Bà Nguyễn Phương Hằng có lợi nếu Công an Bình Dương và TP.HCM nhập vụ án?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 19/06/2022 06:28 AM (GMT+7)
Công an tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ để nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng về Công an TP.HCM. Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc này là có lợi cho bà Nguyễn Phương Hằng.
Bình luận 0

Nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Liên quan đến vụ bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) bị khởi tố, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã chuyển hồ sơ vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", liên quan đến bị can Hằng để nhập vào vụ án mà Công an TP.HCM đang khởi tố, điều tra.

Bà Nguyễn Phương Hằng có lợi nếu Công an Bình Dương và TP.HCM nhập vụ án? - Ảnh 1.

Theo cơ quan chức năng, bà Nguyễn Phương Hằng quản lý 12 kênh mạng xã hội, thường phát ngôn xúc phạm người khác. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, vụ án do Công an Bình Dương khởi tố cùng nội dung, tính chất, người tố cáo và người bị tố cáo với vụ án do Công an TP.HCM đang giải quyết, nên Công an Bình Dương đã xin ý kiến và chuyển hồ sơ nhập vào vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng để Công an TP.HCM điều tra, giải quyết.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu nhập vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ diễn ra thế nào?

Nhập vụ án sẽ có lợi cho bà Nguyễn Phương Hằng?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào sẽ bị xử lý về tội danh đó.

Tuy nhiên, nếu bị can bị nhiều cơ quan điều tra cùng khởi tố về một tội danh cũng có thể được nhập vụ án hình sự thành một tội và áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần để xét xử trong cùng một vụ án.

Ông Cường cho biết, việc nhập vụ án hình sự theo quy định của pháp luật sẽ giảm thiểu được thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và cũng có lợi cho bị can, bị cáo, đồng thời góp phần giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.

Nếu không nhập vụ án, với 2 lần thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bà Nguyễn Phương Hằng có thể phải đối mặt với 2 lần bị kết án trong khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Nếu bị 2 nơi kết án 2 lần về tội danh này, với khung hình phạt trên, cơ quan xét xử sau sẽ tổng hợp hình phạt theo hình thức cộng dồn mức hình phạt của bản án trước để tổng hợp với bản án sau theo nguyên tắc hình phạt và bản án cuối cùng sẽ tổng hợp tất cả các mức án mà tòa án các cấp đã xét xử trước đó.

Còn trường hợp Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố bởi 2 cơ quan điều tra về cùng về một tội danh nhưng sau đó được nhập vụ án, rồi xét xử trong một vụ án, bà Hằng sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần.

Tuy nhiên, nếu bị kết tội, bà Nguyễn Phương Hằng chỉ phải chấp hành một mức hình phạt chung có thể không quá 7 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự.

Như vậy, việc nhập vụ án hình sự trong trường hợp này là có lợi cho bà Nguyễn Phương Hằng.

"Việc nhập vụ án lại thành một, bà Nguyễn Phương Hằng chỉ bị kết án về một tội danh theo Điều 331 Bộ luật hình sự và hình phạt đối với bà này có thể sẽ không quá 7 năm tù.

Còn trường hợp không nhập vụ án, hai cơ quan tố tụng độc lập xét xử trong hai vụ án, hình phạt cho bà Nguyễn Phương Hằng có thể quá 7 năm tù theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự" – ông Cường nói rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem