Bắc Ninh: Ai đã “làm ngơ” để 96 hộ, doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở làng giấy Phong Khê?

Khương Lực Thứ ba, ngày 14/09/2021 15:00 PM (GMT+7)
Như Dân Việt đã thông tin, ở phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hiện có tới 179 cơ sở nằm trong khu dân cư, trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh. Các cơ sở này đã tồn tại và duy trì hoạt động trong thời gian dài dù chưa được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bắc Ninh cho phép.
Bình luận 0

Nhà máy giấy vô tư "mọc" trên đất nông nghiệp!?

Ở phường Phong Khê, việc xây dựng dây chuyền sản xuất giấy rộng cả nghìn mét vuông với hàng chục tỷ đồng trong khu dân cư hay trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh diễn ra phổ biến và kéo dài trong nhiều năm qua. 

Đơn cử, trong tổng số 297 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy ở Phong Khêthì có tới 197 cơ sở nằm trong khu dân cư, trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh.

Bắc Ninh: Ai đã “làm ngơ” để doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở làng giấy Phong Khê? - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Phương, ở khu Dương Ổ, phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đầu tư hệ thống xử lý nước thải trên đất nông nghiệp với mong muốn cơ sở sớm được cho phép hoạt động trở lại. Ảnh: Khương Lực.

Bắc Ninh: Ai đã “làm ngơ” để doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở làng giấy Phong Khê? - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất đã bị han rỉ do ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Ảnh: Khương Lực.

Cụ thể, có 82 cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư, 96 cơ sở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh (đất nông nghiệp: 70 cơ sở, đất thủy lợi: 20 cơ sở và đất cây xanh: 6 cơ sở). Đây là những cơ sở chưa được cấp có thẩm quyền của tỉnh Bắc Ninh cho phép. Vì thế, tất cả các cơ sở này đang bị dừng hoạt động.

Là 1 trong 96 cơ sở sản xuất giấy xây dựng trên đất nông nghiệp, ông Ngô Văn Tiến, đại diện Công ty TNHH Tiến Tú ở khu Dương Ổ, phường Phong Khê cho biết, công ty đã đầu tư chuyền sản xuất giấy công xuất 20 tấn/ngày đêm với tổng vốn khoảng 15-20 tỷ đồng trên đất nông nghiệp ở xứ Đồng Ngòi từ 12 năm trước.

"Cơ sở tạo công ăn việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng" - ông Tiến nói và cho biết, để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, ông vừa mới góp vốn cùng 4 cơ sở để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với mong muốn doanh nghiệp sớm được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép hoạt động trở lại.

Cách Công ty TNHH Tiến Tú không xa, toàn bộ dây chuyền sản xuất giấy và hệ thống xử lý nước thải của gia đình ông Ngô Văn Phương đều được xây dựng trên đất nông nghiệp. Theo lý giải của ông Phương, do việc sản xuất giấy ở trong nhà chật chội trong khi đất nông nghiệp lại không cấy hái, canh tác được nên bà con trong làng cứ theo nhau ra đồng làm… xưởng để sản xuất, kinh doanh giấy.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê cho biết: "Sau 3 tháng dừng sản xuất, người dân đã đầu tư một khoản tiền rất lớn cho câu chuyện khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo số liệu báo cáo của các tổ tự quản, tổng cộng đã có trên 1.600 tỷ đồng phục vụ cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải, rác thải và trật tự đô thị".

Với hơn 1.600 tỷ đồng đầu tư khắc phục môi trường là một con số rất lớn. Trong số đó có không ít hệ thống xử lý môi trường được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh.

Việc để nở rộ đầu tư, xây dựng những công trình xử lý nước thải trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đất cây xanh đang đặt ra một bài toán khó giải đối với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng như các sở ngành và địa phương, đó là: sẽ khôi phục hiện trạng sử dụng đất ban đầu theo quy định của pháp luật hay tiếp tục cho phép các cơ sở này tồn tại và duy trì hoạt động trái quy định của pháp luật?

Theo Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), việc 96 cơ sở sản xuất giấy xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh ở phường Phong Khê cần phải được xử lý nghiêm minh, đó là: Khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất ban đầu.

Động thái xử lý nghiêm khắc, đúng các quy định của pháp luật có liên quan kể trên được đánh giá sẽ  ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp do bị dừng hoạt động. Thậm chí, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh bên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, trường hợp UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép các cơ sở sản xuất giấy này tồn tại thì sẽ thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật có liên quan. Đặc biệt, việc cho phép các cơ sở này được phép hoạt động liệu có tiếp tục tạo ra những sai phạm nghiêm trọng về đất đai, gây mất công bằng và nhiều hệ lụy khác hay không?

Không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả

Trong kết luận thanh tra các cơ sở sản xuất kinh doanh tại CCN Phong Khê (giai đoạn 1), TP. Bắc Ninh (kết luận số 2675/KL-UBND ngày 11/8/2017), UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ rõ 11 tổ chức, hộ gia đình xây dựng trên đất nông nghiệp ven CCN Phong Khê I.

Cụ thể, trong quá trình thanh tra Đoàn thanh tra đã phát hiện một số hộ dân tự ý xây dựng công trình không phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. 

Đoàn thanh tra đã chủ động nhiều lần nhắc nhở và tư vấn biện pháp xử lý đến các đồng chí lãnh đạo phường nhưng UBND phường Phong Khê không có biện pháp xử lý kiên quyết vẫn để các hộ dân tự ý xây dựng không phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

"Đến nay, các công trình vi phạm đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trách nhiệm thuộc cấp ủy, chính quyền và cá nhân cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phường Phong Khê phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với các vi phạm nêu trên" – kết luận thanh tra xác định.

Bắc Ninh: Ai đã “làm ngơ” để doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở làng giấy Phong Khê? - Ảnh 4.

Dây chuyền sản xuất giấy xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yên, CCN Phong Khê I. Ảnh: Khương Lực.

Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yên là một trong những doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ trước năm 2015. Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yên cho biết, xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp ven CCN Phong Khê I của công ty có diện tích hơn 1.000 m2.

Chắc chắn ở đâu cũng thế thôi, đã xây trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi được thì sẽ bị nhắc nhở. Nhưng làng nghề chật chội, nhà nào cũng thế.

Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Công ty TNHH giấy Kraft Phương Yến

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt: "Lúc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp doanh nghiệp có bị nhắc nhở, xử lý hay đến khi thanh tra mới đề xuất xử lý?", ông Hùng nói: "Chắc chắn ở đâu cũng thế thôi, đã xây trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi được thì sẽ bị nhắc nhở. Nhưng làng nghề chật chội, nhà nào cũng thế".

Theo ông Hùng, từ sau khi ban hành kết luận thanh tra đến nay chưa có yêu cầu xử lý gì. Trên diện tích hơn 1.000 m2, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất giấy khoảng 10-20 tỷ đồng và mới bỏ ra 1-2 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

"Tỉnh bảo chờ sang tháng 9/2021 có chủ trương thì cứ đầu tư, còn được chạy hay không lại tính sau. Trên địa bàn, người ta đầu tư thì mình đầu tư. Cả xã, cả phường đầu tư, mình không đầu tư không được" – ông Hùng nói.

Theo kết luận thanh tra số 2675/KL-UBND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao UBND TP. Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND phường Phong Khê yêu cầu 11 tổ chức, hộ gia đình vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tháo dỡ trả lại hiện trạng, theo quy định tại Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.

"Nếu các tổ chức, hộ gia đình không tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng thì UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UNND phường Phong Khê tổ chức cưỡng chế theo quy định" – kết luận nêu. 

Tuy nhiên, theo cập nhật về việc thực hiện kết luận thanh tra số 2675/KL-UBND của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cho thấy, đến nay chưa có trường hợp nào tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Bắc Ninh: Ai đã “làm ngơ” để doanh nghiệp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở làng giấy Phong Khê? - Ảnh 6.

Công ty TNHH Nhất Hảo tại CNN Phong Khê I tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm đất thủy lợi. Ảnh: Khương Lực.

Đáng chú ý, trong quá trình tìm hiểu, phóng viên Dân Việt phát hiện trường hợp Công ty TNHH giấy Nhất Hảo ở CCN Phong Khê II và một số cơ sở khác đã được UBND TP. Bắc Ninh "điểm mặt" trong danh sách các cơ sở sản xuất giấy xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi và đất cây xanh, nhưng vẫn được nộp hồ sơ về môi trường để được vận hành thử nghiệm.

Tại công văn số 2511/UBND-NN.TN ngày 12/8, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép Công ty TNHH Nhất Hảo tại CCN Phong Khê II, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh thực hiện nộp hồ sơ liên quan đến thủ tục về môi trường.

Tuy nhiên, khi có mặt tại Công ty TNHH Nhất Hảo tại CNN Phong Khê II, phóng viên Dân Việt trực tiếp chứng kiến hình ảnh công ty này đang cho người tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm đất thủy lợi. "Đối với Công ty TNHH Nhất Hảo, nội dung này UBND thành phố đang rà soát lại toàn bộ" - ông Nguyễn Hà nói và cho biết nguồn gốc đất của công ty là đất thủy lợi, đất cây xanh.

"Đối với vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang cây xanh, công trình thủy lợi, đường giao thông tới đây thành phố Bắc Ninh sẽ trình xin ý kiến UBND tỉnh xem lộ trình để đóng cửa các doanh nghiệp vi phạm" - ông Hà chia sẻ.

Ngừng sản xuất, máy móc sẽ trở thành sắt vụn!

Tại CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hiện có 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động (26 cơ sở sản xuất giấy, 3 cơ sở bán hơi và 3 cơ sở tái chế nhựa); trong đó có 9 cơ sở không thuộc quy hoạch của CCN Phú Lâm.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tiên Du, ngày 2/7/2021, UBND huyện Tiên Du ban hành văn bản số 1066/UBND-TNMT về việc yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh tự tháo dỡ tài sản, công trình trên đất vi phạm, tuy nhiên đến nay các cơ sở chưa thực hiện việc tháo dỡ.

Thực hiện văn bản này, sau ngày 25/7/2021 các cơ sở không thực hiện việc tự tháo dỡ thì UBND huyện tiến hành cưỡng chế tháo dỡ, di dời tài sản. Tuy nhiên, để thực hiện cưỡng chế các cơ sở sản xuất ngoài CCN vi phạm lấn chiếm đất đai gặp một số khó khăn.

Cụ thể, các cơ sở đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất với hệ thống máy móc chuyên ngành giấy, chi phí rất lớn. Nếu ngừng sản xuất sẽ không sử dụng máy móc được vào ngành nghề khác, sẽ trở thành sắt vụn.

Hơn nữa, việc tháo dỡ tài sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của các cơ sở sản xuất kinh doanh (không có tiền trả nợ ngân hàng do đã thế chấp máy móc, nhà xưởng…) và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các lao động đang làm việc tại cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi vi phạm quy định về đất đai, xây dựng xảy ra ở nhiều địa phương trong đó có Bắc Ninh. Qua những con số thống kê vi phạm đất đai ở TP Bắc Ninh cho thấy, có rất nhiều hộ kinh doanh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm quy định về trật tự xây dựng đến nay vẫn chưa được xem xét xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Theo quy định của pháp luật thì người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất không tuân thủ các quy định của luật đất đai. Hành vi san lấp, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích có thể bị thu hồi đất và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật sư Cường cũng cho rằng, nếu không xử lý nghiêm mà để cho các cơ sở này được phép tồn tại chỉ vì lợi ích của một số doanh nghiệp sẽ tạo thành tiền lệ xấu, để lại hậu quả đáng tiếc trong việc thực thi pháp luật và đất đai. Thậm chí, nếu ai đó cho phép các cơ sở vi phạm này được tồn tại cũng là... vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem