Áp thuế đường Thái Lan: Nông dân đã có kế hoạch mở rộng trồng mía

Thanh Phong Thứ ba, ngày 22/06/2021 06:55 AM (GMT+7)
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau khi cơ quan này chính thức áp thuế đường Thái Lan, ngành mía đường trong nước đã có những tín hiệu phục hồi.
Bình luận 0

Từ tháng 9/2020 trên cơ sở hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá, chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan.

Đến ngày 9/2/2020, Bộ Công Thương đã có Quyết định 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Mới đây, ngày 15/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, quyết định trên được đưa ra dựa trên kết quả điều tra cho thấy, đường mía xuất xứ Thái Lan bán phá giá ở mức 42,99%, trợ cấp 45,65%, tổng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%.

Áp thuế đường Thái Lan: Người nông dân đã có kế hoạch mở rộng trồng mía - Ảnh 1.

Sau khi áp thuế đường Thái Lan, ngành mía đường trong nước đã có nhiều tín hiệu tích cực. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

"Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tác động kinh tế xã hội và ý kiến bên liên quan, cũng như cân đối cung cầu, Bộ Công Thương áp thuế chính thức mặt hàng này", ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Trước đó, ngay từ Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, các nhà sản xuất đường trong nước cho rằng rất kịp thời và mang lại hiệu quả tích cực cho các bên liên quan của ngành mía đường trong nước.

Cụ thể, sau quyết định trên, giá bán đường trong nước đã tăng từ 11.500 – 12.000 đồng/kg vào tháng 9/2020 lên 15.500 – 16.000 đồng/kg vào tháng 2/2021 (tức tăng 35% và giá đã có VAT). Cùng với việc giá đường tăng, giá thu mua mía của nông dân cũng tăng 40%, từ mức 750.000 đồng/tấn mía lên mức 1,2 triệu đồng/tấn mía. Giá mía tăng cao sẽ khuyến khích nông dân quay lại cây mía.

Trái ngược với tình cảnh trước đó, việc nhập khẩu đường Thái Lan giá thấp đã làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng. Diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha đã tụt giảm chỉ còn dưới 160.000 ha.

Tổng số nhà máy đường từ 41 nhà máy, đến nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động nhưng cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng nên chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế.

"Lần đầu tiên, qua nhiều năm, người nông dân tiêu thụ hơn 6 triệu tấn mía. Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, đơn vị sản xuất, tại nhiều địa phương, người nông dân đã có kế hoạch mở rộng trồng mía trong niên vụ năm 2021- 2022", ông Dũng thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem