Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, Mỹ - châu Âu lo lắng

Lê Phương (Sputniknews) Thứ sáu, ngày 27/05/2022 05:51 AM (GMT+7)
Đầu tháng này, Ấn Độ đã cắt giảm xuất khẩu lúa mì, một quyết định khiến Mỹ và nhiều đồng minh châu Âu vô cùng lo lắng.
Bình luận 0
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đang mang lại những hậu quả gì? - Ảnh 1.

Ấn Độ là một trong những nước sản xuất lúa mì lớn trên toàn cầu, bên cạnh Ukraine và Nga. Ảnh: Sputniknews

Washington cho biết họ "quan ngại sâu sắc" trước quyết định của New Delhi. Trong khi đó, Đức tuyên bố rằng các biện pháp hạn chế của Ấn Độ có thể "làm trầm trọng thêm" cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hối thúc Ấn Độ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi giá mặt hàng này trên toàn cầu đã tăng ít nhất 40% trong ba tháng qua.

"Tôi hiểu rằng Ấn Độ cần nuôi sống gần 1,35 tỷ người, đặc biệt là khi những đợt nắng nóng đã làm giảm năng suất nông nghiệp, nhưng tôi xin Ấn Độ xem xét lại càng sớm càng tốt", kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ dẫn lời người đứng đầu IMF từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Bà nói thêm: "Nếu các quốc gia khác học theo Ấn Độ và áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu thì chắc chắn một điều là chúng ta sẽ không thể đối phó với khủng hoảng".

Trước khi xung đột bắt đầu vào ngày 24/2, Ukraine và Nga chiếm đến hơn 30% nguồn cung lúa mì của thế giới.

Ấn Độ cũng là nước sản xuất lúa mì lớn trên toàn cầu, nhưng năng suất của nước này đã bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì vào ngày 13/5 nhằm đảm bảo "an ninh lương thực" quốc gia và trong bối cảnh "giá toàn cầu tăng đột biến".

Nhiều quốc gia, bao gồm nhóm G7, đã lên án động thái cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ.

Liên Hợp quốc ước tính giá lương thực toàn cầu đã tăng gần 1/3, phân bón tăng hơn một nửa và giá dầu tăng gần 2/3 trong năm qua.

Người ta cũng ước tính rằng ở Ethiopia, Somalia và Kenya, số người phải đối mặt với nạn đói đã tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng, từ khoảng 10 triệu người lên hơn 23 triệu người. 

Ở ba quốc gia này, cứ 48 giây lại có một người chết vì các nguyên nhân liên quan đến nạn đói do xung đột vũ trang, Covid-19, biến đổi khí hậu...

Tuần trước, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã cảnh báo về "nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu trong những tháng tới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem