Bắc Giang: "Cứu cánh" cho lao động bằng giải quyết bảo hiểm thất nghiệp

Thùy Anh Thứ ba, ngày 10/08/2021 17:22 PM (GMT+7)
Bắc Giang vừa trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh mẽ. Ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát, tỉnh đã kịp thời khôi phục sản xuất, tăng cường hỗ trợ giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho doanh nghiệp và người lao động.
Bình luận 0

Bảo hiểm thất nghiệp trở thành "cứu cánh" của lao động

Chị Nguyễn Thị Thanh (34 tuổi) là công nhân của công ty tại Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang). Thời gian qua, công ty phải dừng sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch. Chị phải ngừng việc. Vừa đi làm lại không được bao lâu thì công ty sắp xếp lại sản xuất, tinh giản lao động. Chị buộc phải xin nghỉ vì không thể thích ứng tại vị trí mới.

Chị Thanh cho biết: "Mất việc làm, tôi mất luôn thu nhập. Giờ dịch bệnh, xin việc làm mới rất khó khăn. Cũng may, tôi đi làm được 14 năm, thời gian đóng BHXH, đóng Bảo hiểm thất nghiệp cũng khá dài vì thế, đợt này nghỉ việc tôi làm thủ tục và đang được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp".

Tuy số tiền trợ cấp thất nghiệp của chị không cao, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng đây thực sự là "bà đỡ" giúp chị và gia đình vượt qua thời điểm khó khăn.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang vẫn nỗ lực giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cho lao động. Ảnh: TTDVVL Bắc Giang

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang vẫn nỗ lực giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cho lao động. Ảnh: TTDVVL Bắc Giang

Không chỉ được hỗ trợ giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp, chị Thanh còn được tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn giới thiệu để học nghề.

Ông Nguyễn Văn Huyên -Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang) cho biết: Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần hai năm qua đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do không xuất, nhập được hàng hóa đã bắt buộc phải cho người lao động tạm nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong giai đoạn khó khăn này, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp  đã góp phần giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Từ đầu tháng 7 đến nay, sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát trên địa bàn tỉnh, số lao động đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh rất đông. Trong hai tuần đầu tháng 7 đã có hơn 600 lao động mất việc đến làm thủ tục này. Ngoài việc xin hưởng trợ cấp, người lao động còn muốn tìm việc làm ổn định.

Ông Huyên cho biết, để hỗ trợ lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm đã đa dạng hóa cách thức hoạt động. Theo đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động có thể gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc khai báo trực tuyến.

Ví dụ như chị Tô Thị Loan, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) bị mất việc làm từ 10/3/2021. Trong thời gian huyện Lạng Giang thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, không thể ra khỏi nhà, chị đã làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến và đã nhanh chóng được nhận trợ cấp 4 tháng.

Giờ đây, mỗi lần khai báo tình trạng hằng tháng, chị Loan đều được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu một số công việc đang cần tuyển dụng. Nhất là sau giai đoạn tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của huyện Việt Yên đã khởi động trở lại, chị Loan hy vọng sẽ sớm tìm được việc làm mới.

Trong thời gian tới, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, tỉnh tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp giãn thời gian đóng BHXH vào quỹ tử tuất, hưu trí để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng tư vấn, giải quyết chế độ BHTN cho người lao động bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tiếp tục giám sát, kiểm tra không để đơn vị lợi dụng dịch bệnh, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động.

Ông Thân Đức Lại - Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang

Số lao động tham gia hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh có gần 6 nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền gần 88,8 tỷ đồng. Thời gian qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự trở thành điểm tựa giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong quá trình tìm việc làm mới. Số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng lên theo từng năm, nâng tổng số lao động tham gia hiện nay trên toàn tỉnh là hơn 253,9 nghìn người.

Mới đây, từ ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong số 12 chính sách hỗ trợ có 3 chính sách liên quan đến BHXH, bảo hiểm thất nghiệp  là: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Gần đây nhất Nghị quyết 68 và Quyết định 23 cũng đề cập cụ thể việc hỗ trợ trực tiếp cũng như gián tiếp với lao động thất nghiệp và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang tăng cường các phiên giao dịch việc làm online, kết nối nhiều tỉnh thành để tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: TTDVVL

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang tăng cường các phiên giao dịch việc làm online, kết nối nhiều tỉnh thành để tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: TTDVVL

Theo đó, lao động thất nghiệp, mất việc làm được tạo điều kiện để làm thủ tục online, hưởng chế độ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh thành.

"Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp , chúng tôi thấy rằng một số công ty, chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng vì đang nợ BHXH nên lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này gây bất lợi lớn cho người lao động", ông Huyên nói.

Bên cạnh đó, một số lao động có khai báo không trung thực về tình trạng việc làm khi làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có những trường hợp chỉ muốn hưởng trợ cấp mà chưa muốn quay lại thị trường lao động, chưa mặn mà với việc được hỗ trợ học nghề.

Dịch Covid -19 có thể còn diễn biến phức tạp, chính bởi vậy Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang; Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang phấn đấu sẽ nỗ lực để hỗ trợ nhiều nhất cho lao động mất việc làm, thất nghiệp. Đồng thời giữ việc việc làm, ổn định thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem