không đúng quy định làm tăng tổng dự toán; xác định không đúng định mức tỉ lệ chi phí chung, chi phí hạng mục chung làm tăng giá gói thầy không đúng quy định; giám sát còn nhiều thiếu sót dẫn đến việc dự toán thiết kế không đúng quy định…

9 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT vi phạm khi thực hiện dự án - Ảnh 1.

Trường Đại học Nha Trang gây lãng phí nguồn vốn đầu tư hơn 613 triệu đồng. Ảnh: Bùi Chiến.

Đơn vị thẩm tra thiết kế không phát hiện được những nội dung nêu trên của đơn vị tư vấn thiết kế; chưa thực hiện thẩm tra, thẩm định dự toán xây dựng công trình điều chỉnh theo quy định quyết định phê duyệt thay đổi thiết kế bổ sung công việc trần thạch cao sau khi đơn vị thi công đã hoàn thành công tác trát dầm, trần trong nhà gây lãng phí nguồn vốn đầu tư: Trường Đại học Nông lâm TP.HCM 2.053,797 triệu đồng; Trường Đại học Nha Trang 613,793 triệu đồng.

Về đấu thầu lựa chọn nhà thầu (phê duyệt dự toán gói thầu nhưng chưa thực hiện thẩm định; phê duyệt hồ sơ có một số hạng mục không trùng các mục công việc quy định; một số công việc không có trong dự toán gói thầu được duyệt; lập trình phê duyệt kế hoạch gói thầu báo cáo đánh giá tác động môi trường không đúng quy định; có gói thầu thiết kế áp dụng không đúng loại, cấp công trình làm tăng chi phí thiết kế (Trường Đại học Nông lâm 399,874 triệu đồng); trình phê duyệt thi tuyển phương án kiến trúc công trình không thuộc quy định phải thi tuyển kiến trúc; trình hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu vượt hạn mức quy định…).

Về thực hiện gói thầu cung cấp thiết bị: Một số gói thầy cung cấp thiết bị chậm tiến độ bị xử phạt; điều chỉnh xuất xứ, ký hiệu, mã hiệu và hàng sản xuất của một số thiết bị so với hợp đồng nhưng chưa thực hiện ký phụ lục hợp đồng; đơn vị thụ hưởng dự án chưa thực hiện khai báo các thiết bị bức xạ theo quy định; hợp đồng mua sắm thiết bị không thể hiện xuất xứ thiết bị, hãng thiết bị, không đúng theo quy định về việc ký hợp đồng; một số thiết bị từ khi nhận bàn giao đến nay chưa được sử dụng.

Về thực hiện gói thầu xây lắp: Do việc lập định mức dự toán, đơn giá vật liệu chưa chính xác của đơn vị lập dự toán thiết kế, khối lượng nghiệm thu cao hơn thực tế thi công dẫn đến phải giảm trừ giá trị dự toán, thanh toán, quyết toán, thu hồi số tiền 9.213,981 triệu đồng.

Hàng loạt sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam    

Thanh tra Chính phủ cũng ban hành Kết luận Thanh tra về chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, trong đó có nêu những sai phạm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt Nhà xuất bản).

Những sai phạm điển hình như trong giai đoạn 2014-2018, Nhà xuất bản xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán có sai sót dẫn đến gia đình học sinh (là khách hàng) phải mua sách giáo khoa bằng giá Nhà xuất bản đã đăng ký từ năm 2011 (được ấn định trên bìa sách giáo khoa) cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền khoảng 85.167,5 triệu đồng; lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa; và nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu lợi ích nhóm.

Số tiền lãi vay đưa vào giá trần của các gói thầu in sách được Nhà xuất bản tính thuế giá trị gia tăng đối với chi phí lãi vay là chưa phù hợp quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem