“Ăn nên làm ra” trong mùa dịch Covid-19, Tiki, Lazada... “tung” gói hỗ trợ trăm tỷ

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 19/04/2020 09:22 AM (GMT+7)
Lazada, Tiki, Shopee vừa công bố gói hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác, khách hàng từ 40 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng nhằm kích cầu kinh tế và hỗ trợ người dân thuận lợi trong mua sắm trực tuyến. Động thái này còn được xem như “chìa khóa” khai thác tiềm năng tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận 0

Trong tâm điểm dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều lao đao, thì riêng lĩnh vực TMĐT lại "ăn nên làm ra" với đơn hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Bởi người tiêu dùng tránh tới nơi đông người nhằm bảo vệ sức khoẻ nên chuyển sang mua hàng qua mạng thay vì ra chợ, siêu thị, cửa hàng.

"Ăn nên làm ra" từ Covid-19, chi trăm tỷ hỗ trợ khách hàng

Theo ước tính của lãnh đạo sàn TMĐT Tiki, từ đầu năm đến nay, mức tăng trưởng về nhu cầu mua sắm trên sàn này đạt 15% so với thời điểm cuối năm 2019. "Có thời điểm, ước tính sàn Tiki phát sinh 4.000-5.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí...", vị đại diện cho hay.

Tại Lazada Việt Nam, trong vòng 4 tuần từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 3/2020, sàn này ghi nhận nhu cầu mua sắm với ngành hàng chai xịt phòng, chai khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%…

img

"Ăn nên làm ra" từ Covid-19, sàn TMĐT chi trăm tỷ hỗ trợ khách hàng.

Không bỏ lỡ cơ hội, các doanh nghiệp TMĐT vừa đồng loạt triển khai các chương trình gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp đối tác của mình, đó là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, với quy mô ước tính lên đến vài trăm tỷ đồng.

Dự kiến có 45.000 doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được Lazada hỗ trợ chuyển đổi số và kinh doanh hiệu quả trên nền tảng công nghệ số. Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: "Trong những giai đoạn như hiện nay, với vai trò là một nền tảng TMĐT, trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và hỗ trợ cho các khách hàng và nhà bán hàng – những người đã góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của Lazada".

Mới đây, Shopee cũng triển khai gói hỗ trợ nhà bán hàng lên đến 100 tỷ đồng, chủ yếu là phí quảng cáo và vận chuyển. Gói hỗ trợ này nhằm giúp các nhà bán hàng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, duy trì khả năng vận hành. Người tiêu dùng sẽ tiếp tục được dễ dàng tiếp cận nhiều sản phẩm thiết yếu với giá cả phải chăng.

Thậm chí, một doanh nghiệp nội là Tiki cũng triển khai gói hỗ trợ miễn phí giao hàng nhanh, trị giá gần 40 tỷ đồng với mục đích là góp sức chống dịch, giúp người dân thuận lợi mua sắm trực tuyến trong thời điểm giãn cách xã hội. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu đơn hàng được thực hiện.

Sàn thương mại điện tử đang toan tính điều gì?

Thực tế, không chỉ có các "ông lớn" TMĐT tham gia hỗ trợ khách hàng trong đại dịch, một số doanh nghiệp nhỏ cũng chạy đua kích cầu mua sắm online như Sendo hỗ trợ người dùng miễn phí giao hàng đến 50.000 đồng nếu đơn hàng mua sản phẩm thiết yếu thực hiện trong khung giờ 6h - 8h sáng, và hỗ trợ đến 30.000 đồng phí vận chuyển giao trong 3 giờ cho hóa đơn từ 99.000 đồng trong ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang chịu nhiều tổn thất từ tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đang dần chuyển đổi sang phương thức kinh doanh trực tuyến nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm khách hàng. "Chúng tôi đánh giá cao các sàn TMĐT mang đến những chương trình thiết thực, kịp thời nhằm hỗ trợ nhà bán hàng nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh năng động và hiệu quả này", ông Dũng nói.

Một chuyên gia khác cũng đánh giá, các chương trình hỗ trợ của sàn TMĐT không chỉ giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng vượt qua được khó khăn trong bối cảnh hiện nay, hỗ trợ người dùng an tâm mua sắm tại nhà, mà còn góp phần giữ chân nhà bán hàng trên sàn, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng tăng trưởng của TMĐT Việt Nam.

Có thể thấy, với những tiện ích và các dịch vụ gia tăng kèm theo mà doanh nghiệp TMĐT mang tới cho người tiêu dùng, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng lĩnh vực này sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Cụ thể, trong một dự báo gần đây, Công ty dữ liệu và phân tích GlobalData đánh giá, thị trường TMĐT của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 9,4 tỷ USD của năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem