Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 1.

Bà Bé vốn là giáo viên. "Giáo viên trường làng thôi", như cách bà hay nói. Đến khi không còn dạy chữ nữa, bà lại quay sang học làm nông.

Hồi đó ở Củ Chi có phong trào giáo viên về hưu, rảnh rỗi thì đi trồng lan. Năm 2000, bà Bé cũng nghỉ hưu, cũng mày mò trồng lan chơi, chơi không được thì bỏ.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 2.

Thế mà đã 21 năm rồi. Giờ đây con cháu đề huề, đôi bàn tay già nua của bà giáo vẫn tự mình chăm sóc cả vườn lan.

"Vì càng làm càng thấy mê, càng thấy mokara thích hợp với mảnh đất Củ Chi, và cho hiệu quả kinh tế nữa", bà Bé nói.

Từ 2.000m2; 5.000m2 rồi 10.000m2; vườn lan của bà cứ thế lớn dần và ngày càng nhiều người biết tiếng.

Nhất là khi học viên từ khắp các vùng miền cả nước tìm đến đây học nghề. Học viên của bà cũng đa dạng thành phần lắm. Họ là những thanh niên trẻ ở nông thôn, là giám đốc HTX, là nhân viên ngân hàng cho đến... cán bộ khuyến nông.

Tất cả họ đều tìm đến bà đây để học nghề trồng lan mokara sao?

- Người thực tâm đến học khác với người tìm đến để dò la này nọ. Nhìn là biết ngay, nhưng không sao cả. Tôi cứ dạy những gì mình biết. Mà đã dạy là phải đến nơi đến chốn.

Nông dân thường hay giấu nghề. Nhưng tôi quan niệm "buôn có bạn, bán có phường". Và khi vô thường kéo đến, xác thân trở về cát bụi, những kiến thức tích lũy bao năm mà không có ai sử dụng được thì uổng phí lắm.

Vậy dạy trồng lan có khó hơn dạy chữ không thưa bà?

- Trước khi dạy trồng lan, tôi phải học lại cách dạy dù mình từng là giáo viên. Vì vườn lan của học viên ở khắp các vùng miền, tôi không thể đến từng vườn của từng người.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 3.

Zalo, facebook hay bất cứ phương tiện nào giúp tôi "khám chữa bệnh online" được, tôi đều học. Thế là, ban ngày tôi làm vườn. Đến 8 giờ tối, tôi "lên sóng". Từng cơn mưa bất chợt kéo đến, từng chiếc lá bị hư, tôi đều tư vấn tận tường cho tất cả, cả những người chưa học tôi ngày nào.

Các học viên học được gì từ vườn lan Minh Dũng?

- Tôi dạy lại người khác tất cả kinh nghiệm thực tế của mình. Dạy từ khi trồng cây lan xuống, làm sao cho cây sống, rồi dạy làm sao có đầu ra tốt, trồng giống lan nào thì thị trường ưa chuộng.

Mà thị trường thì ngày càng đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Học viên phải học tốt ngay từ đầu mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình, và cạnh tranh với thị trường rộng lớn. 

Mỗi ngày, học viên đến vườn lan Minh Dũng để học làm ra sản phẩm tốt. Khi có sản phẩm tốt sẽ có thị trường và giá bán tốt. Cứ cầm tay chỉ việc như thế mà nhiều vườn lan của học viên giờ còn lớn hơn vườn lan của tôi nữa.

Bà thấy vui vì điều đó chứ?

- Khi học viên thành công, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc hơn cả khi chính mình thành công. Vì tôi vẫn mong những người trẻ sẽ tiếp tục đưa cây lan mokara đi xa hơn.

Mọi người sẽ biết đến vùng đất Củ Chi, biết đến cây lan mokara thật tuyệt vời. Đó là lý do tôi đã đến, đã yêu và gắn bó với nghề.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 4.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 5.

Bà giáo hay kể với tôi rằng bà đã già rồi, chỉ chờ ngày nghỉ hưu lần 2. Nhưng nghiệp làm nông của bà dường như vẫn chưa tới ngày hết hạn.

Một bữa nọ, bà giáo nhắn tin bảo, có người dùng hình ảnh của vườn lan Minh Dũng để minh họa, rồi rao bán lan giống của họ.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 6.

Hơn 20 năm trong nghề đủ để bà nhận diện vườn lan mạo nhận đó không phải lan mokara Củ Chi. Đến cả bức hình được dùng để mạo nhận cũng là hình ảnh đã từng khẳng định thương hiệu vườn lan Minh Dũng, đăng trên báo Dân Việt.

"Thế là không những nhầm mà còn nhầm to nữa. Tôi có rao bán lan giống trên mạng bao giờ đâu", bà giáo cười bảo.

Đến nay, xuất bán được giống lan mokara vẫn là niềm tự hào của người dân Củ Chi. Thay vì nhập khẩu với giá cao, nhiều rủi ro về chất lượng; giờ đây nông dân Củ Chi hoàn toàn tự chủ được nguồn giống và tự tin so sánh ngang hàng với mokara Thái Lan.

Bà Bé cũng là một trong những người tiên phong làm lan giống từ 10 năm về trước. Vì tránh lệ thuộc nguồn giống nhập nội, bà mới nảy sinh ra ý định làm giống bằng cách tách chiết cây con từ thân cây mẹ.

Những cây giống đầu tiên thành công, khách hàng cảm thấy dễ trồng vì phù hợp với thổ nhưỡng. Những cây giống bị lỗi đã được loại bỏ, chỉ những cây giống tốt mới cho lưu hành trên thị trường.

Tiếng lành đồn xa, rồi các nơi tìm đến tận vườn hỏi mua ngày càng nhiều. Nhưng bà Bé không ôm đồm vì khả năng chỉ làm mỗi năm khoảng 30.000 cây giống. Cứ đều đặn như thế, khách nào đặt hàng sau thì ngồi chờ tới lượt.

Mỗi lần xuất lan giống, bà hay ví như gả con gái sang nhà chồng. Giống lan phải chất lượng đồng loạt để đảm bảo uy tín của vườn, cũng như thương hiệu lan mokara Củ Chi.

Khi cắt hàng ngàn cây giống giao cho khách, bà phải khắt khe tuyển lựa từng cây một. Chỉ cần 1 cây giống có vướng khuyết điểm là bà thẳng tay tước lá, loại bỏ ngay lập tức.

"Một con sâu cũng làm rầu nồi canh. Phải tước hết lá để cây giống bị lỗi không còn khả năng tái sinh", bà Bé nói.

Có lẽ vì cách làm như thế nên chuyện người khác dùng hình ảnh vườn lan của bà để mạo nhận cũng không khó hiểu. Nhưng bà vẫn phải nhắc lại như một kiên định đã thành ra son sắt với những học viên của mình.

Uy tín thương hiệu là điểm khác biệt giữa cách làm thật với làm ăn gian dối, chụp giật. Nhiều tổ chức, cá nhân biết kinh doanh, biết làm thương hiệu nhưng chất lượng để tạo nên thương hiệu, phải do nông dân làm ra.

Vườn lan Minh Dũng cùng với tâm huyết của nhiều vườn lan khác trên mảnh đất này đã làm nên thương hiệu lan kokara Củ Chi. "Thương hiệu đó không thể cắt dán, vay mượn mà có được", bà giáo khẳng định.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 7.

Sau những ngày thành phố căng mình chống dịch, chúng tôi lại tìm về ấp Bến Đò, xã Tân Phú Trung. Bà giáo đón tôi bằng bình hoa mokara rực rỡ dù đó chỉ là hoa loại 3, vì hoa đẹp loại 1, loại 2 bán đã cắt bán hết rồi.

Kể ra cũng có chút bất ngờ vì không phải nhà vườn mokara nào cũng có hoa để bán ngay khi thành phố vừa mở cửa như vậy.

Trong mùa dịch, đã có không ít người suy nghĩ: Trồng mà không bán được thì trồng cho ai?

- Đó là họ quên rằng, một khi vườn hoa đã hỏng thì rất khó phục hồi. Một nhà vườn lớn sụp đổ thì những vệ tinh xung quanh trong chuỗi cung ứng cũng sụp đổ theo. Tôi vẫn chăm dưỡng vườn cây giống, vẫn duy trì phương án sản xuất để sau dịch là có hoa cung ứng liền.

Chính đợt dịch bệnh vừa qua cũng góp phần sàng lọc lại. Những nhà vườn nào có lực, có trình độ và tâm huyết với nghề mới vượt qua được. Những vườn hoa nhỏ lẻ phải lui vào vì lan mokara không phải cây xóa đói giảm nghèo.

Vậy người trồng lan cần làm gì để duy trì được vườn cây?

- Làm nông phải sống được với nghề nông. Trồng lan mokara thì phải sống được với tiền bán hoa mokara.

Người nông dân vốn chất phác, cần cù, thủy chung với nghề. Nhưng trong thời đại 4.0, nông dân cần thêm sự nhạy bén với thị trường, thông minh hơn với thời cuộc. Nghĩa là nông dân đã có tâm, còn phải có tầm nữa. Đó là tầm nhìn về thị trường.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 8.

Bà nói nông dân phải thông minh hơn nghĩa là sao?

- Trong lúc giãn cách, lượng hoa tiêu thụ không hết thì người nông dân thông minh phải biết điều tiết sản lượng. Điều tiết bằng cách không để cho cây ra hoa, hoặc khi cây vừa lú mầm hoa thì phải lặt bỏ đi, để dưỡng cây khỏe mạnh, chờ khi thích hợp.

Nông dân không nắm bắt được thị trường, cứ sản xuất ồ ạt sẽ làm sản phẩm dư thừa. Thương lái dựa vào đó mà ép giá nông dân. Lời nói thật dễ gây mất lòng. Tuy nhiên, người nông dân thông minh không được để điều đó xảy ra.

Và thu hẹp sản xuất không có nghĩa là không trồng lan nữa. Từng nhà vườn chủ động giảm sản lượng là góp phần điều tiết lại thị trường, giữ nhịp cho sự phát triển chung của toàn ngành hoa lan.

Không chỉ vậy, nông dân còn phải tìm cách giảm giá thành nữa.

- Nhưng giảm giá thành sẽ làm giảm thêm thu nhập trong khi thị trường chưa hoàn toàn hồi phục?

Đừng nghĩ giá giảm thành là thiệt hại cho nông dân. Vì giá giảm thì hàng hóa sẽ đến tay người tiêu dùng bình dân nhiều hơn. Người có tâm thì phải sản xuất nhiều, chất lượng nhưng giá cả hợp lý. Giá giảm đến mức không thua lỗ thì nông dân vẫn sống được với nghề.

Thị trường khó khăn đặt ra cho nhà vườn những lựa chọn kinh doanh phù hợp. Ngày trước, một khách vãng lai thấy vườn hoa đẹp nhưng vườn lớn quá, không dám ghé hỏi mua vài cành hoa lẻ. Nhưng bây giờ nhà vườn vẫn chấp nhận bán.

Tất nhiên khi đó, nhà vườn lời ít lại. Gặp lúc khó khăn thì cùng nhẫn nhịn để chờ ngày mai tươi sáng. Ngày tươi sáng đó là lúc dịch bệnh được kiểm soát, cả xã hội cùng phát triển. Nhu cầu tăng cao thì từng cá thể cũng phát triển theo.

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 9.

Bà nghĩ cây lan mokara còn nhiều tiềm năng không?

- Ngày trước, hoa mokara có giá cao. Nhưng bây giờ, bỏ ra 50.000 đồng, một người dân ở nông thôn hay một công nhân ở phòng trọ vẫn có thể sở hữu cho mình một bình hoa đẹp.

Giá trị của lan mokara ở chỗ rực rỡ, lâu tàn, và giá bán dễ chấp nhận. Một cánh hoa lạ không thể làm đẹp cả căn nhà hay khu vườn. Cũng không có cây lan mokara nào giá 1 tỷ đồng cả. Mặt bằng chênh lệch giá lan mokara không quá lớn. Vì thế, phát triển mokara vẫn bền vững hơn nhiều ngành nghề khác.

Khó khăn nào còn chờ đợi làng hoa lan Mokara Củ Chi nữa không?

- Chỉ riêng năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, việc tiêu thụ cây giống có chậm hơn. Đang lúc dịch bệnh, cả thành phố lo chuyện sống chết. Trong khi hoa lan chỉ là mặt hàng điểm tô cuộc sống. Đến khi no cơm ấm áo, người ta mới nghĩ tới chuyện phong lưu, làm đẹp.

Những khó khăn vì dịch bệnh chỉ mang tính nhất thời, không phải là mãi mãi. Tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp, con người sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Xin cảm ơn bà!

Bà giáo Nguyễn Thị Bé, người giữ tình yêu với hoa lan  - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem