Áp lực "khủng" từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, chuyên gia nói thẳng về tác động của Nghị định 08

N.Minh Thứ tư, ngày 08/03/2023 07:41 AM (GMT+7)
Ước khoảng 252 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023. Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán đang dày lên. Nghị định 08/2023/NĐ-CP, theo giới chuyên gia "cần thiết nhưng chưa đủ".
Bình luận 0

Áp lực trái phiếu đáo hạn, danh sách doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán đang dày lên

Trong năm 2023, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng, tăng 64 % so với cùng kỳ - theo ước tính của bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán VnDirect.

Thống kê cũng cho thấy, quý I/2023 sẽ có khoảng 31 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn, giảm 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III năm nay, với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ) và 83 nghìn tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).

Sau giai đoạn thách thức này, lượng TPDN đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) trong quý cuối cùng của năm 2023. Số liệu này chỉ bao gồm các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã loại trừ khoản TPDN được mua lại trước hạn từ năm 2021.

Áp lực "khủng" từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, chuyên gia nói thẳng về tác động của Nghị định 08 - Ảnh 1.

Xét theo ngành nghề, nhóm doanh nghiệp Bất động sản (BĐS) là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỷ đồng (tăng 76,2% so với cùng kỳ).

Theo sau là nhóm Tài chính – Ngân hàng với 31% tỷ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24%).

Các ngành khác chiếm khoảng 26% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66,5 nghìn tỷ đồng (tăng 126% so với cùng kỳ).

Trong bối cảnh, thị trường BĐS trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các Doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang dần tăng lên.

Đến ngày 5/3/2023, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường.

Khoảng gần 38,5 nghìn tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Nghị định 08 cần nhưng chưa đủ

Trong bối cảnh các doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán đang dày lên, việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường TPDN.

Thứ nhất, theo đánh giá của các chuyên gia VnDirect, Nghị định 08 tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn thời điểm đáo hạn.

Trước đó một số tổ chức phát hành đã tự thảo thuận với trái chủ nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp.

Thứ hai, Nghị định cho phép tổ chức phát hành thanh toán nghĩa vụ nợ và lãi trái phiếu bằng các tài sản hợp pháp khác.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay thì giải pháp này cũng mở ra một lựa chọn khả thi cho doanh nghiệp (trong trường hợp trái chủ đồng ý).

Tuy nhiên, việc thỏa thuận có được trái chủ chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào các điều khoản cụ thể, trong đó bao gồm tính pháp lý, định giá của các tài sản mà doanh nghiệp đưa ra thanh toán cho các trái chủ.

Thứ ba, tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối.

Thứ tư, giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024 sẽ giúp tăng khả năng tiếp cập huy động vốn qua kênh phát hành TP riêng lể đổi với một số doanh nghiệp doanh nghiệp.

Áp lực "khủng" từ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, chuyên gia nói thẳng về tác động của Nghị định 08 - Ảnh 3.

Nghị định 08 chỉ là một bước đệm để xây dựng lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: TT)

Đánh giá nhanh về Nghị định này, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi "trái phiếu lấy hàng" (chủ yếu là tài sản, BĐS hay tài sản khác) một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Theo đó, doanh nghiệp cần công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho các nhà đầu tư; ngược lại, cũng cần có sự chia sẻ, đồng hành và thiện chí của nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng 1 số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.

Theo ông Lực, điều này là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, Doanh nghiệp phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực…

"Rõ ràng là trên đây là những giải pháp tình thế, kỳ vọng tháo gỡ đa số những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay và năm tới", ông Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia tại Maybank Investment Bank đánh giá, tình hình hiện tại của thị trường trái phiếu, hầu hết các bên phát hành đều là công ty phát triển bất động sản đang chật vật với nợ đến hạn của trái phiếu doanh nghiệp họ đã phát hành. Do đó, Nghị định 08 chỉ là một bước đệm để xây dựng lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cánh cửa hẹp được hé mở nhưng vẫn chưa đủ, cần có nhiều hành động hơn nữa, đặc biệt là các hành động hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Nêu quan điểm, TS.Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, cho rằng, Nghị định 08 chưa đề cập đến lợi ích của trái chủ. Ông cũng đặc biệt lưu ý đến việc, cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác mà chủ yếu là bất động sản, theo quy định trong Nghị định, vô hình chung biến nhà đầu tư tài chính thành nhà đầu tư bất động sản hoặc một loại tài sản khác thì liệu có phù hợp với nhà đầu tư hay không?

Do đó, ông đánh giá tác động của Nghị định này tới thị trường trong thời gian tới sẽ không nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem