An Giang: Trồng mít Thái siêu sớm công nghệ cao, ít tốn công chăm mà trái mít vẫn to bự

Chủ nhật, ngày 02/05/2021 09:30 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, việc chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang cây trồng ăn trái, trong đó có trồng mít Thái siêu sớm ở tỉnh An Giang mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Bình luận 0

Tại xã Long An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, anh Trần Văn Út đã chuyển đổi 5.000 m2 diện tích trồng lúa sang trồng mít Thái giống siêu sớm.

Anh Trần Văn Út còn mạnh dạn đầu tư kinh phí, đưa công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh vào việc chăm sóc vườn mít Thái siêu sớm của mình.

An Giang: Trồng mít Thái siêu sớm công nghệ cao, ít tốn công chăm mà trái mít vẫn to bự - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Út dùng điện thoại thông minh kết nối Internet điều khiển hệ thống tưới nước cho vườn mít Thái siêu sớm tại xã Long An, TX Tân Châu, tỉnh An Giang.

Cây mít Thái siêu sớm là loại cây thích hợp với nhiều loại đất, thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 18 tháng. 

Giống mít Thái cho quả nhiều và quanh năm, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 7 đến 15 kg. Sau khi tìm hiểu đặc tính của giống mít Thái siêu sớm này, anh Út quyết định chuyển sang trồng mít. 

Tuy vậy, thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Anh phải tích cực học hỏi kinh nghiệm trồng mít Thái từ những người đi trước, tham khảo trên mạng Internet và báo đài.

Vườn mít Thái được anh Út thiết kế bằng việc đánh rãnh mương giữa các liếp trồng: 3 liếp trồng đôi và 1 liếp trồng đơn. Anh trồng mít theo khoảng cách: hàng cách hàng 4 m, gốc cách gốc 3 m.

Trước đây, việc chăm sóc vườn mít Thái đều làm theo phương pháp truyền thống. Ngoài thuê nhân công lao động gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động, sức khỏe của anh Út cũng bị giảm sút do ảnh hưởng của việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. 

Vì vậy, anh Út đã chủ động tiến hành lắp đặt hệ thống béc tưới phun kết hợp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh giữa các liếp trồng mít. 

Ban đầu, việc tự lắp đặt gặp nhiều thất bại, nhưng sau khi được nhận nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng của UBND thị xã Tân Châu và sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh Út đã lắp đặt hoàn thiện hệ thống.

Từ khi lắp đặt hệ thống béc tưới phun kết hợp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh đến nay, việc chăm sóc vườn mít chủ động hơn. 

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm kết nối wifi là anh Út có thể khởi động hoặc tắt hệ thống tưới phun nhưng vẫn đảm bảo việc thẩm thấu, cung cấp đủ nước và phân bón cho cây mít Thái. 

Đặc biệt hệ thống tự động tưới công nghệ cao này giúp anh Út tiết kiệm chi phí thuê nhân công lao động, tiết kiệm nước và người trồng không phải tiếp xúc trực tiếp với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên không bị hại sức khỏe.

Mô hình trồng mít Thái siêu sớm cùng với việc mạnh dạn áp dụng công nghệ cao tưới tiết kiệm, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật của anh Trần Văn Út góp phần mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển đời sống, kinh tế của hộ gia đình.

Huyền Thoại - Khiêm Tín (TTKN QG)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem