Bà Rịa-Vũng Tàu: Đây là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 tạo ra nhiều việc làm nhất, doanh thu 45 tỷ/năm

Ngọc Minh Thứ tư, ngày 01/12/2021 06:15 AM (GMT+7)
Từ các loài cây dại tầm thường, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là ông Lê Văn Đạt (ở khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đã phát triển nghề đan lát các giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn và đem lại doanh thu từ 38 – 45 tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Đưa lục bình Việt Nam ra khắp thế giới

Năm 1995, ông Lê Văn Đạt (sinh năm 1961) cùng gia đình từ quê hương tỉnh Ninh Bình vào Nam lập nghiệp. Sau đó, gia đình dừng chân ở vùng đất biển Long Hải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) sinh sống với nghề truyền thống ở quê nhà: Đan lát.

Lúc ấy, vùng đất đầy nắng gió biển này chưa có nghề đan lát từ dây lục bình, trong khi làng ông lại có đầu ra xuất khẩu đi Nga. Thế là từ năm 1999, ông Đạt bắt đầu truyền bá nghề đan lục bình này cho hàng xóm láng giềng. Lúc đầu chỉ có 5 hộ gia đình học nghề và nhận hàng về gia công tại nhà.


NDXS BRVT: Từ một loại dây mây, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, doanh thu 45 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, ông Lê Văn Đạt ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Ngọc Minh.

"Được cái nghề này tính tiện lợi rất cao. Phụ nữ, người già trong gia đình có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi trong ngày khi chồng đi biển chưa về để làm kiếm đồng ra đồng vào. Nên chẳng mấy chốc một truyền mười, mười truyền trăm, số hộ gia đình nhận gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dây lục bình đã gia tăng nhanh chóng", ông Đạt kể lại.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình như: Túi xách, giỏ đi chợ, rổ, khay, đôn,…từ cơ sở gia đình ông Đạt không chỉ đi Nga, mà bắt đầu có các đơn hàng từ Nhật Bản với khoảng 1.000 sản phẩm/tháng.

NDXS BRVT: Từ một loại dây mây, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, doanh thu 45 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Đạt (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành danh với nghề đan lát từ cây lục bình. Ảnh: Ngọc Minh.

Thế nhưng, yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản rất cao, các sản phẩm phải đạt chất lượng đồng đều lên tới 98-99%, trong khi các thị trường khác chỉ cần độ đồng đều 80-85%. 

Tiêu chí này rất khó vì sản phẩm làm bằng tay, lao động chất lượng không đồng đều do trong các hộ gia đình người thì tay yếu, người thì tay khỏe. Thế là ông Đạt phải lên kế hoạch mở rộng công tác đào tạo nhân lực một cách có bài bản.

Nhận thấy nghề này không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập còn giúp giảm tệ nạn xã hội cho địa phương nên từ năm 2006, Trung tâm Khuyến Công thuộc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Hòa của ông Đạt mở các lớp dạy nghề đan lát cho lao động trong tỉnh. \

Tổng cộng có 30 lớp dạy nghề đan lát lục bình, mỗi lớp có 30 học viên, học trong 3 tháng là ra nghề. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau này còn mở rộng đào tạo cho phạm nhân trong các trại giam, để giúp các đối tượng này có được một nghề sau khi ra tù, hòa nhập cuộc sống.

Từ đó nhân lực phát triển dần lên. Ông Đạt lựa chọn những lao động có tay nghề giỏi nhất để làm cho các đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản.

NDXS BRVT: Từ một loại dây mây, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, doanh thu 45 tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Nhân công làm việc trong Công ty SXTM Hiệp Hòa của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 Lê Văn Đạt. Ảnh: Ngọc Minh.

"Nhật Bản có thể nói là thị trường khó tính nhất mà chúng tôi còn đáp ứng được nên tiếng lành đồn xa, đơn hàng tới tấp gởi về. Đến năm 2012 thị trường xuất khẩu bắt đầu mở rộng ra thêm các nước Anh, Pháp, Úc,…với số lượng sản phẩm mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu được trên 20.000 cái các loại", ông Đạt nói.

Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn

Doanh nghiệp ngày càng phát triển, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, ông Đạt luôn không ngừng học hỏi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng các nước. 

Hiện doanh nghiệp của ông có hàng trăm mẫu mã (bao nhiêu ông Đạt cũng không nhớ hết – PV), xuất khẩu khoảng 100.000 sản phẩm/tháng với tổng doanh thu hàng năm đạt từ 38 - 45 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10 - 15%.


NDXS BRVT: Từ một loại dây mây, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, doanh thu 45 tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình của Nông dân xuất sắc 2021 Lê Văn Đạt đã xuất khẩu đi khắp thế giới, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi. Ảnh: Ngọc Minh

Đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần hiện đại hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông Đạt đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho chứa, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô sản xuất,…với chi phí lên tới 30 tỷ đồng. 

Đầu năm 2020, doanh nghiệp tư nhân của ông Đạt đã phát triển lên thành Công ty Sản xuất Thương mại Hiệp Hòa.

"Đối tác xuất khẩu các sản phẩm đan lát của chúng tôi là 85 siêu thị thương mại trên khắp thế giới từ châu Á sang châu Âu, Mỹ, Úc,..Mà người dân các nơi ngày càng chuộng hàng thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre, lá bảo vệ môi trường nên đơn hàng ngày càng nhiều. 800 hộ gia đình liên kết gia công hàng cho công ty trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm không xuể, tôi phải mở rộng ở các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang,…thêm cả nghìn hộ gia công. Tùy từng hộ, lao động tham gia nhiều hay ít, sẽ có mức thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/hộ", ông Đạt cho biết.

Clip: Trong số 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021", ôngLê Văn Đạt - tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là người tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn nhất . Clip Ngọc Minh.

Chị Võ Thị Gái (ở khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, gia đình chị đã gia công cho Công ty Hiệp Hòa của ông Đạt hơn 5 năm nay, thu nhập mỗi tháng khoảng 5 – 6 triệu đồng. 

"Tôi tận dụng thời gian nhàn rỗi lúc chồng đi biển chưa vào hoặc khi biển động vợ chồng đan lát, gia công các hàng thủ công mỹ nghệ cho công ty Hiệp Hòa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Công việc này không bó buộc thời gian, lúc nào rãnh thì làm, lại làm ở nhà có thể trông con được nên tiện lợi lắm", chị Gái cười nói.

Với những đóng góp trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn cũng như mang lại thu nhập phát triển kinh tế gia đình, ông Lê Văn Đạt đã được tặng nhiều Bằng khen, như: Bằng khen vì đã có "Thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất –kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015" và năm 2018 do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao tặng; Giấy chứng nhận danh hiệu: "Hộ nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016" của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú đã có cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống" năm 2016; Chứng nhận " sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, năm 2020"…Và đặc biệt là danh hiệu "Nông dân xuất sắc năm 2021" do Chương trình Tự hào Nông Việt Nam bình chọn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem