dd/mm/yyyy

An toàn sinh học – "lời giải" giúp bà con chăn nuôi lợn bền vững

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) vừa phối hợp Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học vùng Đồng bằng sông Hồng".

Để góp phần phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, qua đó định hướng, giúp bà con chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (ATSH), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) vừa phối hợp Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học vùng Đồng bằng sông Hồng".

Chú trọng chăn nuôi ATSH

Diễn đàn với sự tham gia của Trung tâm khuyến nông, Chi cục thú ý và một số hộ chăn nuôi của 5 tỉnh Đồng bằng sông Hồng như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh. Đặc biệt, tại diễn đàn nhiều câu hỏi, băn khoăn của bà con đã được các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi giải đáp.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, chăn nuôi lợn chiếm vị trí quan trọng trong sản phẩm ngành chăn nuôi. Vấn đề an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn được Bộ NN-PTNT quan tâm, ưu tiên hàng đầu.

"Trong thời gian qua, chăn nuôi an toàn sinh học được cả ngành chăn nuôi chú trọng. Nhất là trong tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học đã vượt qua "cơn bão" dịch TLCP. Điều này chứng tỏ chăn nuôi ATSH là giải pháp căn cơ giúp ngành chăn nuôi cũng như người nuôi lợn đảm bảo tính bền vững", bà Hạnh nhấn mạnh.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ ngày 13/3 đến hết ngày 18/11, DTLCP đã xảy ra tại 12.445 hộ của 8/8 huyện, thị xã, thành phố, làm 131.087 con lợn mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 9.083.337 kg (ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng).

Tuy nhiên với nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương thức chăn nuôi, giết mổ, đặc biệt là áp dụng ATSH trong chăn nuôi lợn nên đã hạn chế được thiệt hại do DTLCP gây ra.

An toàn sinh học – "lời giải" giúp bà con chăn nuôi lợn bền vững - Ảnh 1.

Người chăn nuôi xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, Bắc Giang) áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chăn nuôi ATSH.

Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn ATSH của Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), ông Nguyễn Đức Toản – Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để ngăn chặn dịch lây lan vào trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột bên trong và ngoài chuồng trại, chúng tôi đã phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi ATSH để giữ được đàn lợn khỏe mạnh như hiện nay.

"Có muôn nẻo đường để dẫn đến DTLCP, do vậy chúng tôi phải phun thuốc chống ruồi, muỗi 1lần/ngày; phun phòng dịch 4 lần/ngày. Các dụng cụ, vật tư đem vào trại như quần áo, bóng đèn đều phải chiếu qua tia UV, gạo mua về cũng phải chiếu xạ 15 phút, nồng độ sát trùng 100%. Tất cả các quy trình trên được Công ty tuân thủ nghiêm ngặt" - ông Nguyễn Đức Toản, Phó Giám đốc Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco cho biết.

Nhiều cách làm hay

Theo Cục Chăn nuôi, diễn biến của DTLCP còn rất phức tạp, tuy nhiên số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn ATSH ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn ATSH, chiếm 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, thì sang năm 2017 tăng lên gần 2.500 trang trại với tổng đàn 2,8 triệu con; năm 2018 là hơn 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, tổng đàn trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9% tổng đàn lợn cả nước.

"Chăn nuôi ATSH là giải pháp lâu dài và có thể đứng vững trước mọi diễn biến của dịch bệnh. Cục Chăn nuôi khuyến khích các hộ chăn nuôi tái đàn lợn khi các cơ sở đó đảm bảo được quy trình chăn nuôi ATSH, từ đó chủ động được nguồn cung thịt lợn cho thị trường, tránh tình trạng thiếu hụt thịt, đẩy giá lên cao trong thời gian vừa qua" – ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi, băn khoăn của các đại biểu, người chăn nuôi được các nhà quản lý, chuyên gia trả lời thỏa đáng.

Giải đáp câu hỏi của chị Trần Thị Hoa (huyện Vụ Bản, Nam Định) về việc sử dụng nước máy cho lợn uống có an toàn và tránh được DTLCP hay không?, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trung tâm KNQG cho hay: nước máy là nước sạch đã qua xử lý nên có thể sử dụng làm nguồn nước uống cho lợn.

Tuy nhiên ông Hưởng cũng lưu ý bà con nếu không kiểm soát tốt các thiết bị chứa, dẫn nước sẽ là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh cho đàn lợn.

Ông Nguyễn Văn Hòa (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) có hỏi: Nhà nước và các ban ngành trong thời gian tới có giải pháp gì để phòng chống DTLCP?

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Hòa, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Để giảm thiểu dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo bà con thực hiện tốt chăn nuôi ATSH, đối với tất cả đàn vật nuôi cần tiêm phòng vacxin đầy đủ để tăng sức đề kháng của vật nuôi. Ngoài ra phải áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi để hạn chế mầm bênh; Đối với con giống phải đảm bảo được nguồn gốc hoặc mua từ các đơn vị uy tín; Thực hiện tái đàn cần tuân thủ các quy định của cơ quan thú y.

Nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn ATSH, chiếm 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, thì sang năm 2017 tăng lên gần 2.500 trang trại với tổng đàn 2,8 triệu con; năm 2018 là hơn 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, tổng đàn trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9% tổng đàn lợn cả nước.
Ngọc Minh