Ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội

Hoài An Chủ nhật, ngày 04/06/2023 10:25 AM (GMT+7)
Mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0 được xem là "vũ khí" lợi hại, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của mọi người, thông tin nhanh nhạy giúp chúng ta cập nhật bản thân với thế giới
Bình luận 0

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là giá trị thật và giá trị được thừa nhận trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau, khiến nhiều người hoang mang, dễ bị cuốn vào việc thể hiện cái tôi, muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.

Hậu quả thật trong thế giới ảo

Cũng khá nhiều trường hợp cố tình vượt qua giới hạn, bôi nhọ danh dự của người khác; đăng tin sai sự thật để câu kéo sự chú ý. Đáng sợ hơn, những thông tin không kiểm chứng, thiếu cơ sở hay bịa đặt khiến nhiều người lầm tưởng là một quyền lực được mạng xã hội trao cho nhưng không ai được phép đứng trên luật pháp như vậy, họ đã phải trả giá.

Điển hình như vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện nhiều buổi livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của 10 cá nhân gồm: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà.

Ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Mặc dù bị nhắc nhở nhiều lần, bị can Nguyễn Phương Hằng vẫn liên tục xúc phạm, bôi nhọ người khác. Ảnh: CACC

Mới đây nhất, trên mạng xã hội Tiktok và Facebook lại được chứng kiến drama của hai cha con nhà Dova. Cộng đồng mạng giới trẻ lại được dậy sóng với pha chửi bới, lăng mạ, dọa nạt của một người đàn ông T. và màn đáp trả của người con gái về người bố ruột. Chưa rõ thực hư nhưng nhiều bạn trẻ đã vào tung hô và cho rằng cần xử lý, thậm chí là không ngần ngại hùa vào với ngôn từ bạo lực ảnh hưởng tới danh dự, tính mạng của những người mà ông T. nhắc tới.

Biến mạng xã hội thành quan tòa

Bên cạnh các mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại, không ít những hệ lụy đã xảy ra thậm chí có những hậu quả nặng nề đến mức không thể khắc phục được. Ý thức về pháp luật, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm phát ngôn của một bộ phận cư dân mạng còn hạn chế. Một sự thật không thể chối cãi là hiện nay, nhiều người tự cho mình là "quan tòa", "người phán xử" trước một sự việc chưa rõ đúng sai.

Khi bạn chỉ ngón tay phán xét ai đó thì thường nhận lại tới 3-4 ngón tay chỉ ngược về mình. Vì thế, mỗi người cần thận trọng trước mỗi cú click chuột. Bởi đằng sau mỗi dòng bình luận, luôn là số phận của một ai đó và một ngày nào đó sẽ là chính bạn và người thân.

Ảo tưởng quyền lực trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Người đàn ông này cho biết sở dĩ mình sử dụng mạng xã hội bởi các đối tượng được nhắc đến là những người kinh doanh trên cộng đồng mạng. Ảnh cắt từ clip

Căn cứ quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS), thì đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau qua điện thoại, thư từ… hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa như đi tìm công cụ, phương tiện…

Mạng ảo nhưng hậu quả thì thật. Pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, và quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông..., để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video.

Hiện tại cũng đã có một loạt các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Luật Viễn thông; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự hay gần nhất là Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng tới công chúng... để điều chỉnh phát ngôn, hành vi, ứng xử và cả sản phẩm văn hóa trên không gian mạng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem