Amancio Ortega sinh ngày 28/3/1936 tại vùng Busdongo de Barbas, Tây Ban Nha trong một gia đình có bốn anh chị em. Ở tuổi 14, ông rời khỏi trường học và chuyển đến A Coruna khi bố ông, vốn là công nhân ngành tàu lửa, chuyển công tác trong khi mẹ mình làm công việc của người giúp việc. Ortega buộc phải kiếm việc làm khi còn rất trẻ.
Dù gia đình không có truyền thống may mặc, Ortega sớm tìm ra cho mình lối đi riêng trong ngành may mặc, xuất phát từ vị trí vận chuyển cho một cửa hàng áo sơ mi nam tên Gala, và rồi, trợ lý của thợ may trong chính cửa hàng này. Ortega nói rằng đó là quãng thời gian khó khăn, ông từng cảm thấy rất xấu hổ khi chủ cửa hàng thực phẩm từ chối bán cho mẹ mình. Chính xuất phát điểm khiêm tốn đã hình thành tư duy cũng rất khiêm tốn và thận trọng của tỷ phú tuổi Tý này.
Ortega học được cách làm quần áo thủ công bằng tay. Sau khi thấy được cơ hội mở rộng đối tượng khách hàng bằng việc sử dụng chất liệu không quá đắt đỏ và hệ thống nhà máy hiệu quả hơn cùng giá thành cạnh tranh hơn. Vào những năm 1950, Glacia là địa điểm phù hợp với kế hoạch kinh doanh nhen nhóm của Ortega: ít cơ hội việc làm trong ngành khác, cùng với số lượng lớn phụ nữ có kĩ năng thêu thùa. Ông bắt đầu tổ chức để những phụ nữ này làm việc cùng mình bằng cách may các sản phẩm áo lót, đồ trẻ em và đồ ngủ. Ở thời điểm non trẻ như vậy, Ortega đã chú trọng tạo điều kiện công việc thuận lợi cho những nhân công đầu tiên của mình, cùng với thái độ thân thiện, gần gũi.
Vào năm 1963, sau 10 năm đúc kết kinh nghiệm từ việc quản lý may mặc, ông mở công ty đầu tiên của mình với tên gọi Confecciones GOA, được định hướng trở thành công ty gia đình với anh trai và em gái ông cùng hỗ trợ việc kinh doanh.
Có lẽ chính ông cũng không thể ngờ ý tưởng về cửa hàng Zara vào năm 1975 đã đưa ông chính thức trở thành cha đẻ của ngành “thời trang nhanh”, đây không chỉ là chuỗi cửa hàng quốc tế mà còn là cửa hàng tiên phong của một công ty nắm giữ thị phần.
Zara được coi là một phép màu vì không chỉ thể hiện tư duy thời trang mơi mẻ ở thời điểm ấy mà còn thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng cho đến hàng thập kỉ tiếp theo.
Sự xuất hiện của các cửa hàng Zara không còn theo phương thức truyền thống của ngành thời trang: ra bộ sưu tập vào bốn mùa trong năm; thay vì vậy, quần áo được sản xuất và bán đại trà, các mẫu mới liên tục được ra mắt. Đây chính là cách hình thức “thời trang nhanh” ra mắt người tiêu dùng. Thay vì quyết định người ta nên mặc gì, rồi thuyết phục khách hàng mua những sản phẩm đã được ra mắt, ông sẽ hỏi khách hàng muốn mặc gì và thiết kế sản phẩm của mình dựa vào đó. Cũng vì vậy, việc khi một vài mẫu thiết kế không bán được nhanh chóng bị thay thế bởi các mẫu mới ở các cửa hàng Zara là điều không còn xa lạ. Theo Ortega, khách hàng luôn là người thúc đẩy hình thức kinh doanh, điều này trở thành tôn chỉ kinh doanh của ông. Theo ông, “Khách hàng phải luôn là tâm điểm sự chú ý, cả trong quy trình sáng tạo các bộ sưu tập lẫn khi thiết kế cửa hàng, cả trong hệ thống phân phối và bất cứ hoạt động kinh doanh nào.”
Trước khi chịu sức đẩy từ thị trường quốc tế vào năm 1980, Ortega đã tiên phong trong việc xây dựng hệ thống kết nối các nhà thiết kế trẻ của Zara cũng như nhà máy, nhà kho và cửa hàng. Đây chính là khởi đầu của một cuộc cách mạng trong ngành thời trang, kéo theo đó là hàng loạt các hãng thời trang nhanh nổi tiếng toàn cầu như H&M, Mango, vv. Không bao giờ quá để tâm đến các sàn diễn thời trang lớn, ngày nay công ty của ông vẫn vận hành theo tôn chỉ này, bằng cách theo dõi các blogger và lắng nghe ý kiến khách hàng, điều này giúp Zara luôn thích ứng với xu hướng của từng mùa nhanh nhất có thể.
Ortega tin vào triết lý tốc độ là tất cả. Khi Zara mới ra đời, ông ngay lập tức làm chao đảo giới bán lẻ bằng lịch trình ra mắt sản phẩm mới dày đặc, nhanh hơn bất cứ đối thủ nào trong thị trường. Chiến lược được ông áp dụng là thay đổi hàng hóa trong cửa hàng Zara hai lần một tuần, và nhận đặt hàng trong vòng 48h. Chiến lược tốc độ trở thành chìa khóa dẫn đến thành công của ông và được áp dụng trong cả những chuỗi cửa hàng tiếp theo. Theo tờ Business Insider, “trong khi một mẫu váy từ Tuần lễ Thời trang cần đến hàng tháng để đến được cửa hàng, mẫu thiết kế ứng dụng tương tự có thể được tìm thấy ở cửa hàng Zara chỉ vài tuần sau đó.” Cũng trong những năm 1980-1990, Zara nhanh chóng mở các cửa hàng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Sau thành công của Zara, vào năm 1988, Ortega thành lập Tập đoàn Inditex, cùng với sự ra đời của hàng loạt nhãn hiệu thời trang danh tiếng như Pull&Bear và Massimo Dutti (1991), Stradivarius (1994), Bershka (1998), Oysho (2000) và Uterqüe (2008). Đến năm 2000, các nhãn hiệu của Inditex xuất hiện ở trên 30 thị trường quốc tế.
Đế chế Inditex trở thành chuỗi bán lẻ thời trang nhanh toàn cầu với hơn 137054 nhân viên làm việc trong 6683 cửa hàng, hiện diện trên 88 quốc gia. Bản thân Zara đã có hơn 1000 cửa hang ở khắp nơi trên thế giới, dù không được quảng cáo quá rầm rộ.
Rất ít công ty có cùng hình thức kinh doanh có thể trực tiếp cạnh tranh với Inditex. Inditex hiện thu về trung bình 23,31 tỷ EUR, trong đó Ortega nắm 59% cổ phần, dù đã rời khỏi cương vị lãnh đạo vào năm 2011.
Ortega, người đàn ông đứng sau đế chế thời trang hùng mạnh nhanh chóng có tên trong danh sách những tỷ phú giàu có nhất thế giới. Ở tuổi 84, ông trở thành người giàu nhất Tây Ban Nha, với tổng giá trị tài sản ước tình 68,5 tỷ USD, phần lớn từ cổ phần của Inditex, nhưng Ortega cũng đồng thời được biết đến nhờ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, gas, ngân hàng, du lịch. Công ty đầu tư của ông – Pontegadea, được tờ Money Week cho rằng đầu tư khoảng 3 tỷ USD trong vòng 6 năm qua vào bất động sản ở nhiều thành phố lớn. Vào năm 2015, Ortega vượt mặt Bill Gates để trở thành người đàn ông giàu có nhất thế giới. Đến năm 2019, ông giữ vị thứ 6, với tổng giá trị tài sản không chính thức được Bloomberg công bố là 70,1 tỷ USD, chỉ đứng sau những tên tuổi lớn như Jeff Bezos, Bill Gates, Bernard Arnault, Warren Buffett và Mark Zuckerberg.
Là một người nổi tiếng bởi sự hướng nội và phong cách khá đơn giản, cuộc đời và sự nghiệp của Ortega trở thành bí ẩn cần được khám phá của rất nhiều người. Thậm chí ở độ tuổi 84, người ta vẫn thấy ông đến văn phòng hàng ngày ở trụ sở Inditex, theo ông, “Thành công không bao giờ được bảo đảm.”
“Tôi không bao giờ cho phép bản thân thỏa mãn với những gì mình đã làm, và luôn cố gắng hướng điều này đến những người làm việc xung quanh mình… Nếu bạn muốn sáng tạo, đừng tập trung đến kết quả.”
Dù vẫn còn là ẩn số, Ortega vẫn đang và sẽ không thôi gây bất ngờ bởi cuộc đời và sự nghiệp của mình.