Bắc Giang: Lên kịch bản xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc gặp khó, sẽ chuyển hướng sang Mỹ

Khương Lực Thứ năm, ngày 31/03/2022 19:36 PM (GMT+7)
Trong 3 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tăng 23,63%. Nhờ sự bứt phá từ sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,92%.
Bình luận 0

Ngày 31/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ chủ yếu tháng 4 và quý II năm 2022. Tại hội nghị, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. 

Công nghiệp bứt phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Giang đạt 13,92% - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn (phải) chủ trì hội nghị thông tin báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ chủ yếu tháng 4 và quý II năm 2022. Ảnh: Khương Lực.

Công nghiệp bứt phá mạnh, tăng hơn 28%

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trong quý I/2022, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội. Kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 13,92%. Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,31%, công nghiệp - xây dựng tăng 19,32%, dịch vụ tăng 1,92%, thuế sản phẩm tăng 2,17%.

Sản suất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tăng 23,63% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng chung của tỉnh Bắc Giang. Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm đạt 107.907 tỷ đồng, tăng 28,2%.

Khu công nghiệp (KCN) trên dịa bàn tỉnh nhanh chóng được mở rộng, các KCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 28 KCN, trong đó có 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và 21 KCN đang gấp rút triển khai nhằm đẩy mạnh các thủ tục đầu tư, hỗ trợ, lựa chọn các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai, thực hiện các dự án liên quan đến đô thị, dịch vụ lớn trên địa bàn tỉnh.

"Hiện nay, các nhà đầu tư lớn, tên tuổi ở Việt Nam đã và đang khảo sát, tìm hiểu các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đô thị, dịch vụ, du lịch" - ông Phan Thế Tuấn nói và cho biết từ môi trường, hình ảnh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nên giá đất đai tăng cao, tạo ra nguồn thu khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng xảy ra hiện tượng sốt đất ảo, bỏ cọc sau đấu thầu - khoảng 1.400 lô đất hủy bỏ. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát tổng thể quy trình, thủ tục đấu giá, chuyển nhượng tài sản, công tác giám sát đấu giá cũng như khắc phục tình trạng sốt đất ảo. 

Trong 3 tháng đầu năm, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đều có tăng trưởng khá, trong đó ngành thủy sản tăng 2,97%, lâm nghiệp tăng 3,88%, nông nghiệp tăng 0,97%. Ngành dịch vụ dù còn nhiều khó khăn, nhưng đang từng bước phục hồi. 

Nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Một trong những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp Bắc Giang trong những tháng đầu năm 2022 là giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.

Công nghiệp bứt phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Giang đạt 13,92% - Ảnh 3.

Niên vụ vải thiều năm 2022, Bắc Giang có kế hoạch sản xuất với diện tích ổn định 28.300ha với sản lượng dự kiến đạt 160.000 tấn

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, sản lượng vải thiều dự kiến đạt hơn 160.000 tấn, dự kiến thu hoạch từ ngày 15/5 đến 30/7/2022. Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xúc tiến, tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là chuẩn bị đưa vải thiều sang thị tường Mỹ. 

"Dự kiến ngày 18/5 sẽ xuất hành chuyến xe xuất khẩu vải thiều sớm Tân Yên đầu tiên xuất sang thị trường Mỹ, sau đó sẽ mở rộng đến thị trường Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Dubai…" - ông Toản nói. Đối với thị trường Trung Quốc, cùng với việc nắm bắt thông tin thường xuyên tại các cửa khẩu, cùng với việc đổi contenner chở vải thiều nhằm tránh tiếp xúc giữa các lái xe, tỉnh Bắc Giang còn lên phương án vận chuyển vải sang Trung Quốc bằng được sắt.

Liên quan tới vấn đề tiêu thụ vải thiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định, thành công trong tiêu thụ vải thiều năm 2021 có vai trò to lớn của cơ quan truyền thông. Năm nay, tỉnh đã xây dựng kịch bản cho tiêu thụ vải thiều, mục tiêu chính là tiêu thụ thị trường trong nước và một phần xuất khẩu.

Theo ông Tuấn, hiện nay thị trường tiêu thụ vải thiều trong nước chiếm khoảng 50%, thị trường Trung Quốc từ 35-40%, còn lại là các thị trường khác từ 15-20%. Trường hợp tiêu thụ vải sang Trung Quốc không được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang sẽ tính tới phương án tăng cường sấy vải khô nhằm đảm bảo tiêu thụ và mang lại lợi nhuận cho người dân trồng vải.

Chính vì thế, ông Tuấn đề nghị cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành ủng hộ, truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Đề nghị các ngành, địa phương chủ động phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin để cơ quan báo chí kịp thời tuyên truyền, bảo đảm tính thời sự, khách quan, minh bạch, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của tỉnh Bắc Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Xảy ra 13 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, trong quý I/2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra 13 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội zalo, face book. Thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng giả danh công ty tài chính, cán bộ ngân hàng, nhân viên tuyển dụng nhân sự… yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt.

Gần đây, một số đối tượng giả danh lãnh đạo dùng thủ đoạn nhắn tin vay, mượn tiền cấp dưới qua hình thức chuyển khoản. Bước đầu, Công an tỉnh đã xử lý một trường hợp đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý nghiêm tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đơn vị sẽ siết chặt quản lý thông tin cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ nhà mạng, kiên quyết loại bỏ sim rác. Phối hợp với ngành chức năng thiết lập hồ sơ, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật An ninh mạng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem