Ai mới là kẻ chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Kennedy?

AT Chủ nhật, ngày 05/03/2023 21:38 PM (GMT+7)
Trước Kennedy, những vị Tổng thống nào đề cập đến bản vị vàng, bản vị bạc, chống lại ngân hàng, giành quyền phát hành tiền từ tay Fed đều bị ám sát kể cả Abraham Lincoln, Andrew Jackson, James A. Garfield, Ronald Reagan… Hung thủ ám sát các Tổng thống cũng thường bị bắn chết bí ẩn ngay sau đó hoặc bị kết luận là “tâm thần”.
Bình luận 0

Giả thuyết "giết vua đoạt ngôi“

Chỉ hai giờ sau khi Kennedy bị ám sát, trên chiếc Air Force One tại phi trường Love Field ở Dallas, phó tổng thống Lyndon B. Johnson đứng bên cạnh đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy đọc lời tuyên thệ nhậm chức và nghiễm nhiên trở thành tổng thống thứ 36 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà không cần phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” tranh cử.

Thái độ của phó Tổng thống Lyndon B. Johnson trong thời điểm nhậm chức và những hành động, cử chỉ bất thường trước thời điểm Tổng thống Kennedy bị ám sát sau này đã bị “soi” lại và đưa vào “diện nghi vấn”. Trước đó, quan hệ giữa Kennedy và Johnson thuộc loại “cơm không lành, canh không ngọt”.

Ai mới là kẻ chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Kennedy? - Ảnh 1.

Một góc hình ảnh vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ảnh: AP.

Jean Hill trong cuốn John F. Kennedy: The Last Dissengting Witness xuất bản năm 1992 dẫn lời cảnh sát lái xe bảo vệ Tổng thống Kennedy kể lại, khi Tổng thống bắt tay những người dân chào đón ông tại phi trường thì đặc vụ của phó Tổng thống Johnson báo cho ông này biết Tổng thống thay đổi lộ trình khi vào quảng trường Deli.

Kennedy bị bắn khi xe của ông đi vào phố Elm, chỉ còn vài tòa nhà nữa là đến Dealey Plaza. Hung thủ được cho là bắn ra từ trường Texas School Book Depository gần đó.

Nếu lộ trình của Tổng thống Kennedy trong buổi trưa định mệnh đó không thay đổi thì sát thủ khó có cơ hội ra tay. Cũng theo lời cảnh sát lái xe, vệ sĩ của phó Tổng thống Johnson kể, lại trước khi nghe thấy viên đạn thứ nhất bắn ra khoảng 30 – 40 giây, Johnson khom người xuống xe giống như tìm gì đó trên thảm lót sàn hoặc dự cảm viên đạn sắp bay qua.

Một đoạn băng hiếm có do tướng Chester Clifton, phụ tá cấp cao của Kennedy có cho thấy trên máy bay giọng Johnson dường như an ủi Jacqueline: “Giá như tôi có thể làm được điều gì đó, và tôi muốn bà biết rằng chúng tôi cũng rất đau buồn”. Jacqueline vẫn mặc chiếc áo đẫm máu của Kennedy bước xuống phi trường Washington như cố gắng “để cho lũ giết người thấy được tội ác mà chúng phạm phải”.

Khác với tâm trạng phẫn uất đau buồn của Jacqueline, Lyndon B. Johnson về Washington trên cương vị tổng thống chỉ sau một chuyến đi và người ta vẫn còn nhớ câu nói của ông lúc nhậm chức vụ phó Tổng thống: Trong 4 tổng thống thì có 1 bị ám sát, có lẽ tôi sẽ gặp may mắn?

Chắp nhặt những chi tiết, hành động, lời nói và cả trong cuốn “Nhật ký Nhà Trắng” của vợ Johnson (bà Lady Bird), nhiều tác giả đặt dấu hỏi về sự can dự của Johnson trong cái chết của Tổng thống Kennedy. Tuy nhiên, cũng như những nghi vấn khác, cho đến nay tất cả vẫn là giả thuyết.

Âm mưu không đơn lẻ

Ngay sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, người kế nhiệm là Johnson đã lập ra Ủy hội Warren để tiến hành điều tra. Ủy hội Warren nhanh chóng đưa ra kết luận, Lee Harvey Oswald đã đơn phương giết Tổng thống Kennedy. Trong khoảng thời gian 5 – 6 giây, Oswald đã bắn liên tiếp 3 phát đạn. Phát đầu tiên trật mục tiêu, phát thứ hai trúng dưới cổ và phát thứ ba trúng đầu. Động cơ giết người của Oswald là “Muốn thể hiện lòng can đảm của người Do Thái trước toàn thế giới”.

Phát đạn thứ 2 được cho là của Oswald bắn trúng dưới cổ Tổng thống Kennedy tiếp tục xuyên vào người của Thống đốc bang Texas John Connally đang ngồi hàng ghế trước. Xác suất như vậy rất ít xảy ra nên báo chí mỉa mai gọi là “phát đạn thần kỳ”.

Sát thủ Oswald bị bắt khoảng 45 phút sau vụ ám sát nhưng không phải bởi tội giết Tổng thống mà tội giết một cảnh sát. Oswald phủ nhận cáo buộc tội giết Tổng thống Kennedy và 48 giờ sau đó khi thoát khỏi sự truy đuổi của cảnh sát, Oswald đã bị một tên sát thủ gốc Do Thái khác bắn chết ở cự ly gần. Sự kiện này được hàng triệu người dân Mỹ chứng kiến qua truyền hình.

Kết luận của Ủy hội Warren đã biến vụ ám sát Tổng thống Kennedy trở thành một vụ kỳ án cho đến ngày hôm nay. Liên tục từ năm 1966 đến 2003, qua thăm dò của Viện Gallup, Hãng truyền thông ABC… cho thấy kết quả 70% người dân Mỹ tin rằng vụ ám sát Tổng thống Kennedy là một âm mưu lớn, không đơn lẻ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cũng phát biểu với đài truyền hình CNN là “tôi nghi ngờ việc Lee  Harvey Oswald hành động một mình”.

Nhiều hồ sơ, tài liệu Ủy hội Warren giữ kín và theo luật đến năm 2039 mới công bố. Nhiều nhà điều tra độc lập tỏ ý nghi ngờ FBI và các tổ chức chính phủ khác hủy hoại chứng cứ.

Trong cuốn John F. Kennedy: The Dead Witnesses, năm 1994 theo điều tra của  nhà báo Craig Roberts cho thấy từ năm 1963 đến năm 1993, có 115 nhân chứng của vụ ám sát Tổng thống Kennedy đã tự sát hoặc bị mưu sát. Trong khoảng thời gian 3 năm sau ngày Kennedy bị ám sát, 18 nhân chứng quan trọng lần lượt tử vong, trong số đó có 6 người bị bắn, 3 người tai nạn xe hơi, 2 người tự sát, 1 người bị cắt cổ, 1 người bị vặn gãy cổ, 5 người đột tử. Song Hongbing trong cuốn Currency Wars dẫn lời một nhà toán học người Anh cho biết trên tờ Sunday Times vào năm 1967 thì xác suất như vậy là 1/100 triệu tỉ.

Trong di chúc của đệ nhất phu nhân Jacqueline, bà nói rằng 50 năm sau khi bà qua đời tức là ngày 19.5.2044, nếu con trai út bà tạ thế, bà sẽ ủy quyền cho thư viện Kennedy công bố 500 trang tài liệu liên quan đến Tổng thống Kennedy. Năm 1999, con trai út của bà bị tai nạn máy bay và tử nạn. Trước đó, năm 1968 Robert Kennedy – em trai của Tổng thống Kennedy cũng bị đạn lạc chết tại chỗ trong một bữa tiệc khi ông vừa được đảng Dân chủ đề cử ứng cử viên Tổng thống.

Giấy chứng tử #11110

Tròn 50 năm qua, báo chí, sách vở, phim ảnh… đưa ra rất nhiều giả thuyết về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ngoài những “nghi can” như phó Tổng thống Lyndon B. Johnson còn có các cá nhân khác như Fidel Castro, mật vụ George Hickey ngộ sát và các tổ chức, chính quyền như Xô Viết, Cu Ba, Israel, CIA, FBI, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các nhà buôn dầu ở Texas… Đặc biệt năm 1981 có giả thuyết rằng Kennedy bị ám sát bởi “giang hồ tài chính” có liên quan đến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bởi vì ông đã ký sắc lệnh #11110.

Ngày 4 tháng 6 năm 1963, Kennedy ký sắc lệnh #11110 cho phép Bộ tài chính Mỹ dùng bạc trắng dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm : bạc thỏi, đồng tiền bạc và đô-la Mỹ bằng bạc làm cơ sở phát hành “chứng chỉ bạc trắng” (Silver Certificate) và lập tức đưa vào hệ thống lưu thông tiền tệ trên thị trường. Sau khi chế độ bản vị vàng bị bãi bỏ từ năm 1933 dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt, sắc lệnh #11110 của Kennedy được xem là việc khôi phục bản vị bạc, giành quyền phát hành tiền lại từ tay Fed nên đụng chạm quyền lợi của các nhà tài phiệt.

Song Hongbing viết: “Ý đồ của Kennedy hết sức rõ ràng: Giành lại quyền phát hành tiền tệ từ tay Fed do các ngân hàng trung ương tư hữu chi phối. nếu kế hoạch này được thực thi thì chính phủ Mỹ sẽ từng bước thoát khỏi cảnh “vay tiền” của Fed với mức lãi suất cao ngất ngưỡng. Như vậy, đồng tiền được đảm bảo bằng bạc trắng không phải là tiền nợ mà là “tiền thực”, thành quả lao động của dân chúng tạo nên. Sự lưu thông của “chứng chỉ bạc trắng”, sẽ từng bước làm suy giảm dòng lưu thông của đồng đô – la do Fed phát hành và rất có thể khiến Fed phá sản!”.

Giả thuyết “giang hồ tài chính” ám sát Tổng thống Kennedy đã bị G.Edward Griffin, một nhà văn am hiểu về tài chính và chuyên viết về thế giới ngầm của các nhà tài phiệt cho rằng đó chỉ là tin đồn của một vài cuốn sách “lưu truyền trong giới bảo thủ” và không có chứng cứ chắc chắn.

Cho đến nay, đúng 50 năm, vụ ám sát Tổng thống Kennedy không bao giờ thỏa mãn được dư luận và có thể mãi mãi chìm trong bóng ma hắc ám của chính trường Mỹ.

Tuy nhiên, dư luận có quyền nghi ngờ những gì đã từng lặp lại trong lịch sử. Cuộc chiến đấu của các Tổng thống Mỹ không phải với những thế lực bên ngoài mà chính từ những thế lực tài chính bên trong. Trước Kennedy, những vị Tổng thống nào đề cập đến bản vị vàng, bản vị bạc, chống lại ngân hàng, giành quyền phát hành tiền từ tay Fed đều bị ám sát kể cả Abraham Lincoln, Andrew Jackson, James A. Garfield, Ronald Reagan… Hung thủ ám sát các Tổng thống cũng thường bị bắn chết bí ẩn ngay sau đó hoặc bị kết luận là “tâm thần”.

Trong cuộc chiến đấu với các thế lực ngân hàng, Andrew Jackson, Tổng thống thứ 7 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ luôn được ca ngợi như một chiến sĩ can trường. Đối đầu với ngân hàng, Andrew Jackson đã tuyên bố hùng hồn “Ngân hàng muốn giết chết tôi, nhưng tối sẽ giết chết ngân hàng”. Sau lần bị ám sát hụt, ngày 8 tháng 6 năm 1845, ông qua đời sau khi uống một ly sữa lạnh trong một buổi diễn thuyết. Bia mộ của ông có ghi dòng chữ “Ta đã giết được ngân hàng”. Dưới thời Andrew  Jackson, duy nhất trong lịch sử Mỹ, nợ Chính phủ bằng không.

Tôi tin chắc rằng, sự đe dọa của tổ chức ngân hàng đối với tự do của chúng ta còn nghiêm trọng hơn uy lực quân sự của kẻ thù. Họ đã tạo ra một tầng lớp quý tộc rủng rỉnh tiền bạc và coi thường chính phủ. Quyền phát hành tiền tệ phải được đoạt lại từ tay ngân hàng., nó phải thuộc về những người chủ thực sự của nó – nhân dân.

Thomas Jefferson – Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ

Tôi có hai kẻ thù chính: Quân đội miền Nam trước mặt và cơ cấu tiền tệ sau lưng. Trong hai thế lực này, sự đe dọa của kẻ đứng sau lưng mới là nguy hiểm nhất. Tôi nhìn thấy một nguy cơ trong tương lai đang đến gần chúng ta, khiến chúng ta lo sợ cho sự an nguy của đất nước. Sức mạnh của đồng tiền sẽ tiếp tục thống trị và làm tổn thương đến người dân, và đến khi những đồng tiền cuối cùng tích tụ lại trong tay một số kẻ thì đất nước của chúng ta sẽ bị phá hủy.

Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem