ASEAN là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam

P.V Thứ sáu, ngày 18/12/2020 16:07 PM (GMT+7)
Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trong toàn ASEAN trong đó có sản phẩm nông sản.
Bình luận 0

Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản

ASEAN là thị trường gần, thuận lợi về khoảng cách địa lý, không hạn chế phương tiện vận chuyển, gu tiêu dùng tương đồng, yêu cầu kỹ thuật không quá cao lại đa dạng về phân khúc giá cả. Khu vực này có tổng dân số 636 triệu người, GDP đạt 2.760 tỷ USD.  

Chính vì vậy, nhiều năm qua ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của nông sản Việt Nam. Rất nhiều sản phẩm nông sản của nước ta đã tạo được uy tín và chiếm lĩnh thị trường trong khối ASEAN như: Gạo, rau quả, thuỷ sản, hạt tiêu, cà phế, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

ASEAN là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam   - Ảnh 1.

Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường ASEAN. I.T

Theo Hiệp hội Rau quả Việt nam, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả của Việt Nam nhất. Trong 5 tháng 2020 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Thái Lan đạt gần  60 triệu USD, tăng đến 144% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với mặt hàng gạo của Việt Nam, ASEAN cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Trong đó, quốc gia thuộc khối ASEAN nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất là Philippines. Cụ thể,Theo Thống kê của Cục Chế biến và Phát  triển Thị trường Nông sản (Bộ NNPTNN), tháng 11, Việt Nam xuất khẩu hơn 338.000 tấn gạo với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Philippines chiếm 32,9% thị phần, đạt 1,86 triệu tấn và 868,66 triệu USD trong 11 tháng năm 2020. Dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo tại khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung từ các nước khác sụt giảm.

Ở sản phẩm tôm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiện ASEAN đang là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 8, chiếm 2,1% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam và đang có nhiều cơ hội tăng thị phần khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Tính đến tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này mới đạt 37,5 triệu USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên DN chọn xuất theo đường chính ngạch nhiều hơn thay vì xuất theo đường biên mậu như trước đó. VASEP nhận định, ASEAN hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản do được hưởng những ưu đãi từ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và các hiệp định liên quan.

Thêm "cửa" thêm thách thức

Theo Bộ Công thương, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP. Cụ thể, Hiệp định RCEP được 15 thành viên thực thi bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước có ký kết các FTA với ASEAN (ASEAN+) sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

ASEAN là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam   - Ảnh 2.

Gạo Việt đang chiếm lĩnh thị trường nội khối. I.T

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, với RCEP, cơ hội đến với Việt Bam không chỉ là ưu đãi thuế quan mà còn là quy tắc xuất xứ nội khối. Trong các nước thành viên của RCEP, có những nước Việt Nam đang sử dụng rất nhiều nguyên liệu, do vậy hàng hóa xuất khẩu sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo hiệp định, dễ được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP có thể đem tới như vấn đề cạnh tranh tại thị trường nội địa. Nếu như doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ phải chịu sức éo cạnh tranh ngay chính trên sân nhà.

Theo các chuyên gia, để đứng vững và phát triển bền vững trên thị trường nội khối, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả và sự đa dạng chủng loại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường vẫn phải theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nội địa uy tín, có năng lực… để duy trì sự tồn tại của hàng Việt một cách bền vững.

Bộ Công thương đánh giá, RCEP sẽ giúp mở cửa để Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ thị trường ASEAN của Việt Nam hằng năm đã vượt mức 30 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem