Apple ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam vì điều kiện sống của công nhân: Chưa muộn để xoay chuyển tình thế

Quang Dân Thứ bảy, ngày 22/08/2020 12:48 PM (GMT+7)
Thông tin Apple có thể sẽ tạm ngừng triển khai kế hoạch sản xuất iPhone ở Việt Nam sau khi đến thăm các nhà máy của đối tác lắp ráp Luxshare đặt tại Việt Nam đã tạo ra đã tạo thêm nhiều lo ngại về việc thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận 0

Mới đây, thông tin Apple có thể sẽ tạm ngừng triển khai kế hoạch sản xuất iPhone ở Việt Nam sau khi đến thăm các nhà máy của đối tác lắp ráp Luxshare đặt tại Việt Nam đã tạo ra đã tạo thêm nhiều lo ngại về việc thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, là những doanh nghiệp lớn, có giá trị thương hiệu cao.

Cụ thể, theo trang công nghệ AppleInsider, đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy của Luxshare, một trong những đối tác lắp ráp iPhone của Apple, đặt tại khu công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang, Việt Nam) để đánh giá khả năng sản xuất iPhone tại cơ sở này.

Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, Apple nhận thấy một phần trong của cơ sở sản xuất này vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến điều kiện sống và ký túc xá dành cho công nhân. Hiện chưa rõ Luxshare không đáp ứng được yêu cầu từ phía Apple về tiêu chí nào, nhưng có vẻ như điều này đã khiến Apple tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam.

Apple ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam vì điều kiện sống của công nhân: Chưa muộn để xoay chuyển tình thế - Ảnh 1.

Apple tạm thời vẫn chưa phê duyệt để lắp ráp iPhone tại Việt Nam

Điều kiện sông của công nhân bị "bóp méo"

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, trong dòng dịch chuyển của các công ty, tập đoàn lớn thoát khỏi Trung Quốc hiện tại, cơ hội của những quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia.. là tương đương nhau.

Do đó, yếu tố để quyết định một công ty đặt nhà máy sản xuất ở một nước nào đó đôi lúc sẽ được định dựa trên các chỉ tiêu như trình độ dân trí, văn hóa, điều kiện sống của công nhân.

Ông Hiển nhận định, bản thân Apple hay những công ty lớn trên thế giới không bao giờ trực tiếp đầu tư vào nhà máy mà sẽ giao cho các đối tác khác. Thông thường, đối với những đơn vị ký kết trực tiếp nếu như tự triển khai xây dựng nhà máy sẽ đầu tư tốt tất cả các hạng mục trong hợp đồng vì tiêu chuẩn, hợp đồng quy định rõ và khắt khe.

Tuy nhiên, đôi lúc những đơn vị này lại đẩy xuống đối tác khác theo chuỗi cung cấp. Càng xuống dưới nhà thầu phụ càng giảm giá thầu để có thể có lợi nhuận, dẫn đến một số yếu tố như ký túc xá, điều kiện sống công nhân bị "bóp méo", không đạt.

Trong khi đó, các công ty, tập đoàn lớn có giá trị không thể làm suy yếu hình ảnh bằng thông tin tiêu cực như công nhân bị bốc lột, môi trường làm việc không đảm bảo, do vậy, họ luôn đòi hỏi tiêu chuẩn về sản xuất ở mức chuẩn nhất.

Đây chính là điểm yếu của Việt Nam trong thu hút đại bàng. Hệ quả của quá trình chúng ta chỉ nhận các dự án gia công từ các dự án FDI nhỏ, lẻ từ trước tới nay. Do đó, để thu hút được các công ty lớn, có giá trị thương hiệu cao, Chính phủ phải có tiêu chuẩn về đời sống lao động đáp ứng được.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn hạn chế về hạ tầng, mặc dù cho thời gian qua Chính phủ chỉ đạo, đốc thúc các đơn vị liên quan đẩy nhanh đầu tư, nâng cấp. Ví dụ như đối với cảng Cái Mép (Bà rịa - Vũng tàu), dù đã được quan tâm trong nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoạt động đúng với công suất.

Điều đó, cho thấy cơ sở hạ tầng đang là vướng mắc rất lớn. Đáng nói, câu chuyện này không nằm ở chỗ không có tiền, vốn đầu tư công vẫn còn rất nhiều chưa giải ngân hết, trong khi đó nhiều đơn vị xin trả lại số tiền đã được cấp vì "tiêu không hết".

"Vấn đề ở đây chính là năng lực đầu tư hạ tầng, triển khai dự án của các cấp. Mà những người thực hiện lại thuộc đội ngũ chuyên nghiệp được lựa chọn từ Chính phủ. Có tiền nhưng hạ tầng vẫn không cải thiện nâng cấp được", ông Hiển nhấn mạnh.

Apple ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam vì điều kiện sống của công nhân: Chưa muộn để xoay chuyển tình thế - Ảnh 2.

Chính phủ cần có những thay đổi về chính sách để thu hút FDI trong thời gian tới

Đơn vị có trách nhiệm có chịu làm hay không

Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định, để nâng cấp điều kiện sống, cải thiện cơ sở hạ tầng không nằm hoàn toàn ở vấn đề thời gian, mà cốt lõi các đơn vị có trách nhiệm có quyết tâm làm hay không.

Ông Hiển cho biết, với điều kiện về khoa học công nghệ hiện tại, chỉ trong 6 tháng có thể xây dựng được một nhà máy hiện đại. Ngoài ra, lực lượng lao động Việt Nam luôn được đánh giá là nhiệt huyết, ham học hỏi và rất trẻ. Đặc biệt chúng ta có đội ngũ lao động về từ Hàn Quốc, Nhật Bản..

"Điều kiện cần có sẵn, bây giờ Chính phủ phải giải quyết yếu tố về điều kiện đủ như đưa ra quy định, tiêu chuẩn liên quan đến đời sống công nhân, môi trường lao động và cơ chế thực hiện rõ ràng để các cấp nghiêm túc làm theo thì việc đón nhận những nguồn vốn FDI từ đại bàng lớn như Apple hoàn toàn đạt được", ông Hiển cho hay.

Tương tự, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, điều kiện sống của công nhân luôn là một trong những điều liên quan đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Vấn đề này chúng ta đã nói rất nhiều, song kết quả nhận được vẫn còn rất khiêm tốn.

Đặc biệt, trong môi trường làm việc quốc tế, đời sống nhân viên cực kỳ được ban lãnh đạo công ty quan tâm. Do đó, việc chúng ta có thể lơi lỏng một vài nhân tố nào đó sẽ "vuột" mất dòng vốn FDI xịn. Bởi lẽ, mỗi sản phẩm mang tên thương hiệu lớn được làm ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Thực trạng cho thấy, từ trước tới nay doanh nghiệp ở Việt nam chưa thực sự lưu ý đến yếu tố liên quan đến điều kiện sống, bảo vệ môi trường. Vì thế, nhiều khu công nghiệp thiếu nơi ở cho công nhân, khu vui chơi. Ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ điều kiện môi trường nằm ở mức tối thiểu, cứ kiểm tra sẽ ra vấn đề.

"Việt Nam cần phải thay đổi những điều này, nếu muốn đón các doanh nghiệp FDI lớn, quá trình dịch chuyển sẽ còn kéo dài trong vài năm tới, thời điểm bây giờ chưa quá muộn để Chính phủ đưa ra thay đổi, nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động tại Việt Nam, qua đó, thu hút đầu tư nước ngoài", ông Thịnh cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem