9 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới

Chủ nhật, ngày 10/07/2022 19:07 PM (GMT+7)
Sự kỳ diệu 'không tưởng' của những chiếc máy bay dài hơn bể bơi Olympic, nặng hơn xe tăng lớn nhất thế giới và cao hơn cả những tòa nhà năm tầng...
Bình luận 0

Antonov An-225 Mriya: Chiếc máy bay vận tải nặng nhất thế giới

Phòng thiết kế Antonov ở Ukraine SSR chỉ chế tạo một trong những chiếc máy bay chở hàng 'quái vật' này. Antonov đã thiết kế An-225 để chở phi cơ Buran (phiên bản tàu con thoi của Liên Xô) cũng như tên lửa đẩy Energia. Sau khi chương trình vũ trụ Liên Xô sụp đổ, chiếc máy bay được tân trang và nhanh chóng tìm được công việc vận chuyển hàng không khác.

An-225 là máy bay nặng nhất từng được chế tạo, với trọng lượng cất cánh tối đa là 710 tấn. Nó được trang bị 6 động cơ phản lực cánh quạt, có trọng lượng tải tối đa 250 tấn, có thể chở hàng bên trong hoặc trên lưng, sải cánh dài nhất so với bất kỳ chiếc máy bay nào hiện đang bay, ngang bằng một sân bóng.

15 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới (Phần 1) - Ảnh 1.

Vào năm 2020, chiếc máy bay khổng lồ đã tham gia cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu bằng cách thực hiện các chuyến bay vận chuyển vật tư y tế từ Trung Quốc đến các khu vực khác trên thế giới.

Chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới của Ukraine đã trúng pháo kích khiến nó bị hư hỏng nặng hồi cuối tháng 2. Các báo cáo chưa được xác nhận cho thấy chiếc máy bay đang đậu tại sân bay Hostomel và đang trong quá trình bảo dưỡng.

Aero Spaceline’s Super Guppy: Máy bay vận tải quân sự có hình dáng lạ thường nhất thế giới

Super Guppy là một máy bay chở hàng khoang rộng, kích thước lớn của Hoa Kỳ, chuyên để vận chuyển các hàng hóa quá khổ, hoàn hảo để vận chuyển các bộ phận của tàu vũ trụ và tên lửa. 

Guppy được ra đời trong khuôn khổ chương trình vũ trụ “Saturn” của NASA vào năm 1960. Khi đó, những chiếc tên lửa đẩy được chế tạo với kích thước cồng kềnh và rất bất tiện trong việc vận chuyển. Các phương án sử dụng tàu hỏa và xe container đặc biệt đều bị loại trừ vì lí do kích thước tên lửa và điều kiện an ninh. Trong khi đó, vận chuyển đường biển mất nhiều thời gian, chi phí và dễ hư hỏng thiết bị. Vận chuyển bằng máy bay trở thành phương án tối ưu nhất.

10 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới (phần 1) - Ảnh 2.

Do đó, NASA đã đặt hàng cho hãng Boeing thiết kế một chiếc máy bay vận tải mới để chuyên chở tên lửa cho dự án “Saturn”. Chiếc Guppy đầu tiên được Conroy thiết kế có chiều dài lên đến 43 mét, đường kính thân 7,6 mét (đường kính tối đa bên trong), chiều dài khoang chứa trong là 28,8 mét. 

Guppy có thể vận chuyển khối lượng hàng lên đến 24 tấn, thể tích khoang chứa hàng là 1.100 mét khối (kỉ lục thế giới tại thời điểm đó). Phần thân dưới được làm hẹp lại với chiều rộng của sàn chỉ có 2,7 m. Do đó, bề ngoài chiếc Guppy nhìn giống như “mang bầu”.

Chiếc Super Guppy đầu tiên được phát triển dựa trên loại Boeing C-97 Stratofreighter, bay lần đầu vào năm 1965. Máy bay cồng kềnh này đã được mọi tổ chức trên thế giới, trừ NASA, cho 'nghỉ hưu'. Đến nay chỉ còn chiếc Super Guppy mang số hiệu N941NA được NASA sử dụng để vận chuyển các thiết bị quá khổ cho trạm không gian ISS.

Lockheed C-5 Galaxy: 'Lực sỹ bay' của bầu trời

10 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới (phần 1) - Ảnh 3.

Với trọng tải gần 135 tấn, C-5 Galaxy là máy bay lớn nhất được quân đội Hoa Kỳ vận hành thường xuyên. Nó được không quân Hoa Kỳ sử dụng làm máy bay không vận chiến lược liên lục địa. 

Vận tốc tối đa C-5 Galaxy có thể đạt tới là gần 1.000 km/giờ đồng thời có thể bay liên tục 4.440 km mà không cần tiếp nhiên liệu, trở thành máy bay vận tải quân sự tầm xa nhất trên thế giới. C-5 Galaxy là dòng máy bay vận tải duy nhất có khả năng vận chuyển mọi loại hàng hóa, phương tiện quân sự quân đội Mỹ hiện có. 

C-5 Galaxy có chiều dài: 75,31m, chiều cao: 19,84m, sải cánh: 67,89m, diện tích cánh: 576m2. Trọng lượng rỗng của C-5 Galaxy là 172.370 kg và trọng lượng cất cánh tối đa đạt 381.000 kg. C-5 có đủ không gian chở hàng để chở 2 xe tăng M1 Abrams, 16 chiếc Humvee, 3 chiếc Black Hawks hoặc nhiều loại phương tiện khác.

Đến năm 2017, toàn bộ những chiếc C-5 Galaxy đời cũ được nâng cấp lên chuẩn Super Galaxy và hoạt động ít nhất cho đến năm 2040. C-5M Super Galaxy là phiên bản nâng cấp của dòng máy bay vận tải quân sự lớn bậc nhất thế giới C-5 Galaxy. 

Mỗi chiếc C-5M Galaxy có giá gần 170 triệu USD, tức là ngang với khoảng 170 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Phiên bản nâng cấp C-5M Super Galaxy sẽ có khoảng 70% thay đổi so với các đời C-5 trước. Đặc biệt, động cơ mới của hãng General Electric sẽ giúp giảm tiếng ồn và tiết kiệm 10% nhiên liệu.

Boeing 747 Dreamlifter: "Nữ hoàng của bầu trời"

10 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới (phần 1) - Ảnh 5.

Vào những năm 2000, Boeing nhận thấy rằng họ cần một chiếc máy bay chở hàng với dung lượng lưu trữ khổng lồ để vận chuyển các bộ phận cho 787 Dreamliner, loại máy bay được sản xuất khắp nơi trên thế giới. Giải pháp là đưa chiếc máy bay lớn nhất của hãng, chiếc 747, và xây dựng một hầm hàng tùy chỉnh xung quanh nó, chủ yếu để vận chuyển các bộ phận máy bay Boeing 787 Dreamliner đến các nhà máy lắp ráp của Boeing từ các nhà cung cấp trên khắp thế giới.

Là một máy bay thân rộng bay chở hàng biến đổi rộng rãi từ máy bay chở khách Boeing 747-400, với thể tích 65.000 feet khối (1.840 m³), Dreamlifter có thể chứa gấp ba lần so với chuyên cơ chở hàng 747-400. Bốn chiếc Dreamlifters mà Boeing sản xuất cũng sử dụng máy tải hàng hóa dài nhất thế giới và có thể chở được trọng tải lên tới 125 tấn.

Ilyushin Il-76: Máy bay vận tải 'lì nhất thế giới'

Được thiết kế để hoạt động trong mọi điều kiện khắc nghiệt, nguyên mẫu Ilyushin Il-76 ra mắt lần đầu tiên vào năm 1971 và đi vào sản xuất 3 năm sau đó. 

Nó có thể cất cánh và hạ cánh trên những đường băng ngắn, không trải nhựa và có thể bay qua những vùng thời tiết khó khăn một cách dễ dàng. Hơn 800 chiếc trong số đó đã được chế tạo và vẫn được nhiều quốc gia sử dụng cho đến nay.

10 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới (phần 1) - Ảnh 6.

Ilyushin Il-76 là dòng máy bay vận tải đa năng sử dụng 4 động cơ phản lực được dùng để phục vụ vận chuyển trang thiết bị quân sự và hàng hoá phục vụ quân đội. Nhờ khả năng khả năng chuyên chở lượng lớn lính dù và cả xe thiết giáp, IL-76 là loại máy bay chủ lực của lực lượng đổ bộ đường không Nga. 

Mỗi chiếc Il-76 đều được trang bị hệ thống phòng thủ tiên tiến như cảnh báo chiếu xạ radar, thiết bị gây nhiễu, hệ thống phóng mồi bẫy, hai pháo có cỡ nòng 23mm được dẫn bắn bằng radar ở phía đuôi.

IL-76 được phát triển để mang tải trọng 40 tấn hàng hoá, thời gian bay 6 tiếng, phạm vi hoạt động 5.000 km, hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt như thời tiết băng giá, gió mạnh kể cả như ở khu vực Bắc Cực.

McDonnell Douglas KC-10 Extender: Máy bay chở nhiên liệu lớn nhất trên thế giới

9 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới  - Ảnh 7.

Với sải cánh dài gần 50 mét, KC-10 Extender là mẫu máy bay vận tải tiếp nhiên liệu hiện đại của không quân Mỹ, với sức chứa lên tới 160 tấn nhiên liệu và 85 tấn hàng hóa. Đây là chiếc máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không rất linh hoạt cho nhiều loại chiến đấu cơ và đóng vai trò không thể thiếu trong các cuộc không kích.

KC-10 dự trữ nhiên liệu phản lực trong ba thùng chứa ở cánh chính, cũng như các thùng nhiên liệu lớn dưới sàn chở hàng, có khả năng tiếp nhiên liệu linh hoạt bằng ống cao su và phao hình phễu cho nhiều loại chiến đấu cơ của Mỹ.

Stratolaunch: Siêu máy bay 2 thân có sải cánh dài nhất thế giới 

Nói đây là máy bay 'quái vật' quả không ngoa khi nó có sáu động cơ, dù chỉ dài 8 mét nhưng lại có sải cánh dài nhất thế giới 117m, bằng cả một sân bóng đá. Stratolaunch được thiết kế để vận chuyển các phương tiện siêu thanh trên cao. 

Máy bay có thể mang tên lửa lên tầng bình lưu và thả chúng xuống, chuẩn bị phóng lên vũ trụ. Giải pháp thay thế cho các vụ phóng tên lửa thông thường có thể tiết kiệm một số nhiên liệu cần thiết để vượt qua tất cả lực hấp dẫn của trái đất từ mực nước biển vào quỹ đạo và phóng tên lửa nhỏ với tốc độ nhanh.

Stratolaunch có thể mang theo ba phương tiện phóng nhỏ cùng một lúc. Theo chuyên gia của hãng, với hệ thống này, các vệ tinh sẽ được phóng đi dễ dàng và nhanh chóng hơn vì không cần đến các tên lửa đẩy từ mặt đất. Ngoài ra, Stratolaunch còn có khả năng cất cánh từ nhiều loại đường băng và bay đến một điểm được xác định trong điều kiện thời tiết tốt.

9 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới  - Ảnh 8.

Trong chuyến bay lịch sử đầu tiên vào năm 2019, Stratolaunch đã bay 2,5 giờ trên khu vực sa mạc Mojave với độ cao lên đến 5.180 mét, tốc độ tối đa đạt 304 km/h và trình diễn một số thao tác kiểm soát máy bay trên không. 

Theo kế hoạch dự kiến, chiếc máy bay này có thể mang theo các vệ tinh lên đến độ cao gấp 2 lần so với buổi thử nghiệm vừa qua (tức là lên đến độ cao 10.970 mét) để từ độ cao đó nó sẽ phóng các vệ tinh lên quỹ đạo. Sau đó Stratolaunch sẽ quay trở về mặt đất.

Máy bay Stratolaunch Model 351, còn được gọi là "Roc", đã đạt độ cao tối đa 4.267 mét và tốc độ tối đa là 515km/h trong chuyến bay thử nghiệm lần 2 vào năm và được Stratolaunch cho là thành công.

Tupolev Tu-160 (Blackjack): Máy bay chiến đấu "cánh xoay" siêu thanh có hình dạng thay đổi lớn nhất

Tupolev Tu-160 là máy bay chiến đấu và siêu thanh lớn nhất, nặng nhất từng được chế tạo. Tu-160 (mã NATO: Blackjack) hay còn được gọi là 'thiên nga trắng' có sải cánh dài 183 m và trọng lượng cất cánh là 150-275 tấn, tốc độ tối đa 2000 km/giờ. Tải trọng chiến đấu của máy bay Tu-160 đạt 22,5-45 tấn. 

Các nhà thiết kế Liên Xô đã gia tăng khả năng tác chiến của Tu-160 ở trên không trong 15 giờ, và sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm: Bom điều hướng, đạn rơi tự do (kể cả hạt nhân), mìn biển.

“Thiên nga trắng” Tu-160 được chế tạo theo thiết kế cánh thấp tích hợp với một cánh quét biến đổi. Máy bay được trang bị bộ hạ cánh 3 bánh và bộ ổn định khi quay đầu, cùng 4 động cơ được lắp thành cặp ở thân dưới.

9 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới  - Ảnh 10.

Ngoài ra, 2 khoang tải trọng nằm song song với nhau. Vật liệu chính của khung máy bay là titan, hợp kim nhôm nhiệt luyện, hợp kim thép và vật liệu composite. Tu-160 còn được trang bị thiết bị tiếp nhiên liệu đặc biệt hiện đại.

Chỉ có 36 chiếc được chế tạo. Chiếc Tu-160 do Liên Xô thiết kế lần đầu tiên bay lên bầu trời vào năm 1981 và tiếp tục lập 44 kỷ lục thế giới. 

Hiện nay, Tu-160 của quân đội Nga được xem là máy bay chiến đấu lớn nhất, nhanh nhất và mạnh nhất trên thế giới. Theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay ném bom này được thiết kế để tiêu diệt “các mục tiêu quan trọng nhất trong các khu vực quân sự, vùng địa lý xa xôi và nằm sâu trong vùng hậu cứ ở các lục địa”.

Boeing 777-9: Máy bay thương mại hai động cơ dài nhất và lớn nhất thế giới

9 chiếc máy bay 'quái vật' thống trị bầu trời thế giới  - Ảnh 11.

Boeing 777X là một thế hệ mới của dòng máy bay thân rộng Boeing 777. Boeing 777X có hai biến thể: 777-8x và 777-9x. 777X sẽ trang bị duy nhất động cơ độc quyền động cơ thế hệ mới, đôi cánh mới với sải cánh dài hơn và các công nghệ tiên tiến từ Boeing 787 Dreamliner.

777-9 bắt đầu sản xuất vào năm 2017 và đưa vào phục vụ vào năm 2020. 777-9 có chiều rộng cabin và nội thất rộng rãi hơn 19 ft 7 in (5,97m) với ghế rộng lên đến 18 inch (46 cm), có thể chở 425 hành khách trên các chuyến bay đường dài — kéo dài tới 7.285 hải lý — trên khắp thế giới. Boeing 777-9 được gắn hai động cơ General Electric GE9X của máy bay phản lực, với kích thước quạt 132 in (335 cm). Đây là chiếc quạt lớn nhất của GE. 

Sau nhiều lần bị trì hoãn do thời tiết xấu, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay đã diễn ra vào ngày 23 tháng 1 năm 2020. Nhưng do sự phức tạp của dịch Covid-19 nên kế hoạch ra mắt chính thức rời đến cuối năm 2022. Giấy chứng nhận của FAA về chiếc máy bay khổng lồ có thể còn ít nhất hai năm nữa, có nghĩa là nó có thể không được đưa vào hoạt động cho đến năm 2024, theo báo cáo của Times.


Linh Chi (popularmechanics)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem