ACB còn 400 tỷ đồng nợ xấu tại Ngân hàng Xây dựng

Quốc Hải Thứ ba, ngày 23/04/2019 14:00 PM (GMT+7)
Theo lãnh đạo ACB, nhà băng này còn “vướng” 400 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (Ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng vào 31.1.2015). Tuy nhiên, ACB cho biết “không lo lắng” về khoản nợ này…
Bình luận 0

img

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của ACB (Ảnh: Quốc Hải)

Cụ thể, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB), cho biết, với khoản tiền gửi quá hạn 400 tỷ đồng tại VNCB, đây là khoản tiền đã phát sinh từ trước năm 2012 và đến nay đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Hiện ACB đang nắm giữ 3 tài sản đảm bảo cho khoản tiền gửi này và mức giá thị trường cho các tài sản trên vào khảng hơn 600 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã làm việc với VNCB và sắp tới nếu Chính phủ thông qua phương án tái cơ cấu VNCB thì khoản nợ đó có thể thu được và ACB sẽ hoàn nhập dự phòng cho khoản thu đó”, ông Huy, chia sẻ.

Lợi nhuận quý I.2019 đạt 1.670 tỷ đồng

Tại đại hội, HĐQT ACB cũng cho biết, trong quý 1.2019, ACB đạt lợi nhuận khoảng 1.670 tỷ đồng, qua đó, ACB tự tin vào việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm nay (Lợi nhuận trước thế 7.279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.823 tỷ đồng).

Báo cáo tại đại hội về kết quả kinh doanh năm 2018, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho biết, năm 2018 lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 6.389 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2017 và vượt 12% so với kế hoạch đặt ra đầu năm (5.700 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 5.137 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản ngân hàng đạt 329.333 tỷ đồng, tăng 15,8%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 230.527 tỷ đồng, tăng 16,1%. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 269.999 tỷ đồng, tăng 11,9%.

Với kết quả kinh doanh vượt bậc, ACB trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 30%. Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành thêm hơn 374,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tương đương trích số tiền 3.741 tỷ đồng); nâng tổng vốn điều lệ sau khi phát hành thành công lên 16.627 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, ông Toàn cho biết, năm 2019, ACB cũng đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 15% lên 378.733 tỷ đồng, tín dụng tăng 13% lên 265.106 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 15% lên 310.498 tỷ đồng, duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 7.279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.823 tỷ đồng.

Kế hoạch chi trả cổ tức trong năm 2019 cũng sẽ là 30%, tuy nhiên sẽ có 10% trả bằng tiền mặt.

Đặc biệt, tại đại hội, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu cũng chia sẻ những “dấu ấn” mà ACM đã làm được đến thời điểm hiện tại, đó là ngân hàng đã xử lý hết nợ bán cho VAMC; các khoản nợ từ nhóm 2 – nhóm 5 đã được trích lập dự phòng 100%.

“Tôi muốn thông báo một tin vui với cổ đông, đó là ACB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho áp dụng chuẩn Basel II ngày 22.4 vừa qua, đồng thời trở thành ngân hàng thứ 5 tại Việt Nam làm được điều này trước thời hạn 2020. Ngoài ra, NHNN cũng đã ký quyết định chuẩn y cho ACB thực hiện chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu cho các cổ đông trong năm 2019. Hiện tại, ACB cũng đang làm việc với NHNN để tăng tín dụng trong năm 2019 tương ứng việc được áp dụng chuẩn Basel II”, ông Trần Hùng Huy, chia sẻ.

img

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của ACB

Đánh giá về công tác quản trị và điều hành ACB tại đại hội, ông Võ Văn Thuần, Cục phó thanh tra giám sát NHNN tại địa bàn TP.HCM đánh giá cao công tác quản trị điều hành của ngân hàng trong thời gian qua.

“Năm 2018 vừa qua, ACB đã đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay, công tác xử lý nợ xấu tốt, không còn nợ tại VAMC, tỉ lệ nợ xấu dưới 1%. Tuy nhiên, thời gian tới, ngân hàng cần tiếp tục theo phương án cơ cấu của NHNN; cân đối lại ngồn vốn, đầu tư đối tượng phù hợp; hạn chế đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần quan tâm thêm về công tác quản trị điều hành lĩnh vực ví điện tử, chậm mà chắc để tránh các rủi ro”, ông Thuần, chỉ đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem