Ảnh, clip: Ông chủ máy công nghiệp lên rừng trồng cam hữu cơ

Nguyễn Chương Thứ ba, ngày 24/12/2019 10:40 AM (GMT+7)
Đang gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nhập khẩu máy công nghiệp, bỗng một ngày Nguyễn Tất Thuận chọn mảnh đất Hòa Bình để phát triển nông nghiệp hữu cơ vốn nhiều gian nan và thử thách.
Bình luận 0

Clip: Ông chủ máy công nghiệp lên rừng trồng cam hữu cơ.

Khi được hỏi về lý do tại sao đang làm chủ một doanh nghiệp chuyên về máy công nghiệp bỗng nhiên lên Hòa Bình đầu tư làm nông nghiệp, anh Thuận không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ mà trả lời rất quả quyết: “Từ khi còn rất nhỏ mình đã có một niềm yêu thích rất đặc biệt với đồng ruộng và luôn mơ ước xây dựng được cho riêng mình một trang trại nông nghiệp sạch, được làm giàu trên niềm đam mê. Và cứ như thế, mỗi bước đi của mình đều là một bước chuẩn bị cho niềm đam mê ấy”.

Quãng thời gian anh Thuận mở công ty chuyên nhập khẩu máy công nghiệp từ Bulgaria, được đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến công nghệ sản xuất rau quả hiện đại của nước bạn, anh Thuận không khỏi thèm thuồng. Anh mơ ước có một ngày mình làm được một mô hình như thế.

Tận mắt chứng kiến sự thành công của nông nghiệp Bulgaria, anh Thuận luôn trăn trở đặt câu hỏi: “Tại sao họ có nền nông nghiệp phát triển dù tiềm năng, lợi thế không bằng Việt Nam. Nông dân nước họ rất giàu, mỗi người là một ông chủ của những trang trại rộng lớn, sử dụng máy móc hiện đại?”.

img

Vườn cam rộng 10ha tại thị trấn Cao Phong, Hòa Bình của anh Thuận.

img

Chính những trăn trở đó đã thôi thúc anh bắt tay vào hành động, nỗ lực biến ước mơ thành hiện thực. Vừa hoàn thành công việc ở công ty dưới Hà Nội, tận dụng những ngày cuối tuần, nghỉ lễ hay những khoảng thời gian công việc bớt bận rộn, Thuận lại trở về Hòa Bình nhằm mục đích khảo sát thổ nhưỡng và các điều kiện khác phù hợp để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Bất kể mưa nắng, bất kể có những vùng đất cứ đến rồi đi mà chẳng thu nhận được tín hiệu nào khả quan, anh vẫn mải miết lang thang suốt dọc dài tỉnh Hòa Bình với niềm đam mê và quyết tâm mãnh liệt.

img

Những quả cam chín mọng, nặng trĩu trên cây.

Sau một thời gian dài khảo sát, anh Thuận quyết định chọn cây có múi làm định hướng khởi nghiệp nông nghiệp sạch. Khi đã lựa chọn được địa điểm lý tưởng, anh Thuận bắt đầu bắt tay vào tìm hiểu tập quán sản xuất của bà con trong vùng, thử nghiệm giống, đưa điện lưới và nước vào tận trang trại…

“Bất kỳ một sự khởi đầu nào mà chẳng có khó khăn, thử thách, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, khi tôi đặt chân tới Hòa Bình, khó khăn lớn nhất là làm sao đưa nguồn nước và nguồn điện lên đỉnh đồi”, anh Thuận chia sẻ.

img

Anh Thuận đang hướng dẫn những người công nhân của mình thu hoạch cam đúng cách.

“Khi biết  tôi quyết định đầu tư ở Hòa Bình, thời gian đầu gia đình phản đối, không ủng hộ lắm, không có thời gian cho gia đình trong khi tài chính cũng chưa dư dả. Nhưng sau đó, biết được niềm đam mê, cũng như khó khăn tôi gặp phải thì mọi người quay ra động viên, ủng hộ”, anh Thuận nói.

Anh bảo, động lực duy nhất giúp bản thân đứng vững, kiên định với ước mơ chính là sự đồng hành, thấu hiểu, cảm thông của người vợ trẻ và sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Để rồi, vượt qua giai đoạn khó khăn, đến năm 2015 anh đã có tổng diện tích 10ha trồng cam hữu cơ, với 3 loại cam gồm; cam đường canh, cam lòng vàng, cam V2. Mỗi ha cho năng suất khoảng 15 tấn, ước tính năm nay trang trại có thể thu hoạch khoảng 100 tấn.

img

Với tính cần cù, chịu khó anh Thuận đã tìm tòi trên sách vở, báo mạng, các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Cam là loại cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật gieo trồng và quy trình nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, khó tới đâu anh Thuận lại hỏi các chuyên gia mà mình đã làm quen để có thêm kinh nghiệm và xử lý khi có dấu hiệu sâu bệnh. Nhờ có sự tập huấn và đam mê học hỏi nên vườn cam của anh được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, tuân thủ sử dụng các loại thuốc sinh học, phân hữu cơ để chăm bón cho cây. “Muốn đưa được sản phẩm ra thị trường thì phải đảm nảo yếu tố sạch”. anh Thuận quả quyết.

img

Trang trại cam sử dụng những biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo hướng hữu cơ.

Việc phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, để chủ động nguồn nước tưới, anh Thuận cũng xây dựng một trạm bơm nước từ dưới lòng hồ lên bể chứa trên đỉnh đồi cung cấp cho cây trồng. Anh cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại với mô hình xương cá nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả lao động.

Dù là năm đầu tiên  cho thu hoạch nhưng thương lái đã đến đặt mua khoảng hơn 80% sản lượng cam đường canh trong vườn. anh Thuận chia sẻ: “Chất lượng cam Cao Phong có vị thơm ngon, vị mát, tép giòn, vỏ có vẻ sần sùi không bóng”. Thị trường chủ yếu là Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc.

Cũng từ đầu vụ, nhiều khách hàng hay tin đã đến tham quan mô hình cam của anh Thuận. Anh tận tình chỉ dẫn, truyền lại kinh nghiệm và còn tặng cho khách cam làm quà, và hiện tại đang nghiên cứu để trồng và thu hoạch gối vụ.

img

Ngoài 4 nhân công chính thường xuyên làm việc, vào vụ mùa thu hoạch, trang trại cam hữu cơ của Thuận tập trung khoảng 10-12 lao động thời vụ với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm nông nghiệp của Thuận đã phần khẳng định được chất lượng.

 Nói về những dự định trong tương lai, anh Thuận bật mí: “Tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, chuyên canh sản phẩm, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hướng tới mục tiêu xuất khẩu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem