Bắc Giang: Trồng cây đặc sản có củ dài ngoằng, cứ 1ha trồng nông dân miền núi kiếm tiền tỷ không khó

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 17/11/2021 18:50 PM (GMT+7)
Với sự đồng hành của Hội Nông dân, nông dân Sơn Động (Bắc Giang) đã mạnh dạn xây dựng các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao như: trồng cây đặc sản ba kích tím, nấm lim xanh; nuôi con đặc sản dúi, ong mật …góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Ông Lương Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Động cho biết: Với điều kiện tự nhiên đặc thù, Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Trong đó, mô hình trồng cây dược liệu ba kích tím đã giúp bà con nơi đây có thu nhập khá, từng bước thoát nghèo và làm giàu, góp phầm sớm về đích nông thôn mới.

Bắc Giang: Trồng cây đặc sản có củ dài ngoằng, cứ 1ha trồng nông dân miền núi kiếm tiền tỷ không khó - Ảnh 1.

Một gốc ba kích tím 4 năm tuổi của HTX Ba kích tím Tây Yên Tử Thanh Luận, Sơn Động. Ảnh: HND Bắc Giang

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) ba kích tím Tây Yên Tử, xã Thanh Luận được Hội Nông dân thành lập năm 2019 với 7 thành viên. Các thành viên HTX tham gia trồng ba kích tím với diện tích 5ha. Sản lượng ước tính sau 5 năm đạt 6,5-8,5 tấn/ha, cho thu nhập từ 0,9 – 1,2 tỷ/ha/chu kỳ 5 năm. Hiện tại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân HTX đã xây dựng được nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và bao bì sản phẩm.

Bắc Giang: Trồng cây đặc sản có củ dài ngoằng, cứ 1ha trồng nông dân miền núi kiếm tiền tỷ không khó - Ảnh 2.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (thứ 3 bên trái) thăm mô hình trồng ba kích tím của HTX Ba kích tím Tây Yên Tử Thanh Luận, Sơn Động. Ảnh HND Bắc Giang

Ông Nguyễn Hải Đính – thành viên HTX ba kích tím Tây Yên Tử cho biết: Năm 2017, ông được được Hội ND tỉnh Bắc Giang chọn tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Đến năm nay, vườn ba kích được 4 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch khoảng 4.000 gốc, bình quân mỗi gốc ba kích thu được 3-4 kg. Với giá bán tại vườn từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng...

Cùng mô hình trồng cây dược liệu, huyện Sơn Động còn có mô hình nuôi con đặc sản cũng thu hút nhiều người đến xem.

Đó là trang trại nuôi dúi của anh Hoàng Văn Hơn (SN 1981) ở thôn Đồng Hả, xã Yên Định. Anh Hơn cho biết: Cách đây vài năm, trong một lần, anh Hơn bắt được vài con dúi rừng. Thay vì làm thịt, anh giữ lại nuôi thử. Thấy loài vật này sinh trưởng, phát triển tốt, anh tìm hiểu rồi mua thêm 50 cặp dúi về nhân giống.

Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, tiêm phòng đầy đủ và đầu tư chuồng nuôi bài bản, đàn dúi phát triển tốt. Hiện anh sở hữu hơn 200 con.

"Đây là động vật hoang dã, ít bệnh tật; thịt thơm, ngọt. Để được nuôi, tôi báo cáo chính quyền địa phương và làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp phép", anh Hơn chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huuện Sơn Động: Trong nửa nhiệm kỳ này (2018-2023), Hội Nông dân huyện tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Hội hướng mạnh về cơ sở, chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình. Nông dân Sơn Động đã mạnh dạn xây dựng các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao như: trồng các cây đặc sản như: ba kích tím, ngải đài loan, nấm lim xanh; nuôi con đặc sản dúi, ong mật…

"Phát huy lợi thế, nông dân mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình nhân giống, gây nuôi cây đặc sản, con đặc sản, vừa giúp bảo vệ nguồn gen quý, vừa tăng thu nhập cho bà con. Từ đó tạo nên những sản phẩm đặc trưng, tạo đà cho người nông dân Sơn Động bứt lên làm giàu", ông Lương Ngọc Duy- Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết.

Theo báo cáo Hội Nông dân huyện Sơn Động: Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân huyện khoá X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, công tác hội và phong trào nông dân phát triển khá toàn diện, vững chắc, cơ bản. Các chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết đại hội đề ra.

Trong đó, công tác xây dựng tổ chức Hội tiếp tục củng cố và phát triển. Cụ thể: Trong 3 năm, các cấp Hội Nông dân đã kết nạp được hơn 700 hội viên mới, nâng tổng số hội viên nông dân toàn huyện Sơn Động lên trên 12.315 hội viên; xây dựng quỹ hội tăng trưởng hằng năm từ 500 đến 700 triệu đồng

6 tháng đầu năm 2021 tuy bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng công tác Hội và phong trào nông dân vẫn tiếp tục duy trì và có bước phát triển mới. Hội Nông dân huyện Sơn Động đã tổ chức các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở.

Nông dân tham gia trồng mới 60ha rừng sản xuất, trên 12.000 cây phân tán. Có hơn 2 nghìn hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2021.

Hội cũng triển khai cho 10 hội viên vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền 500 triệu đồng; nhận ủy thác với các ngân hàng hơn 546 tỷ đồng, với 3.867 hộ vay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem