Ai đưa hối lộ quan chức số tiền "khủng" nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu?

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 06/04/2023 19:49 PM (GMT+7)
Lãnh đạo một doanh nghiệp bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cáo buộc đưa hối lộ với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng để xin cấp phép chuyến bay và "chạy án" trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Bình luận 0

Theo Kết luận điều tra vụ án chuyến bay giải cứu vừa được Cơ quan An ninh điều tra (A09), Bộ Công an ban hành, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay do công dân tự nguyện trả phí toàn bộ nhằm hỗ trợ đưa công dân về nước.

Thực hiện chính sách này, một bộ phận cán bộ có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin cho. Việc này dẫn đến DN phải nâng giá vé máy bay, phát sinh các chi phí "bôi trơn", đưa hối lộ.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 54 bị can theo các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó, 21 bị can bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ" đã nhận tổng số tiền hơn 170 tỷ đồng, 24 bị can bị đề nghị truy tố tội "đưa hối lộ" với tổng số tiền hơn 260 tỷ đồng.

"Bôi trơn", "chạy án" trăm tỷ vẫn bất thành

Bị can Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ với số tiền lớn nhất, 42,6 tỷ đồng. Bị can đưa hối lộ nhiều nhất lên tới hơn 100 tỷ đồng là Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, có vai trò đồng phạm với bị can Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky.

Ai hối lộ quan chức với số tiền "khủng" nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu? - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng bị cáo buộc “Đưa hối lộ” với số tiền hơn 100 tỷ đồng, có vai trò đồng phạm với bị can Lê Hồng Sơn (ảnh nhỏ) trong vụ án chuyến bay giải cứu

Nội dung kết luận điều tra thể hiện, Nguyễn Thị Thanh Hằng đã bàn bạc, thống nhất cùng Lê Hồng Sơn, đưa hối lộ 38,5 tỷ đồng cho các bị can có thẩm quyền ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao... để xin cấp phép thực hiện 109 chuyến bay combo.

Khi vụ việc bắt đầu bị điều tra, được Cục Nghiệp vụ Bộ Công an gặp, tiếp xúc động, Hằng có ý định ra tự thú. Tuy nhiên, do lo sợ bị xử lý hình sự và có sẵn mối quan hệ với Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, thời điểm này đang là Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội nên Sơn và Hằng đã bàn bạc để "chạy án".

Bị can Hằng khai là người đại diện liên hệ, gặp và đưa cho bị can Nguyễn Anh Tuấn 2.800.000 USD để "lo" cho cả 2 không bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng chỉ đủ cơ sở kết luận bị can Nguyễn Anh Tuấn đã nhận 2.650.000 USD, tương đương 61,6 tỷ đồng từ Hằng. Sau đó, bị can Tuấn khai đã đưa cho Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) 2.250.000 USD để "lo" cho Hằng và Sơn; 400.000 USD còn lại dùng việc cá nhân.

Việc "chạy án" bất thành, ngày 8/12/2022, A09 khởi tố, bắt tạm giam Hưng. Bà Hằng sau đó cũng bị khởi tố, bắt tạm giam cùng về hành vi đưa hối lộ, với cáo buộc đồng phạm với Sơn đưa tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng để xin cấp phép chuyến bay và "chạy án".

Doanh nghiệp "trầy trật" vì bão dịch

Theo số liệu thống kê được nêu trong kết luận điều tra, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nhưng chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt. 

Tại thời điểm dịch Covid-19, doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn, không có nguồn thu, không có việc làm khác, trong khi họ vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, trả lương nhân viên. Vì vậy, khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, Sơn và Hằng buộc phải tìm cách liên hệ, móc nối, đưa tiền cho cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép.

Ngay sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, ăn năn hối cải, bị can đã có đơn tự thú, tự nguyện trình bày hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án.

Theo kết luận điều tra, bị can Lê Hồng Sơn phạm tội "Đưa hối lộ" quy định tại khoản 4, Điều 364 BLHS, với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can Lê Hồng Sơn đã nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; cùng bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng nộp lại hơn 2,6 tỷ đồng mà các bị can nhận hối lộ đã trả lại sau khi khởi tố vụ án hình sự; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án...

Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ khi định khung hình phạt đối với các bị can Sơn và Hằng để động viên những người đưa hối lộ tố giác tội phạm, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan nhà nước.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem