Ấm áp xuân biên cương

Thứ hai, ngày 23/01/2023 18:20 PM (GMT+7)
Xuân về, người lính quân hàm xanh lại ngày đêm "bám làng, bám bản" để giúp bà con vùng biên có một cái Tết ấm no và "tiếp lửa" cho hàng trăm học sinh khó khăn được trường học tập.
Bình luận 0

Nuôi con chữ, gieo hy vọng

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng hiệu quả cây trồng.

Ngoài ra, với chương trình "Nâng bước em đến trường" và "con nuôi biên phòng" của Bộ đội Biên phòng, hàng trăm em nhỏ vùng biên được đến trường học.

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 1.

Cháu Y Uyên được hỗ trợ 500 nghìn đồng tháng từ chương trình "Nâng bước em đến trường" của Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum. Ảnh: Phạm Hoàng

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiền - Chính trị viên phó (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y) dẫn chúng tôi đến thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) nằm ở ngã 3 Đông Dương. Đây là ngôi làng hầu như đều là bà con người Brâu, một trong những dân tộc ít nhất cả nước.

Thiếu tá Hiền tâm sự: "Trước kia, đời sống người dân ở đây khó khăn lắm. Nhưng nhiều năm gần đây, đời sống bà con thôn Đăk Mế ngày càng sung túc, có thể xem là giàu nhất, nhì xã Bờ Y. Nhà nào cũng có vài sào cà phê, ngày Tết ấm no khi trong nhà có của ăn của để".

Dứt cuộc trò chuyện, chúng tôi cũng vừa tới nhà chị Y Ly (SN 1992, thôn Đăk Mế). Gia đình chị nhiều năm nay là hộ nghèo. Trước kia, chị Y Ly không có nhà ở, đất sản xuất. Cháu Y Uyên mới qua bậc tiểu học cũng có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã hỗ trợ bò giống để gia đình cháu Y Uyên và chị Y Ly thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Phạm Hoàng

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Ly, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, với hơn 50 triệu đồng. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã nhận nuôi cháu Y Uyên, giúp cháu không phải bỏ học giữa chừng thông qua chương trình "Nâng bước em đến trường". Không những thế, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y còn tặng con bò giống để gia đình anh chị  Y Ly có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế.

Từ những hỗ trợ đó, gia đình chị Y Ly đã phát triển kinh tế ổn định, vươn lên "thoát nghèo". Cháu Y Uyên đã được đến trường trong điều kiện tốt nhất.

Không riêng gì Y Uyên mà ở một xã biên giới khác, cháu A Ứng (12 tuổi, người Jrai, trú tại làng Grập, xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cũng đã có thêm một người cha nuôi mang "quân hàm xanh".

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 3.

Vì mồ côi từ nhỏ nên em A Ứng được Đồn biên phòng Mo Rai nhận nuôi và tạo điều kiện cho ăn, ở trong đơn vị nhiều năm nay. Ảnh: Phạm Hoàng

Từ nhỏ, A Ứng có hoàn cảnh khá đặc biệt khi bố mất sớm rồi mẹ đi lấy chồng xa. Em ở với bà nội đã tuổi cao sức yếu. Nhận thấy hoàn cảnh A Ứng khó khăn, Đồn Biên phòng Mo Rai hỗ trợ em mỗi tháng 500 nghìn đồng, đều đặn từ năm 2018, từ khi A Ứng mới 8 tuổi.

Cũng từ đó, cháu được về ở cùng các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mo Rai. Hàng ngày, em được các cán bộ biên phòng thay nhau đưa đến lớp học. Đến nay, A Ứng sống trong đồn biên phòng được hơn 5 năm. Hiện em đang học lớp 7 tại Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Mo Rai).

Trung úy Hoàng Như Thanh (25 tuổi, Đồn Biên phòng Mo Rai) được A Ứng xem như người cha thứ hai. Tuy anh Thanh tuổi còn trẻ nhưng thường xuyên chăm sóc, gần gũi, động viên A Ứng học tập. Anh Thanh cũng dạy em những cách sinh hoạt khuôn khổ, tự lập như một người chiến sỹ thực thụ. Ban đầu, A Ứng cũng chưa quen nên còn nhút nhát nhưng càng ở lâu em lại trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát.

"Cháu được sống trong đơn vị nên cũng thuận lợi để tôi kề bên quan tâm chăm sóc. Tuy chưa có kinh nghiệm làm bố bao giờ nhưng tôi lại có cảm giác gần gũi với A Ứng. Nhiều lúc cháu cũng tâm sự muốn làm một người chiến sỹ biên phòng để tiếp tục giúp đỡ bao học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tôi khích lệ, động viên cháu học tập tốt để đạt được ước mơ", Trung úy Thanh bộc bạch.

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 4.

Ngoài ra, Bộ đội biên phòng Kon Tum còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế để người dân vùng biên vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Phạm Hoàng

Theo số liệu từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, hiện nay đang có 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã được 14 đồn biên phòng nhận nuôi theo mô hình "Con nuôi biên phòng". Đối với chương trình "Nâng bước em đến trường", có hơn 75 cháu được các đồn biên phòng, bộ chỉ huy hỗ trợ trên khắp 13 xã/16 đồn của tỉnh Kon Tum.

Bánh chưng xanh gắn kết tình quân dân

Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum đã cùng với chính trị địa phương xây dựng nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, đón Tết đầm ấm, vui tươi.

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 5.

Hàng năm, Bộ đội biên phòng Kon Tum đều phối hợp để tổ chức chương trình "Ngày hội bánh chưng xanh" trên khắp 13 xã biên giới. Ảnh: T.K.N

Mỗi mùa Tết đến, xuân về, các đồn biên phòng đứng chân trên 13 xã, huyện biên giới tỉnh Kon Tum lại rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội bánh chưng xanh. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, các đồn biên phòng đã họp bàn cùng chính quyền địa phương, đoàn thể, cá nhân trên địa bàn để xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức.

Càng giáp Tết, không khí ở các thôn, làng từ vùng sâu, vùng xa đến vùng biên giới chuẩn bị cho không khí lại càng rộn ràng hơn.

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 6.

"Ngày hội bánh chưng xanh" nhằm đảm bảo cho tất cả người dân vùng biên giới đều được vui xuân, đón Tết. Ảnh: T.K.N

Mỗi năm, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum hỗ trợ hàng trăm cân gạo nếp và giao cho các đồn tổ chức ngày hội bánh chưng xanh, hướng dẫn bà con vùng biên gói bánh chưng. Sau khi gói xong, mỗi gia đình sẽ được tặng 1-2 cặp bánh chưng ăn Tết.

Lồng ghép vào chương trình là các hoạt động giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo và chương trình văn nghệ để phục vụ người dân vùng biên giới vui xuân, đón Tết.

Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Hồ Hữu Ngạn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum - cho biết: "Đơn vị nhận quản lý 21km đường biên và địa bàn xã Mo Rai. Trên địa bàn có khoảng 15 dân tộc cùng sinh sống nên đồn thường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bà con để tổ chức ngày hội bánh chưng xanh thật ý nghĩa. Đảm bảo, tất cả người dân trên địa bàn đều được vui xuân đón Tết và ai cũng có bánh chưng xanh trong ngày Tết".

Ấm áp xuân biên cương - Ảnh 7.

Nhiều đồn biên phòng còn gói bánh để phục vụ cho bà con và người dân có một cái Tết ấm no. Ảnh: T.T

Anh A Thái - Trưởng thôn làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy - bộc bạch: "Bà con xã biên giới ở làng còn khó khăn. Ngày Tết cũng không có tiền sắm sửa. Mong muốn của bà con chỉ là đủ ăn, chứ đâu dám nghĩ đến bánh chưng.

Biết bà con khó khăn nên hàng năm bộ đội biên phòng đã cùng với chính quyền đến từng làng để gói bánh chưng, mua kẹo, gạo tặng tất cả bà con trong làng. Đây là niềm vui, động viên rất lớn để người dân được cùng gia đình đón cái Tết ấm cúng".

Trước những sự động viên, không khí vui tươi trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân thuộc 13 xã của 4 huyện ở tỉnh Kon Tum náo nức đón năm mới với nhiều niềm vui, hy vọng về tương lai ấm no hơn. Bởi bà con biết, bên cạnh luôn có những người lính "quân hàm xanh" sẵn sàng giúp đỡ, cùng bà con phát triển vùng biên.

Cũng từ đây, cán bộ, chiến sỹ biên phòng Kon Tum cùng chính quyền, người dân thắt chặt hơn tình đoàn kết cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phát triển kinh tế xã hội.

Phạm Hoàng (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem