An Giang: Vườn cây lạ ra hàng tạ trái "đặc sản", khách tấp nập tới mua

Huyền Thoại (Cổng TTĐT Sở NN PTNT tỉnh An Giang) Thứ tư, ngày 03/06/2020 09:00 AM (GMT+7)
Trước đây từng trồng ổi nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, ông Nguyễn Văn Khang, ngụ ấp Phú An A, xã Phú Vĩnh, TX Tân Châu, tỉnh An Giang đã chuyển sang trồng cây dâu tằm ăn trái. Hiện vườn cây dâu tằm đã cho trái mang lại giá trị kinh tế khá cao...
Bình luận 0

Sau chuyến đi đến huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhìn thấy mô hình trồng cây dâu tằm nơi đây hiệu quả, ông Nguyễn Văn Khang đã quyết định chuyển từ trồng ổi sang trồng cây dâu tằm ăn trái.

Năm 2018, ông Nguyễn Văn Khang quyết định trồng 4 công cây dâu tằm Đà Lạt với 400 gốc dâu được mua tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sau đó, ông tiến hành lên liếp trồng theo quy cách hàng cách hàng 4 mét, cây cách cây 3 mét và đào ao để cung cấp nước tưới cho dâu tằm. 

An Giang: Vườn cây lạ ra trái "đặc sản", khách tấp nập tới mua - Ảnh 1.

Ông Khang rất tâm đắc với mô hình trồng cây dâu tằm ăn trái.

Theo như ông Khang cho biết, mỗi năm cây dâu tằm sẽ ra trái thu hoạch được 2 đợt, tính đến nay, gia đình đã thu hoạch được 3 đợt, với mỗi đợt nếu trái rộ, trúng mùa thu hoạch dao động từ 1 - 1,2 tấn và cũng có đợt do ảnh hưởng của thời tiết nên thu hoạch chỉ từ 500 – 600kg. 

Ông Khang chia sẻ: “Hiệu quả rất tốt không có cây gì bằng cây dâu tằm đâu, tôi dám chắc luôn, không có thuốc sâu gì, nên không tốn chi phí mà mình lại có ăn, trái cây lại sạch, rất tốt cho sức khỏe”.

Trái cây dâu tằm sau khi thu hoạch được chú Khang bán trái với giá 60.000đồng/kg. Nếu trong ngày không bán được hết trái tươi, ông sẽ làm nước ép dâu bán với giá 40.000đồng/chai và 150.000đồng/ lít rượu dâu tằm. 

Vì trái dâu tằm có nhiều công dụng như hỗ trợ tiêu hóa, chống oxy hóa, kiểm soát đường huyết và tăng cường đề kháng cơ thể nên khi đến giai đoạn thu hoạch trái, có rất nhiều bà con liên hệ đến mua, ngay cả Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp hay TP Cần Thơ...

Không chỉ đem giao cho khách hàng có nhu cầu, vợ ông Khang còn  đến tận chợ thị xã Hồng Ngự để bán và được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý cây dâu tằm ra trái, ông Khang cho biết sẽ xử lý cho rụng lá, khoảng 2 tháng sau sẽ cho trái chín và chú xử lý cho ra trái xen kẽ trên từng diện tích, để thu hoạch kịp thời. Ông Khang cho biết: “Khi dâu tằm đúng ngày đúng giờ sẽ cho trái, còn nhỏ quá thì trái nó rất ít, trồng 12 tháng là đúng thời điểm có trái đó”.

Tại vườn dâu tằm của ông Khang, trung bình mỗi ngày sẽ thu hoạch được 30kg dâu tằm,  và tùy theo yêu cầu đặt hàng của khách, ông sẽ thuê 5 - 6 nhân công lao động để hái trái với chi phí 15.000đồng/giờ, qua đó, cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện tại, ông Khang đang mở rộng thêm diện tích trồng cây dâu tằm và thời gian tới chú sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống tưới tự động thay vì phương pháp tưới truyền thống hiện nay, sẽ góp phần giảm công chăm sóc nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Sau hơn 1 năm trồng cây dâu tằm Đà Lạt đã giúp ông Nguyễn Văn Khang có được nguồn thu nhập ổn định, được bà con gần xa biết đến và liên hệ thu mua. Chính nhờ tính chịu khó, cần cù, ham học hỏi và mạnh dạn trồng thử nghiệm để hôm nay, ông Khang đã thu về những trái ngọt và cảm thấy rất phấn khởi với mô hình trồng cây dâu tằm Đà Lạt này.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem