Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều tàu cá của ngư dân nằm bờ, vì sao?

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 10/03/2021 14:11 PM (GMT+7)
Nhiều tàu cá của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu đang phải nằm bờ, không thể ra khơi vì khan hiếm lao động. Thu nhập của ngư dân cũng không ổn định; trong khi ngư trường ngày càng khan hiếm cá, tôm...
Bình luận 0

Khó khăn nghề biển

Thời gian gần đây, nghề khai thác thuỷ sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gặp rất nhiều khó khăn do nghề biển hiện có quá nhiều biến động, giá cả không ổn định, thiếu lao động,… 

Điều đó khiến cho nhiều ngư dân, chủ tàu dù có "mặn mà" với biển, nhưng vẫn không thể ra khơi.

Có mặt tại một số khu vực như các huyện: Long Điền, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu,…; PV nhận được nhiều chia sẻ từ những chủ ghe tàu đang gặp khó khăn trong những ngày đầu năm.

Thăng trầm nghề biển vì ngư trường cạn kiệt, giá cả bấp bênh, thiếu lao động - Ảnh 1.

Những tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu nằm im vì thiếu lao động nên không thể ra khơi

Anh Nguyễn Văn Nam (ngụ huyện Long Điền) chia sẻ: Nhiều năm qua, cứ sau Tết Nguyên đán là anh cùng các ngư dân khác lại ra khơi. Nhưng năm nay, phần do dịch Covid-19, phần do thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nên tàu của gia đình anh vẫn nằm bờ. 

Anh Nam cho biết, với việc tàu nằm bờ, không thể ra khơi trong những ngày đầu năm, anh đã mất hàng chục triệu đồng...

"Tôi cũng như nhiều chủ tàu khác đành chấp nhận thất nghiệp do không tìm đủ lao động để nhổ neo ra khơi. Phần lớn các thanh niên trẻ tuổi hiện nay không muốn lênh đênh trên biển dài ngày mà chọn các công ty, xí nghiệp để làm việc. 

Do đó, đầu năm tôi vẫn chưa thuê đủ được lao động để có thể đi đánh bắt nên đành ở nhà. Hy vọng tháng tới, giá cả ổn định, lao động dồi dào để chúng tôi có thể tiếp tục ra biển đánh bắt" - anh Nam nói.

Thăng trầm nghề biển vì ngư trường cạn kiệt, giá cả bấp bênh, thiếu lao động - Ảnh 2.

Tàu cá nằm im chờ ngày được ra khơi

Còn ông Hoàng Văn Dinh (ngụ huyện Xuyên Mộc) nói rằng: Hai con tàu của gia đình ông ra tết đến nay vẫn chấp nhận nằm im, chưa ra khơi giăng lưới. Nguyên nhân lớn nhất vẫn chính là do không thuê đủ nhân công.

"Khát vọng" ra khơi

"Mỗi chuyến đi biển khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng, nên mỗi tàu ít nhất phải có từ 10 – 15 người mới đủ lực để đi. Nhưng tôi cũng không hiểu sao năm nay lại khan hiếm người đi biển như vậy. Chỉ thuê được vài ba người thì làm sao có thể ra biển đánh bắt? Nên đành phải nằm  bờ tiếp tục chờ" - ông Dinh than thở. 

Có lẽ hiện nay ai cũng khó khăn, giá chi trả thấp nên thanh niên cũng không muốn ra biển mà chọn công việc khác. Bởi tiền công lao động đi biển được trả theo chuyến. 

Nếu chuyến nào đánh bắt cá tôm nhiều, tiền công cho bạn ghe, tàu sẽ cao. Đánh bắt được ít thì tiền công cũng ít. 

Mỗi đợt đi biển về hiện nay, thu nhập cũng chỉ còn mấy triệu đồng, không còn được như trước. Nên vì vậy, nghề biển bị "chê" -  ông Dinh nói.

Thăng trầm nghề biển vì ngư trường cạn kiệt, giá cả bấp bênh, thiếu lao động - Ảnh 4.

Ông Dinh cùng nhiều chủ tàu đều đang hi vọng sẽ sớm được tiếp tục ra khơi bám biển

Tương tự, ông Kim Thanh Tiền, một chủ tàu tại huyện Xuyên Mộc cho rằng, mọi khó khăn hiện nay đều do ngư trường dần khan hiếm cá tôm. Trước đây ông chỉ ra khoảng vài trăm hải lý là đầy ắp cá tôm. Đi biển khoảng nửa tháng là hải sản đã đầy khoang và tàu trở về đất liền.

Nhưng vài năm trở lại đây, sản lượng tôm cá thấp; trong khi giá bán hải sản cũng không cao, thu nhập thất thường, không ổn định, công việc lại nhiều, dài ngày và vất vả. Nên nhiều lao động rời biển lên bờ làm công nhân.

Ông Tiền than thở: "Người yêu nghề đi biển như chúng tôi nay đều đã già, sức khoẻ không có, không đủ sức bám biển. Còn thanh niên trai trẻ giờ đây mấy ai đi biển, thành ra thiếu hụt lao động. 

Năm ngoái cũng thiếu lao động, tôi ra khơi cả năm được có 12 chuyến, trừ chi phí còn lỗ, không có lãi, tự nhiên mất trắng mấy chục triệu. Nhưng yêu nghề rồi không bỏ được đành cố gắng thôi."

Thăng trầm nghề biển vì ngư trường cạn kiệt, giá cả bấp bênh, thiếu lao động - Ảnh 5.

Ai cũng nhớ lại những ngày tháng bám biển với những mẻ cá đầy ắp khoang tàu giúp chủ tàu và bạn đồng hành đều có thu nhập ổn định

Để tiếp sức cho ngư dân bám biển, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai kịp thời các chính sách phát triển thủy sản. Năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hỗ trợ hơn 400 tàu cá, với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang đẩy nhanh tiến độ, lập thủ tục hồ sơ các tàu cá khai thác xa bờ trong 3 tháng đầu năm 2021. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm ra khơi.

Được biết toàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu hiện có 5.800 tàu cá, trong đó có 2.910 tàu cá khai thác xa bờ.

Về những khó khăn này, chia sẻ với báo chí ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Trong thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành đánh bắt hải sản, giảm dần số lượng nhưng tăng dần chất lượng đội tàu đánh bắt xa bờ; sắp xếp, cơ cấu lại việc khai thác, chế biến hải sản theo hướng bảo vệ nguồn lợi thủy sản,…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem