Bắc Giang: Nông dân thích thú trồng cây ba kích củ xoắn như chùm dây thừng có tác dụng bổ thận tráng dương

Thu Hà Thứ ba, ngày 24/11/2020 09:45 AM (GMT+7)
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội ND tỉnh Bắc Giang, nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện Sơn Động đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ loại cây dược liệu quý - cây ba kích có tác dụng bổ thận tráng dương nếu dùng đúng cách, đúng chỉ dẫn.
Bình luận 0

Hỗ trợ nông dân trồng cây ba kích

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Huyện Sơn Động có điều kiện khí hậu thời tiết mát quanh năm, lượng mưa, nhiệt độ, ánh sáng rất thuận lợi cho việc trồng cây dược liệu, đặc biệt là cây ba kích có tác dụng bổ thận tráng dương.

Tuy nhiên, từ trước người dân vẫn chưa quy hoạch vùng sản xuất cây dược liệu tập trung mà chủ yếu là tự phát quanh nhà hoặc mọc hoang trên núi, nên diện tích và quy mô vẫn nhỏ lẻ manh mún; mặt khác, trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc miền núi còn thấp.

Hội làm dự án, hội viên trồng ba kích khám khá - Ảnh 1.

Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Giang và ông Nguyễn Hải Đính - hộ dân trồng ba kích giới thiệu gốc ba kích 3 năm tuổi tại một hội thảo do T.Ư Hội NDVN tổ chức vào đầu tháng 11/2020 vừa qua. Ảnh: Thu Hà

Thời gian tới, Hội ND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Sơn Động sẽ tiếp tục hỗ trợ giống ba kích tím giúp bà con mở rộng diện tích canh tác. Riêng Hội ND tỉnh đang tập trung vốn xây dựng vườn ươm giống cây ba kích quy mô 25.000 cây/lứa. Qua đó, bảo đảm cung cấp nguồn giống đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhằm hỗ trợ các hộ nông dân phát triển mô hình trồng cây ba kích, năm 2014, 2015, Hội ND tỉnh Bắc Giang đã triển khai đề tài "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích tím dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại xã Tây Yên Tử, huyện Sơn Động". Kết quả bước đầu tỷ lệ sống đạt trên 80%, năng suất trung bình đạt 1,5kg củ tươi/gốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ kết quả trên, năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt cho Hội ND tỉnh thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang". Thời gian thực hiện dự án là 3 năm, từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2020.

Cùng đó, UBND huyện Sơn Động ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Theo đó, huyện Sơn Động phấn đấu đến năm 2020 trồng 30ha loại cây dược liệu quý có tác dụng bổ thận tráng dương này.

"Đến nay, chỉ tính riêng dự án của Hội ND tỉnh Bắc Giang đã mở rộng thêm 5ha tại xã Thanh Luận, thị trấn Thanh Sơn. Để tiếp tục phát triển mô hình trồng cây ba kích tím, Hội ND tỉnh phối hợp UBND huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; định hướng chuyển đổi canh tác đối với diện tích đất phù hợp.

"Đặc biệt, tại xã Thanh Luận, Hội ND tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thành lập hợp tác xã trồng ba kích tím, với 17 thành viên. Tại đây, mọi người trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, giống, vốn; đồng thời nhân rộng diện tích lên 6ha"- ông Đoàn phấn khởi cho biết.

Trồng cây ba kích-nhiều nông dân có thu nhập cao

Mô hình trồng cây ba kích tím tại huyện Sơn Động đã giúp bà con vùng cao có thu nhập khá, từng bước thoát nghèo và làm giàu. Nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn huyện Sơn Động đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ từ loại cây dược liệu quý có tác dụng bổ thận tráng dương này.

Hộ ông Lã Văn Quang (thôn Đồng Chu, xã Yên Định) là một trong những điển hình về việc này. Năm 2011, ông được Hội ND tỉnh chọn tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả. 

Theo đó, ông được Hội ND tỉnh hỗ trợ gần 2.000 cây giống; đồng thời hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Số giống này ông trồng trên 0,5ha đất đồi. Cây hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên tỷ lệ sống đạt cao, sinh trưởng, phát triển tốt. 

Hơn 2 năm sau, ông Quang thu hoạch, bán được 80 triệu đồng. Cũng chính từ đây, ông đã giâm hom mở rộng diện tích ba kích lên 3ha. Thấy vậy, nhiều người đến học tập kinh nghiệm, xin hoặc mua giống về trồng. Hiện gia đình nào ở thôn Đồng Chu cũng có giống dược liệu này.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hải Đính (thôn Thanh Bình, xã Thanh Luận) cũng có của ăn của để nhờ trồng ba kích. 

Ông Đính phấn khởi cho biết: "Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội ND tỉnh Bắc Giang, tôi chuyển đổi 1ha trồng vải kém hiệu quả sang trồng ba kích. Đến năm nay, vườn ba kích được 3 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch khoảng 4.000 gốc, bình quân mỗi gốc ba kích thu được 3 -3,5 kg. Với giá bán tại vườn từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng...".

Bằng số vốn này, ông Đính tiếp tục đầu tư vườn ươm cây con để bảo đảm nguồn cây ba kích giống chất lượng cho sản xuất của gia đình vừa cung cấp cho người dân trong, ngoài huyện Sơn Động.

Theo ông Lã Văn Đoàn, bên cạnh những thuận lợi trên, ba kích tím Sơn Động vẫn gặp những khó khăn trở ngại cần khắc phục, như chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu là tiêu thụ tự do. Vì vậy, để sản phẩm có đầu ra ổn định, UBND huyện cùng với Hội ND tỉnh đang tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm và ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem