Áp lực lạm phát: Ngân hàng Nhà nước vào thế “lưỡng nan”, khó kiểm soát hơn khi “bơm” thêm tiền?

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 11/09/2022 07:53 AM (GMT+7)
Áp lực lạm phát tăng đang đặt Ngân hàng Nhà nước trước thế “lưỡng nan”. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, nhưng bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.
Bình luận 0

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 26/8/2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.

Áp lực lạm phát: Ngân hàng Nhà nước vào thế “lưỡng nan”, khó kiểm soát hơn khi “bơm” thêm tiền? - Ảnh 1.

Hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, có tới 15 ngân hàng được nới room tín dụng thêm từ 0,7% - 4%, tuy nhiên mức điều chỉnh này nằm trong phần còn lại của mục tiêu tăng trưởng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ngay từ hồi đầu năm.

Nêu quan điểm của mình, GS-TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với đà phục hồi của nền kinh tế đang duy trì, mà thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế, khiến nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng tăng cao là đương nhiên.

Song áp lực lạm phát gia tăng đang đặt Ngân hàng Nhà nước trước thế “lưỡng nan”: Phải cân đối mục tiêu của hai biến số tăng trưởng nhanh và kiểm soát lạm phát. Vì vậy, giải pháp tiền tệ không nên ở trạng thái “quá rón rén”, nhưng cũng không được “quá mạnh”.

“Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, nhưng “có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế quá trình phục hồi kinh tế” bao gồm diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, tôi cho là phù hợp. Tức là không quá rón rén nhưng không quá mạnh”, GS-TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại là cần phải nâng cao chất lượng và hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn và giảm áp lực lạm phát từ tín dụng.

Áp lực lạm phát: Ngân hàng Nhà nước vào thế “lưỡng nan”, khó kiểm soát hơn khi “bơm” thêm tiền? - Ảnh 2.

Áp lực lạm phát gia tăng đang đặt Ngân hàng Nhà nước trước thế “lưỡng nan”: Phải cân đối mục tiêu của hai biến số tăng trưởng nhanh và kiểm soát lạm phát.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% như đưa ra hồi đầu năm, song các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) vẫn kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vượt 14%, dựa trên kết quả tăng trưởng đột biến trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, trong nửa đầu năm, sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát nội địa tăng, hơn là tăng trưởng tiêu thụ nội địa.

“Vì vậy, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, nhưng bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn chung, việc ngưng cấp thêm tín dụng chỉ mang tính chất tạm thời, và một phần điều tiết lại dòng vốn tín dụng sang các ngành nghề ít rủi ro”, các chuyên gia phân tích nêu quan điểm.

Trong trung và dài hạn, nhóm phân tích cho rằng, bộ đệm vốn là nhân tố quyết định tăng trưởng tín dụng trong trung-dài hạn: Nhờ lợi nhuận khả quan của nhóm ngân hàng nói chung trong nhiều năm trở lại đây, kể cả trong giai đoạn Covid-19, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hầu hết các ngân hàng vẫn được duy trì dù không có quá nhiều lần tăng vốn. Đây là thước đo giúp ngân hàng và các nhà điều hành cân đối giữa rủi ro và tăng trưởng.

Do đó, trong dài hạn, các ngân hàng có bộ đệm vốn tốt, lợi nhuận tăng trưởng bền vững, và sở hữu danh mục tín dụng không có quá nhiều rủi ro tập trung sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Giai đoạn tiền rẻ gần kết thúc

Trái ngược với tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là gần 9,4%.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rút ròng khoảng 111 nghìn tỷ qua kênh OMO.

Vì vậy, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1 điểm % đến 0,5 điểm % trong giai đoạn cuối quý II/ 2022.

Mới đây nhất, "ông lớn" VietinBank cũng nhập cuộc đua lãi suất khi cộng thêm 0,5%/năm lãi suất cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay.

Áp lực lạm phát: Ngân hàng Nhà nước vào thế “lưỡng nan”, khó kiểm soát hơn khi “bơm” thêm tiền? - Ảnh 4.

Các chuyên gia phân tích nhận định, nhằm bù cho các rủi ro đang gia tăng như áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội địa, các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.

Theo số liệu vào cuối tháng 6/2022, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,02% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng đã tăng 3,61%, lên 5,848 triệu tỷ đồng.

Tính chung hai nhóm khách hàng doanh nghiệp và người dân, hệ thống ngân hàng đã ghi nhận thêm hơn 522.500 tỷ đồng tiền gửi trong nửa đầu năm, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước và 25% so với nửa đầu năm 2020.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem