Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô vì "tắc đường, kẹt xe" có hợp lý?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 05/11/2020 16:42 PM (GMT+7)
Theo giới chuyên gia nhận định, nếu không cởi bỏ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và linh kiện hiện nay, mục tiêu gia tăng tỉ lệ nội địa hóa xe hơi sẽ khó thành hiện thực.
Bình luận 0

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, quy mô thị trường ô tô tại Việt Nam rất nhỏ, do đó, mức tiêu thụ, doanh số không đảm bảo để các doanh nghiệp ô tô phát triển nội địa hóa. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đa số linh kiện phải mua ở nước ngoài.

"Có nghịch lý là dù Chính phủ kêu gọi phát triển ngành xe hơi, ưu ái đối với các doanh nghiệp xe hơi, nhưng chính sách vẫn chưa đồng bộ. Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn áp dụng cho xe hơi, trong khi đây là loại phương tiện thiết yếu của một quốc gia đang trên đường phát triển", ông Quang nói.

Theo đó, ông Quang kiến nghị cần xem xét lại việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có phù hợp hay không?

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô vì tắc đường, có hợp lý? - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia đề xuất xem xét lại việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô

"Ô tô là phương tiện đi lại, giao dịch, buôn bán, chỉ căn cứ vào tắc đường, kẹt xe, thiếu hạ tầng mà áp thuế là không ổn, các tỉnh đâu có tắc đường? kẹt xe?", ông Quang nhấn mạnh.

Đánh giá thêm về mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa với xe ô tô, ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Công nghiệp Chế biến Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự.

Theo đó, Việt Nam hiện phải nhập khẩu nhập khẩu hầu hết nhóm sản phẩm hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận linh kiện quan trọng (80% linh kiện phải nhập khẩu).

"Dù phát triển nhanh về số lượng song chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra", Ông Toàn thông tin.

Cùng đề xuất xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhấn mạnh, chính sách cần điều chỉnh lại sao cho phù hợp đối với các loại xe có dung tích thấp, trong nước sản xuất được.

"Việt Nam không thể đổ lỗi cho điều kiện đường sát tắc nghẽn, cơ sở vật chất xuống cấp để hạn chế quyền sở hữu phương tiện của người dân được", ông Chấn khẳng định.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô vì tắc đường, có hợp lý? - Ảnh 2.

Các hãng ô tô nhập khẩu EU vào Việt Nam sẽ được nhận nhiều ưu đãi từ năm 2021.

Được biết, tại Nghị quyết 115 của Chính phủ ban hành tháng 8/2020, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng phương án sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô.

Động thái trên nhằm khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công Thương cũng có đề xuất Chính phủ các phương án sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành ô tô tại Việt Nam trong dài hạn để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và giảm thuế đối với phần gia tăng trong nước.

Ngoài ra, thời hạn áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa. Nếu không được gia hạn bằng các quyết định, nghị định khác, xe trong nước lại quay trở về áp dụng mức thu lệ phí trước bạ như cũ: 10% với cả nước và 12% đối với Hà Nội.

Trong bối cảnh thị trường và người mua xe đã quá quen với khuyến mại, bên cạnh đó, thu nhập bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19, việc dừng chính sách trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt cao sẽ khiến ngành ô tô có thể gặp khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem