AstraZeneca: không có bằng chứng vắc xin Covid-19 gây đông máu
Quá trình đánh giá được AstraZeneca thực hiện trên 17 triệu người được tiêm chủng ở cả Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu sau khi hàng loạt quốc gia châu Âu tuyên bố sẽ tạm ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng quốc gia sau khi có báo cáo về các trường hợp đông máu nghiêm trọng ở những người đã được tiêm dòng vắc xin này.
Cụ thể, các nhà chức trách ở hàng loạt quốc gia châu Âu như Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan đã đình chỉ việc sử dụng vắc xin AstraZeneca vì một số báo cáo hiện tượng đông máu, trong khi Áo đã ngừng sử dụng một loạt mũi tiêm AstraZeneca vào tuần trước để điều tra một trường hợp tử vong do rối loạn đông máu. Ở Đông Nam Á, Thái Lan tuần trước cũng tuyên bố tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca để chờ đợi kết quả điều tra.
“Hiện chưa thể kết luận liệu có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin và hiện tượng đông máu ở người được tiêm vắc xin hay không” - cơ quan Y tế Đan Mạch, một trong những quốc gia quyết định tạm dừng tiêm vắc xin Covid-19 cho hay. Được biết, cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đang mở một cuộc điều tra về dòng vắc xin này sau khi báo cáo cho biết đã có một bệnh nhân tử vong. Tương tự như phía Đan Mạch, cơ quan này cũng khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy các trường hợp đông máu có liên quan trực tiếp đến mũi tiêm chủng AstraZeneca, một quan điểm đã được Tổ chức Y tế Thế giới lặp lại vào thứ Sáu.
“Việc xem xét tất cả các dữ liệu hiện có trên hơn 17 triệu người đã tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca ở châu Âu và Vương quốc Anh cho thấy không có bằng chứng nào về việc tiêm chủng vắc xin làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu, ở bất kỳ độ tuổi xác định, giới tính hay chủng tộc nào tại bất kỳ quốc gia cụ thể nào” - tuyên bố của AstraZeneca nhấn mạnh.
“Đáng tiếc nhất là các quốc gia đã ngừng tiêm chủng với lý do “đề phòng”. Động thái này có nguy cơ thực sự gây thiệt hại cho mục tiêu tiêm chủng đủ số dân trên tổng dân số nhằm đạt được miễn dịch bầy đàn, làm chậm lại sự lây lan virus cũng như chấm dứt cuộc khủng hoảng đại dịch” - nhận định của chuyên gia Peter English trên tờ Reuters.
AstraZeneca hiện đang cùng các cơ quan y tế châu Âu tiến hành các cuộc kiểm tra bổ sung về vắc xin, tuy nhiên đại diện công ty cho thấy chưa có kết quả nào chỉ ra yếu tố đáng lo ngại nào về tính an toàn của vắc xin. Theo AstraZeneca, báo cáo an toàn của vắc xin sẽ được cập nhật công khai hàng tháng trên trang web chính thức của cơ quan Dược phẩm châu Âu vào tuần sau.
Tuần trước, đại diện AstraZeneca cũng nhấn mạnh: “An toàn của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu đối với AstraZeneca. Các cơ quan quản lý có các tiêu chuẩn rõ ràng và nghiêm ngặt về hiệu quả cũng như độ an toàn để phê duyệt bất kỳ dòng vắc xin mới nào, và bao gồm cả vắc xin chủng ngừa Covid-19 của AstraZeneca”. Phía nhà nghiên cứu dược phẩm cũng lần nữa khẳng định rằng tính an toàn của vắc xin đã được nghiên cứu trên diện rộng thông qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và được xem xét, bình duyệt bởi các hội đồng nghiên cứu khác nhau để đi đến kết luận rằng loại vắc xin này đạt độ an toàn và hiệu quả cao.
EU đã phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy dòng vắc xin này có hiệu quả trung bình 70% trong việc chống lại virus SARS-CoV-2. Vắc xin AstraZeneca đang được sử dụng rất nhiều trong các đợt triển khai tiêm chủng của Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu.