App Myaladinz và giấc mộng "làm giàu không khó"

Nguyễn An Thanh Thứ sáu, ngày 11/09/2020 15:12 PM (GMT+7)
Vài tháng nay, từ bắc vô nam ta luôn bắt gặp những quảng cáo trên Facebook và những bàn tán của lớp trẻ: "Myaladdinz thay đổi cuộc đời tôi", rồi "Mua nhà hoàn điểm 80% cùng Myaladdinz". Nhưng app này đã bị vạch mặt là lừa đảo. Bài học "miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột" hình như không phải ai cũng nhớ.
Bình luận 0

Điều này khiến tôi phải tìm gặp chuyên gia tài chính Ngọc Giao, Công ty NTT Data Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn. NTT DATA là 1 trong 5 công ty thành viên lớn nhất của tập đoàn NTT – tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, chuyên cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin.

Câu chuyện Myaladinz và cây đèn thần đã được các chuyên gia truyền thông có hạng thổi lên bằng như lời mỹ miều, kiểu: "Mô hình mới vô cùng hấp dẫn", nào là "Mua hàng qua App Myaladinz để nhận điểm thưởng và nhận thưởng đồng GEM"… Phải nói những nhà truyền thông của App Myaladinz đã nghiên cứu tâm lý ham làm giàu một cách rất bàn bản. 

Myaladinz chia khách hàng thành 2 group, nếu bạn là nhà tiêu dùng thì họ quảng bá rất êm tai: "Đổi các sản phẩm và dịch vụ thú vị trên toàn thế giới; Nhận tới 80% tiền hoàn lại, Đá quý tổng hợp để nhân chúng lên đến 6 lần; Yêu cầu thêm Gem mỗi ngày; Đá quý thương mại; Nhận phần thưởng có lợi nhuận cho những người bạn giới thiệu tham gia".

Thử đóng vai một nhà đầu tư muốn tham gia chương trình, tôi được nhân viên của Myaladinz chào mời rất hấp dẫn: "Thu hút nhiều khách hàng hơn; Tiếp xúc với thương hiệu nổi bật hơn, Tăng doanh số; Lòng trung thành của người tiêu dùng thông qua giảm giá; Tối đa hóa thu nhập; Nhận phần thưởng có lợi nhuận cho những người bạn giới thiệu tham gia".

Có 1 điểm chung mà Myaladinz dành cho cả 2 đối tượng tham gia, đó là: "Nhận phần thưởng có lợi nhuận cho những người bạn giới thiệu tham gia". Lời cảnh báo của chuyên gia tài chính của công ty CNTT hàng đầu của Nhật Bản đã đến: "Thế nào anh cũng thấy cái bẫy đa cấp khá tinh vi, bất luận anh được nhân định là đối tượng nào". Đây chính là "Miếng pho mát trên chiếc bẫy chuột" đã khiến cho trong vòng 18 tháng qua khoảng 100 ngàn người Việt Nam đã bỏ hàng ngàn tỷ tiền thật để đổi lấy mộng làm giàu ảo.

App Myaladinz và giấc mộng "làm giàu không khó" - Ảnh 2.

App Myalladinz đã bị cơ quan chức năng cảnh báo là lừa đảo.

Trong ứng dụng "Thần đèn", đồng Gem là "tiền ảo", 1 Gem tương đương 1 USD, ngoài ra còn có đồng tiền nữa gọi là Point, được thiết kế giống như voucher để tích lũy điểm thưởng. Nhưng Point không được đổi ngay ra Gem mà mỗi ngày chỉ được đổi 0,2% trong 180 ngày đầu, và 0,1% trong các ngày tiếp theo.

App Myaladdinz là ví điện tử, nhưng lại cho phép người dùng có thể đầu tư. Khi tham gia, bạn có 6 lần được chuyển đổi từ Gem sang Point, trong đó 2 lần chuyển đổi đầu tiên còn được nhân gấp 5 lần giá trị. Nhà đầu tư cũng chỉ được MyAladdinz trả lãi bằng tiền "Gem ảo" và "Point ảo". Nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán "Gem ảo" và "Point ảo" này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, không bán, thanh khoản được ra ngoài hệ thống. Tuy nhiên muốn có Gem thì bạn phải bỏ tiền thật ra mua. Trước hết, đây là giao dịch luật Việt Nam cấm, nghĩa là không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp. 

Myaladinz đã đánh đúng tâm lý ham làm giàu đổi đời không phải bằng mô hồi, trí tuệ mà bằng kiểu sống ảo là có thể phút chốc trở thành triệu phú tiền đô. Khách hàng tiềm năng của App Myaladdinz chính là các bạn trẻ, mới chập chững bước vào đời, muốn khẳng định mình.

Tiếp theo bản chất của App Myaladdinz là khuyến khích bạn mời chào thêm người tham gia vào hệ thống, đổi lại bạn sẽ lại được hưởng hoa hồng. F1 là 5% và các F tiếp theo là 1%. Cứ thế kéo dài tới tận 15 cấp bậc. Nếu một ngày hệ thống sụp đổ thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn với người tham gia bởi bản chất của kinh doanh đa cấp là khai thác đúng "thị trường người tham gia".

Mới đây Bộ Công An đã cảnh báo: "Về bản chất, Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua Gem, thì hệ thống sẽ sụp đổ. Người tham gia sẽ khó lấy lại được số tiền đã đầu tư. Ứng dụng này chưa được cấp phép hoạt động. Do đó người dân tham gia có thể dẫn đến mất tiền hoặc đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp".

Trước khi App Myaladdinz ra đời, chúng ta đa phải chứng kiến hàng ngàn người khóc dở, chết dở vì liên quan đến kinh doanh đa cấp và đầu tư tiền ảo. Vậy điều gì khiến cho gần 100 ngàn người tiếp tục đầu tư mua Gem và Point, trong đó không ít bạn trẻ có trình độ hiểu biết về kinh tế?

Nhìn lại hoạt động của App Myaladdinz, phải nói những người kinh doanh App Myaladdinz đã có một chiến lược truyền thông quá rầm rộ, họ đã lấy hình ảnh của hàng loạt người nổi tiếng, trong đó có cả tổng thống Mỹ Trump để quảng bá cho chiêu trò này, họ còn làm cả nhưng clip mạo danh các đài truyền hình để lừa người dân.

Thứ hai là họ đánh vào đúng lòng tham và ham muốn làm giàu của một bộ phận người dân. Những lời đường mật chỉ cần nạp 5.000 USD và tìm kiếm được thêm 5 người đâu tư thì đến tháng thứ 6 bạn sẽ trở thành triệu phú đô la đã làm mê muột không ít người. Người ta quên mất những lợi nhuận ảo nhưng lại phải móc túi nộp tiền thật.

Dường như khi lâm vào "mê hồn trận" thì các nhà đầu tự và tiêu dùng thông thái của chúng ta quên mất câu hỏi: Myaladdinz kinh doanh gì để có được lợi nhuận gấp hàng chục lần lãi suất cơ bản của các ngân hàng thương mại?

Một người trong cuộc, một nhà đầu tư tên Phan Hảo đã phải ngậm ngùi: "Thực ra đến tháng thứ 3 thì tôi cũng phần nào lờ mờ đoán ra kiểu kinh doanh đa cấp, nhưng đúng là tiến thoái lưỡng nan, tôi không thể rút vốn ra. Dường như tôi chỉ còn giải pháp duy nhất là lừa đảo người thân, để đến giờ mất cả tiền lẫn tình cảm anh em, bạn bè. Dường như hễ bước chân vào kinh doanh đa cấp thì bạn sẽ không còn đường lùi. Quá đau!".

Đây cũng không phải lần đầu tiên "ma trận" tiền ảo bủa vây khách hàng, song quả thật "bài vở" của những app làm giàu kiểu này hay những chiêu trò kinh doanh đa cấp bất hợp pháp rất đễ làm người ta hoa mắt. Tôi biết Linh, một sinh viên kinh tế cách đây 3 năm đã tham gia "cày cuốc" để ôm hàng chục triệu tiền ảo có tên Alos Coin, viết tắt là AOC. Để đến giờ, đi làm mấy năm rồi mà chưa trả hết nợ, Linh chia sẻ: "Một lời khuyên người trong cuộc, các bạn trẻ hãy đừng chơi trò đu dây tiền ảo. Đúng là vài tháng đầu là hân hoan, rủng rỉnh nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi là tất cả đều sẽ như người mất hồn, khi không còn mời chào được người thân tham gia nữa, cũng là lúc bạn trở thành con nợ thực trên đống tiền ảo".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem