Bạc Liêu: Trồng giống lúa này, nông dân khỏi lo phải đi bán vì có doanh nghiệp mua hết

Chúc Ly - Tùng Lâm Thứ sáu, ngày 11/12/2020 09:00 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở Bạc Liêu cho rằng, đặc tính nông học của cây lúa ST24, ST25 khá phù hợp với vùng đất Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, nhất là những ruộng lúa nằm trong vùng chuyển đổi tôm - lúa. Lúa làm ra lại có doanh nghiệp mua hết nên ai nấy đều rất yên tâm.
Bình luận 0

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng NNPTNT huyện Hồng Dân, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình, huyện Phước Long và thị xã Giá Rai tổ chức hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa ST24 và ST25 ở vùng Bắc Quốc lộ 1A.

Hội thảo đã có gần 100 nông dân và cán bộ kỹ thuật của 5 huyện, thị xã trong tỉnh về dự. 

Làm giống lúa này, nông dân Bạc Liêu không lo đầu ra vì đã có doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 1.

Hội thảo đầu bờ, thăm đồng tại ruộng sản xuất giống lúa ST24, ST25 của Hợp tác xã Thành Lập, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân. Ảnh: TL.

Theo đó, trong vụ Hè thu năm 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án phát triển mô hình Canh tác thí điểm giống lúa ST24, ST25 trên vùng sản xuất lúa tôm tại 5 huyện, thị xã trong tỉnh, với quy mô 60ha. Mô hình thí điểm được thực hiện tại huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, huyện Hồng Dân và thị xã Giá Rai.

Các hộ dân tham gia sản xuất thí điểm 2 giống lúa ST24, ST25 ở các địa phương được hỗ trợ 50% lúa giống, vật tư trị giá hơn 2,2 triệu đồng, bao gồm: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mức hỗ trợ tối đa là 1ha/hộ.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng tổ chức 5 lớp tập huấn có hơn 150 nông dân sản xuất giỏi của các huyện, thị xã tham gia làm nòng cốt, nắm bắt về quy trình kỹ canh tác lúa ST24, ST25. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện, thị xã mời gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia hội thảo đối thoại cùng nông dân, để thực hiện dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa cho nông dân.

Làm giống lúa này, nông dân Bạc Liêu không lo đầu ra vì đã có doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 2.

Hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa ST24 và ST25 ở vùng Bắc Quốc lộ 1A. Ảnh: TL.

Trong vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa bình quân của các ruộng lúa nằm trong vùng thí điểm đạt từ 4,5 tấn/ha trở lên, có một số hộ đạt năng suất hơn 6,6 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân đạt 13 triệu đồng/ha, nên nông dân tham gia sản xuất thí điểm ở các địa phương rất phấn khởi.

Nông dân Hàng Thanh Tươi, ngụ ấp Trẹm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, cho rằng: "So với các giống lúa địa phương thì giống lúa này (ST24, ST25) phát triển mạnh hơn nhiều. Đầu ra của lúa đã có các doanh nghiệp bao tiêu, cộng với việc hỗ trợ kỹ thuật từ các cán bộ khiến nông dân rất yên tâm sản xuất".

"Đối với vùng lúa tôm, khi sản xuất 2 giống lúa này chúng tôi có nhiều lợi thế, bởi sử dụng phân và giống ít hơn. Trong khi đó, lúa phát triển vẫn rất tốt", ông Lê Việt Thắng (ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) nói về ưu thế khi sản xuất lúa ST24, ST25 ở vùng lúa tôm.

Làm giống lúa này, nông dân Bạc Liêu không lo đầu ra vì đã có doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham quan khu gieo trồng thực nghiệm của doanh nghiệp Hồ Quang. Ảnh: NH.

Hầu hết nông dân tham gia hội thảo cho rằng đặc tính nông học của cây lúa ST24, ST25 là khá phù hợp với đồng đất Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, nhất là những ruộng lúa nằm trong vùng chuyển đổi tôm - lúa.

Đồng thời, bà con cũng kiến nghị, đây vẫn còn là một giống lúa mới nên trong quá trình canh tác rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó là tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được ký kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra, giúp bà con yên tâm sản xuất trong thời gian tới.

Ngoài ra, vụ lúa mùa 2020 - 2021 này, riêng huyện Hồng Dân đã xuống giống hơn 1.500ha lúa ST24, ST25 theo Dự án phân bổ của tỉnh, mô hình sản xuất có liên kết bao tiêu sau thu hoạch.

Hiện trà lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng và sinh trưởng, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, tình hình thời tiết và sâu bệnh ở trà lúa mùa cũng diễn biến khá phức tạp, vì vậy nông dân yêu cầu ngành chuyên môn thường xuyên thông báo tình hình dịch hại, để nông dân chủ động phòng, trừ hiệu quả và bảo vệ trà lúa phát triển tốt.

Trước đó, tại buổi làm việc với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa chất lượng cao tỉnh Sóc Trăng, ông Dương Thành Trung – nguyên Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu khẳng định: "Bạc Liêu có kinh nghiệm trong sản xuất mô hình lúa - tôm. Tỉnh hiện có đến 60.000ha diện tích lúa - tôm đủ khả năng sản xuất lớn cho cây lúa ST24, ST25. Giống lúa ST24, ST25 vừa có năng suất, chất lượng, thương hiệu sẽ giúp cho người dân khá lên thật sự từ trồng lúa".

Trong khi đó, ông Hồ Quang Cua cũng nhận định giống lúa ST24, ST25 thích hợp tại vùng đất lúa – tôm, chính vì vậy khả năng phát triển tại vùng đất Bạc Liêu, Cà Mau là thích hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem