Agribank Phú Yên tiếp vốn cho vùng xa, mở điểm giao dịch bằng ôtô

Hùng Phiên Thứ năm, ngày 25/04/2019 16:44 PM (GMT+7)
Việc Agribank Phú Yên đưa điểm giao dịch lưu động vào hoạt động đang giúp người dân vùng xa tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn, qua đó vừa giảm chi phí, giảm thời gian đi lại và chờ đợi làm thủ tục, vừa đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng khi giao dịch.
Bình luận 0

“Cánh tay nối dài” của ngân hàng

Tại Phú Yên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Phú Yên (Agribank Phú Yên) hiện là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất tỉnh, trải đều từ thành thị đến nông thôn gồm: Hội sở, 10 chi nhánh loại II phụ thuộc, 7 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại II, 25 điểm ATM.

Đầu năm 2019, Agribank Phú Yên triển khai mở điểm giao dịch lưu động bằng xe ôtô chuyên dùng tại 3 xã vùng cao thuộc huyện Sơn Hoà. Đây là điểm giao dịch lưu động đầu tiên trên địa bàn tỉnh của Agribank Phú Yên và cũng là 1 trong 30 điểm được triển khai đợt đầu của Agribank trên cả nước.

img

Khai trương điểm giao dịch lưu động của Agribank tại huyện miền núi Sơn Hòa, Phú Yên. Ảnh: Hùng Phiên

"Nhà tôi cách trung tâm huyện hơn 40km, mỗi lần lên xuống ngân hàng phải mất ít nhất cả buổi. Bây giờ, giao dịch tại “ngân hàng di động” ngay gần nhà như thế này rất thuận tiện. Nếu có chỉnh sửa, xác nhận giấy tờ liên quan thì các đầu mối cũng đều trong vòng vài cây số, đi lại rất nhanh gọn”.

Bà Trần Thị Ấn (nông dân xã miền núi Sơn Long, Sơn Hòa)

Theo ông  Vũ Anh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Agribank Sơn Hòa, tại điểm giao dịch bằng ôtô chuyên dùng này, người dân có thể sử dụng hầu hết sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng như gửi tiết kiệm, vay vốn, mở thẻ, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nhận kiều hối...

Việc đưa điểm giao dịch lưu động vào hoạt động giúp người dân các xã vùng xa tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng; giảm chi phí, giảm thời gian đi lại và chờ đợi làm thủ tục; đồng thời đảm bảo an toàn tài sản khi giao dịch. Trước mắt, điểm giao dịch lưu động hoạt động 2 lần/tháng, phục vụ chủ yếu cho người dân 3 xã vùng cao Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa).

Việc đưa điểm giao dịch lưu động vào hoạt động giúp người dân trên địa bàn tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng. Qua đó vừa giảm chi phí, giảm thời gian đi lại và chờ đợi làm thủ tục, vừa đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng khi giao dịch.

Cũng theo ông Tuấn, những điểm giao dịch này như “cánh tay nối dài”, đưa đồng vốn ngân hàng đến gần với người dân, đáp ứng đầu tư phát triển kinh tế cho bà con vùng nông thôn. Việc giao dịch lưu động kết hợp cho vay thông qua tổ vay vốn còn làm gắn kết giữa ngân hàng nông nghiệp với các cấp đoàn thể cũng như chính quyền địa phương.

Điều này góp phần để đồng vốn ngân hàng đầu tư trực tiếp vào phát triển sản xuất, kinh doanh; quảng bá được các sản phẩm, dịch vụ của Agribank và đặc biệt là góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Chỉ sau hơn 2 tháng thành lập, điểm giao dịch lưu động này đã trực tiếp cho vay sản xuất kinh doanh trên 10 tỷ đồng. Sắp tới, cũng tại huyện Sơn Hòa, Agribank Phú Yên sẽ triển khai thêm 1 điểm giao dịch lưu động tại xã Ea Cha Rang để phục vụ cho 3 xã miền núi Ea Chà Rang, Krông Pa và Suối Trai.

Nâng “chất” dịch vụ tài chính

Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Phú Yên, ông Trần Văn Tập cho biết, trên thực tế, các chương trình tín dụng của Agribank Phú Yên đã và đang góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương... Trong năm 2019, đơn vị đang bám sát các định hướng, chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ và giải pháp kinh doanh từ Agribank, chi nhánh Agribank Phú Yên đã tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng tín dụng để phục vụ khách hàng. 

Đứng chân trên địa bàn một tỉnh có hơn 80% dân số, 75% lao động sống và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, Agribank Phú Yên đã thực sự trở thành bạn của nhà nông, đồng hành cùng nông dân trong quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình.

Với mô hình “3 cùng” (cùng biết, cùng bàn, cùng làm), Agribank Phú Yên đã tập trung vốn phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn với dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm hơn 85% tổng dư nợ của đơn vị, giúp nông dân có vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Thời điểm này, Agribank Phú Yên tập trung giữ vững nguồn vốn ổn định, đồng thời tăng trưởng nguồn vốn huy động, ưu tiên huy động nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn. Bên cạnh đó, tích cực huy động các nguồn vốn giá rẻ, cơ cấu kỳ hạn phù hợp, cạnh tranh, giữ ổn định và tăng số lượng khách hàng tiền gửi trên cơ sở đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng để đạt nguồn vốn tăng trưởng cao theo kế hoạch đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem