An Giang: Về Bảy Núi xem các "cao nhân" làng gốm Phnôm Pi làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay

Chúc Ly - Mai Anh Chủ nhật, ngày 20/12/2020 13:00 PM (GMT+7)
Nói về gốm Phnôm Pi ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang) có lẽ nhiều người cảm thấy xa lạ, bởi làng nghề này chủ yếu làm sản phẩm phục vụ gia dụng. Từ những chiếc cà ràng (lò), nồi đất, khuôn bánh khọt, ống khói bếp,… dòng gốm dân gian Phnôm Pi chỉ lẩn quẩn quanh gian bếp của các bà nội trợ.
Bình luận 0

Với truyền thống trên trăm năm tuổi, gốm Phnôm Pi là hiện thân cho một phần văn hóa Khmer vùng Bảy Núi. Dù không còn ở thời kỳ "hoàng kim" nhưng gốm Phnôm Pi vẫn mang trong mình chất dân dã, bình dị, giữa cuộc sống hiện đại.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, giờ đây dù đã ngoài 70 nhưng ngày ngày cụ Néang Nhây vẫn cặm cụi nhào nặn và tạo hình những chiếc cà ràng vô cùng tinh xảo. Mắt phần nào đã kém, sức khỏe cũng không còn tốt, thế nhưng mỗi ngày cụ có thể hoàn thành từ 5-6 chiếc cà ràng. 

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 1.

Ở làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, các "cao nhân" tạo hình gốm hoàn toàn bằng tay. Ảnh: M.A.

Với cụ, đây không chỉ là cái nghề truyền thống của ông cha, mà đó còn là miếng cơm manh áo. Cũng nhờ vào nó mà các con của cụ có cái ăn cái mặc.

Bà Néang Nhây chia sẻ: "Lúc xưa bà ngoại của tôi truyền nghề gốm cho mẹ. Khi tôi trưởng thành, mẹ tiếp tục truyền dạy và tôi rồi làm cho đến giờ. Đến nay cũng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm gốm truyền thống này. Đến khi lấy chồng thì ông ấy cũng phụ tiếp tôi làm gốm".

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 2.

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 3.

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 4.

Với truyền thống trên trăm năm tuổi, gốm Phnôm Pi là hiện thân cho một phần văn hóa Khmer vùng Bảy Núi. Ảnh: M.A.

Không ai biết rõ làng nghề gốm Phnôm Pi ra đời từ khi nào, chỉ biết nghề này có từ xa xưa. Ngày trước, người ta chỉ nấu bếp bằng nồi đất, chảo đất, nên làm ra cái nào bán hết cái đó.

Điểm khác biệt làm nên nét được trưng ở đây là kỹ thuật làm gốm khá nguyên thủy, tất cả các công đoạn điều được làm thủ công. Các sản phẩm làm ra chỉ hướng đến phục vụ gia dụng, chứ không mang mục đích tạo hình nghệ thuật. 

Sản phẩm làm ra chủ yếu là những chiếc cà ràng, nồi đất, khuôn bánh khọt, ống khói bếp…

Ông Chau Tral, một người theo nghề, cho biết: "Làm nghề này, người thợ không sử dụng khung, hoàn toàn bằng tay. Tôi theo nghề này cũng 10 năm rồi, hồi trước ông cố ông sơ để lại tới bây giờ con cháu cũng theo nghề".

Tuy gốm Phnôm Pi không đòi hỏi cao về trình độ tạo tác, nhưng để cho ra một sản phẩm đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ, siêng năng và tâm huyết. Đồng thời, người làm phải trải qua nhiều công đoạn vô cùng công phu.

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 5.

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 6.

Tuy gốm Phnôm Pi không đòi hỏi cao về trình độ tạo tác, nhưng để cho ra một sản phẩm đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ, siêng năng và tâm huyết. Ảnh: M.A.

Ở đây, những người đàn ông sẽ phụ trách việc đào đất, gánh đất, đốn củi, nung gốm... còn phụ nữ thì đảm nhận khâu tạo hình gốm. Và không phải loại đất nào cũng được chọn, mà đất phải có độ dẻo, mịn, độ kết dính cao thì mới cho ra những sản phẩm ưng ý nhất.

Theo những người theo nghề, thông thường người thợ chỉ lấy đất ở một nơi để làm gốm, đặc biệt không sử dụng đất sét. Ví dụ như cái ràng, người thợ phải sử dụng đất được đào xuống 1-2m. 

Đất lấy về phải ủ cho mềm, sau lựa hết đá, sạn ra, chỉ sử dụng đất nguyên chất. Sau đó tạo hình sản phẩm rồi đem phơi từ 5 - 7 ngày, cuối cùng là đem nung. Do không có khuôn mẫu định sẵn nên sản phẩm làm ra tất cả dựa vào sự sáng tạo, sự khéo tay của người thợ.

Ngoài ra, kỹ thuật nung cũng lắm công phu, bởi nó quyết định đến độ bền của sản phẩm. Gốm Phnôm Pi sẽ có màu đỏ nhạt. Đó là màu của đất, là kết tinh từ những giọt mồ hôi mà người phụ nữ Khmer đổ xuống để làm ra sản phẩm.

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 7.

Về làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi, xem các chị làm nồi đất, khuôn bánh bằng tay - Ảnh 8.

Dù làm bằng tay, nhưng sản phẩm của làng gốm Phnôm Pi ở vùng Bảy Núi (An Giang) được làm rất tỉ mỉ và có độ bền cao. Ảnh: M.A.

"Gốm trước khi nùng phải được phơi nắng, nếu được nắng thì 3-4 ngày, nếu mưa thì 7 ngày mới đốt được. Khi nung gốm cần chú ý không để ngọn lửa áp làm chín đất, phải dùng cả củi và rơm, nung cho đất chín từ từ, như vậy thì xài mới bền", ông Chau Tral cho hay.

Nghề này nhộn nhịp nhất là vào những mùa nắng và những ngày cận Tết. Vào mùa mưa vùng Bảy Núi, người dân sẽ hạn chế hoặc tạm ngưng sản xuất. Giá mỗi chiếc cà ràng cũng dao động từ 25.000 đồng đến hơn 100.000 đồng tùy loại lớn, nhỏ.

Ngày trước, sản phẩm làm ra được khách ở các tỉnh lân cận tìm mua. Nhưng giờ, khi những bếp sử dụng điện, gas trở nên phổ biến, người mua cũng thưa dần. Thị trường khó khăn, nguồn nguyên liệu cũng dần khan hiếm nên số người theo nghề cũng ngày một ít đi. 

Dù đứng trước nguy cơ mai một, nhưng "ngọn lửa" nghề vẫn luôn được các hộ gia đình ở đây nhen nhóm. Bởi đây chính là nghề truyền thống ông cha truyền lại, hơn nữa đó là tinh hoa của văn hóa vùng miền, đặc trưng của vùng đất độc đáo Bảy Núi - An Giang.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem