Agribank vừa được NHNN chấp thuận hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc

H.Anh Thứ tư, ngày 04/08/2021 07:03 AM (GMT+7)
Agribank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND, thời hạn từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022.
Bình luận 0

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có công văn gửi đến các chi nhánh loại 1 về việc thông báo tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới.

Agribank bất ngờ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Theo đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 1,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. 

Ngân hàng thương mại Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND, thời hạn từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022 đối với từng loại tiền gửi.

Ngoài ra, tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng trở lên là 0,5% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. 

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi bằng VND được thực hiện từ tháng 8/2021 đến hết tháng 1/2022 đối với từng loại tiền gửi.

Agribank lợi nhuận gần 9.500 tỷ, bất ngờ được "ưu ái" hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc - Ảnh 2.

Nguồn: SBV

Trước đó, theo văn bản số 1158/QĐ-NHNN ngày 29/5/2018, áp dụng từ ngày 1/6/2018, các ngân hàng đều phải để dự trữ bắt buộc 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Như vậy, có thể hiểu rằng, quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước đã giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với Agribank.

Về phía Agribank, đại diện nhà băng này cho hay, cơ sở để được hưởng cơ chế này là dựa trên Thông tư số 14, ngày 29/5/2018 về việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, trong lúc tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp bị đình trệ, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm bớt gánh nặng cho Agribank. 

"Việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt một phần áp lực về việc giam giữ vốn nhằm để ngân hàng dư giả hơn về nguồn khi cung ứng tín dụng cho nền kinh tế", vị này nói.

Agribank lợi nhuận gần 9.500 tỷ, bất ngờ được "ưu ái" hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc - Ảnh 3.

Ngân hàng Nhà nước hạ dự trữ bắt buộc cho Agribank để hỗ trợ cho vay "tam nông". (Ảnh: LT)

Được biết, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương, không chỉ Agribank mà bất cứ ngân hàng thương mại nào tập trung hỗ trợ nông dân, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với cho vay khu vực này đạt trên 40% tổng dư nợ thì được xem xét hạ dự trữ bắt buộc.

Agribank đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Agribank, thu nhập lãi thuần của Agribank nửa đầu năm nay ở mức 25.973 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng gia đoạn năm trước nhờ sự gia tăng của khoản lãi cho vay với khách hàng và giảm chi phí lãi tiền gửi.

Với các khoản thu ngoài lãi, mảng dịch vụ mang về 2.527 tỷ đồng lãi thuần, tăng 22,1% nhờ sự tăng trưởng doanh thu của các dịch vụ thanh toán.

Hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối mang về 758,6 tỷ đồng, tăng 29,7%.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng 20,7 tỷ đồng, chủ yếu là tiền hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán.

Agribank lợi nhuận gần 9.500 tỷ, bất ngờ được "ưu ái" hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc - Ảnh 4.

Agribank báo lãi trước thuế gần 9.500 tỷ đồng. (Ảnh: LT)

Ngoài ra, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác ghi nhận ở mức 4.294 tỷ đồng, tăng gần 60%. Còn nguồn thu từ cổ tức của ngân hàng là 7,8 tỷ đồng, giảm 62,6%.

Những nguồn thu này giúp tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt hơn 33.581 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng gần 32%.

Về chi phí, ngân hàng ghi nhận 11.466,7 tỷ đồng chi phí hoạt động, giảm 5,9% so với cùng giai đoạn năm trước nhờ giảm chi lương và phụ cấp cho nhân viên. Trong kỳ, Agribank cũng đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm 2021 với giá trị 12.650,3 tỷ đồng, tăng gần 50% với cùng giai đoạn năm 2020.

Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng giai đoạn năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế của Agribank là 7.572,8 tỷ đồng.

Với kết quả này, Agribank trở thành nhà băng có lợi nhuận lớn thứ 4 hệ thống trong nửa đầu năm sau Vietcombank, Techcombank và VietinBank.

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm, là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hiện nay.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,6% trong nửa đầu năm lên hơn 1,2 triệu tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 4,2% lên hơn 1,46 triệu tỷ.

Kỳ này, sau khi được Chính phủ thông qua phương án cấp bổ sung vốn vào năm ngoái - vốn điều lệ của ngân hàng tăng hơn 3.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem