Bắc Giang: Thu hơn 6 tỷ/năm từ bán mật ong rừng, nông dân huyện miền núi này khấm khá hẳn lên

Bình Minh Thứ ba, ngày 30/11/2021 14:41 PM (GMT+7)
Hợp tác xã ong mật hữu cơ Sơn Động (huyện Sơn Động, Bắc Giang) được thành lập 2014 với chỉ 29 thành viên thì đến nay đã tăng lên có 44. Năm 2020, lượng mật thu được đạt 120 tấn, doanh thu đạt 6,5 tỷ đồng. Thu nhập của thành viên bình quân 3-5 triệu đồng/tháng, cá biệt có thành viên thu 10 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

Doanh thu của HTX năm 2020 đạt 6,5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc HTX ong mật hữu cơ Sơn Động chia sẻ với Dân Việt: "Những giọt mật ong vàng sánh, thơm ngọt là món quà của thiên nhiên dành tặng cho người dân huyện Sơn Động". Tuy nhiên trước đây, dù được coi là một đặc sản của địa phương nhưng mật ong chưa đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Kể từ khi HTX ong mật hữu cơ Sơn Động được thành lập năm 2014 tại xã Tuấn Đạo, các thành viên HTX yên tâm, không còn lo đầu ra bấp bênh, bị thương lái ép giá và giá trị cũng từng bước được nâng cao.

HTX ong mật hữu cơ Sơn Động thành lập ngày năm 2014 với 29 thành viên. Đến nay, đã phát triển lên 44 thành viên, với 5.500 đàn ong, chiếm 40% tổng số đàn ong của toàn huyện. Với điều kiện khí hậu, thời tiết, môi trường rừng, nước thuận lợi là yếu tố cực kỳ quan trọng cho ngành nghề của HTX phát huy và phát triển.

Bắc Giang: Thu hơn 6 tỷ/năm từ bán mật ong rừng, nông dân huyện miền núi này khấm khá hẳn lên  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Minh (trái), Giám đốc HTX ong mật hữu cơ Sơn Động (Bắc Giang) hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho thành viên HTX. Ảnh: B.Minh

Ông Minh cho biết, nuôi ong hữu cơ là mô hình mà trong quá trình nuôi không sử dụng chất cấm hoặc các chất không có nguồn gốc tự nhiên, bảo đảm độ tinh khiết.

Hiện nay, 100% đàn ong trên địa bàn xã Tuấn Đạo nuôi theo hướng hữu cơ, chất lượng mật ổn định, thơm ngon, bán được giá, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Các loại hoa chủ yếu được lấy mật như lim, dẻ…

Thời gian lấy mật cũng tùy thời điểm, thường là từ tháng 2 tới tháng 5. Nếu thời tiết không thuận lợi, chúng tôi không thu hoạch để duy trì đàn ong "ngủ đông".

Từ khi thành lập HTX, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì HTX cũng gặp không ít khó khăn như: nhận thức của người dân khi tham gia HTX chưa đồng đều, chưa thấy những yếu tố tích cực thuận lợi của HTX kiểu mới so với HTX kiểu cũ, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX chưa đáp ứng được yêu cầu luật HTX đề ra.

Nhưng với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi, trao đổi kinh nghiệm kết hợp kiến thức được tập huấn với kinh nghiệm thực tiễn nuôi ong lấy mật của cha ông từ ngàn đời xưa đã thu được một số kết quả bước đầu đáng phấn khởi.

Bắc Giang: Thu hơn 6 tỷ/năm từ bán mật ong rừng, nông dân huyện miền núi này khấm khá hẳn lên  - Ảnh 2.

Tháng 11/2021, sản phẩm mật ong rừng của HTX ong mật hữu cơ Sơn Động được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Sơn Động đánh giá là sản phẩm OCOP đạt 3. Ảnh: B.Minh

Trải qua 7 năm thành lập, số lượng thành viên của HTX cũng như số lượng đàn ong không ngừng được tăng lên. Để có được đàn ong khỏe mạnh, cho sản phẩm mật đảm bảo chất lượng, an toàn, tất cả những đàn ong đều được các hộ gia đình tuyển chọn kỹ, số lượng ong nội chiếm 80%, ong ngoại chiếm 20% tổng đàn. Năm 2020, lượng mật thu được đạt 120 tấn, doanh thu đạt 6,5 tỷ đồng. Thu nhập của thành viên bình quân 3-5 triệu đồng/tháng, cá biệt có thành viên thu 10 triệu đồng/tháng.

Để hỗ trợ các hộ dân giảm nghèo, phát triển kinh tế, HTX đã cấp bán gần 1.000 đàn ong giống cho những hộ dân trong huyện thuộc dự án chương trình mục tiêu quốc gia và dự án xây dựng mô hình hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số nuôi ong bản địa để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững do Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện Sơn Động và Ban dân tộc tỉnh Bắc Giang đầu tư.

Mật ong rừng Sơn Động đạt OCOP 3 sao

Nhờ sản xuất khoa học, năm 2015, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể "Mật ong rừng Sơn Động". Bên cạnh đó, được cấp sử dụng mã số, mã vạch và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã phối hợp với huyện tổ chức dạy nghề nuôi ong cho gần 1.000 hộ dân trong huyện.

Và tháng 11/2021, sản phẩm mật ong rừng Sơn Động của HTX được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Sơn Động đánh giá là sản phẩm OCOP đạt 3.

Bắc Giang: Thu hơn 6 tỷ/năm từ bán mật ong rừng, nông dân huyện miền núi này khấm khá hẳn lên  - Ảnh 3.

Nhờ nuôi ong mật hữu cơ, thu nhập của thành viên HTX ong mật hữu cơ Sơn Động bình quân 3-5 triệu đồng/tháng, cá biệt có thành viên thu 10 triệu đồng/tháng. Ảnh: B.Minh

Từ những kết quả trên cho thấy rằng, trong sản xuất nông nghiệp HTX có vai trò là "bà đỡ" cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Không những góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà hoạt động của HTX còn gắn với quá trình triển khai thực hiện những chương trình, dự án phát triển cộng đồng, như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, dạy nghề...góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HTX còn hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một phần do cơ chế chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, trình độ quản lý, sự tiếp cận khoa học kỹ thuật còn chậm. Mặt khác vốn để đầu tư cơ sở vật chất còn khó khăn.

Do đó để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiến tới xây dựng các HTX nông nghiệp kiểu mới trong toàn huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về Luật HTX năm 2012; Nghị định 193 và Nghị định 107 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX. Tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ưu đãi, phát triển HTX.

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động trong những năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, HTX góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình, đáp ứng yêu cầu phong phú của đời sống cộng đồng. Chính vì vậy HTX có vai trò rất lớn trong thời kỳ hội nhập, đối với sự phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc HTX ong mật hữu cơ Sơn Động chia sẻ: "HTX giúp những người lao động, những người sản xuất nhỏ tự nguyện tập hợp nhau lại để giải quyết có hiệu quả những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống của họ đủ sức cạnh tranh trong điều kiện của kinh tế thị trường góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chia sẻ thông tin, kiến thức; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thông tin thị trường cho người dân, giúp người nông dân có giá bán tốt hơn so với những người nông dân hoạt động đơn độc".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem