Ấn Độ cần 48 triệu tấn trái cây/năm, thanh long Việt Nam tìm đường bán sang thị trường 1,4 tỷ dân

P.V Chủ nhật, ngày 08/08/2021 18:31 PM (GMT+7)
Với ưu điểm có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng, thanh long Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng ở Ấn Độ.
Bình luận 0

Người dân Ấn Độ sử dụng 3kg trái cây/tháng, cơ hội cho thanh long Việt Nam

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng; một số cửa khẩu ngừng thông quan trong một số thời điểm để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng. 

Để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho thanh long, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các địa phương xúc tiến, giới thiệu sản phẩm thanh long sang thị trường Ấn Độ, Pakistan.

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có 33.750 ha trồng thanh long, trong đó trên 10.000 ha đạt chứng nhận VietGAP và 517ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Chỉ tính riêng năm 2020, sản lượng thanh long của tỉnh gần 700.000 tấn.

Thanh long Bình Thuận hiện được bảo hộ nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam cùng 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cũng cho biết, tỉnh có nguồn trồng thanh long dồi dào, cho sản lượng 33.000 tấn trong mỗi năm. 

Đáng chú ý, tỉnh Long An có nhiều giải pháp để sản xuất, thu hoạch thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao và cung ứng quanh năm.

Ấn Độ cần 48 triệu tấn trái cây/năm, thanh long Việt Nam tìm đường bán sang thị trường 1,4 tỷ dân - Ảnh 1.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021. Ảnh: moit.gov.vn.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thị trường Ấn Độ rất giàu tiềm năng cho trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng.

Ấn Độ có 1,4 tỷ dân, trong đó 60% người dân nước này ăn chay, món ăn của họ chủ yếu là rau quả. Trung bình khoảng mỗi người dân Ấn Độ sử dụng 3kg trái cây/tháng, theo đó cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 48 triệu tấn/năm.

Đây là điều kiện thuận lợi để trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ, nhu cầu của Ấn Độ về mặt hàng này khá tốt vì sản phẩm có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng. Hiện nay, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Sri Lanka.

Năm 2019-2020 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 9,86 triệu USD, tăng gần 100% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dich Covid 19 nên năm 2020 – 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Ấn Độ giảm khoảng 25% so với năm trước.

Đối với thị trường Pakistan, ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan cho biết, với dân số hơn 200 triệu dân nhưng Pakistan chưa nhập khẩu trái cây nên thị trường này có rất nhiều tiềm năng cho hàng trái cây Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng.

Đáng chú ý, Pakistan là thị trường dễ tính, hướng vào những mặt hàng ngon, rẻ, phù hợp với sản phẩm của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt nên tìm hướng để khai thác thị trường này.

Thanh long  - Ảnh 1.

Nông dân huyện Châu Thành (Long An) thu hoạch thanh long. Ảnh: Báo Long An.

Muốn xuất khẩu thanh long sang nhiều thị trường cần phát triển vùng trồng chất lượng cao

Để thúc đẩy xuất khẩu thanh long, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Cục luôn nỗ lực đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối khách hàng nhập khẩu triển vọng, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan.

Theo các chuyên gia, để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ, Pakistan, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý phát triển vùng trồng chất lượng cao, đáp ứng đúng những quy định, yêu cầu khắt khe của thị trường, thay vì mở rộng diện tích.

 Một khi có sản phẩm chất lượng đảm bảo thì việc tìm kiếm, phát triển thị trường, duy trì vị thế cạnh tranh sẽ thuận lợi và bền vững hơn rất nhiều.

Đối với thị trường Pakistan, ông Nguyễn Tiền Phong lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra nhu cầu thị trường, tìm hiểu văn hóa sử dụng trái cây của người dân bản địa rồi làm những clip hướng theo thói quen tiêu dùng của họ, ví dụ như clip giới thiệu sử dụng thanh long làm sinh tố...

Bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan lưu ý doanh nghiệp Việt Nam những quy định đối với nhãn mác của sản phẩm khi nhập khẩu vào Pakistan. 

Cụ thể, các thành phần và chi tiết của sản phẩm (thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng…) trên bao bì phải được in bằng tiếng Urdu và tiếng Anh; logo của cơ quan chứng nhận Halal phải được in trên bao bì bán lẻ; hàng nhập khẩu phải có phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem