Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới lúa, rau màu lên xanh mướt mà ăn rất giòn

Khương Lực Thứ sáu, ngày 18/09/2020 13:00 PM (GMT+7)
Từ rác thải hữu cơ phải mất tiền để đốt bỏ hoặc đem đi chôn lấp đã được các hội viên Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tận dụng, chế thành phân, thuốc sinh học để tưới, bón cho các đường hoa, ruộng lúa, rau màu. Cách làm này không chỉ làm giảm ô nhiễm mà còn giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ năm 2018 đến nay Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai, hướng dẫn cho hội viên phụ nữ phân loại rác thải và xử lý rác hữu cơ bằng công nghệ vi sinh vật bản địa (IMO).

Hiện, mô hình này được mở rộng ra tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó huyện Gia Bình là đơn vị tập trung làm nhiều nhất, triển khai có sự phối kết hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Những người biến rác thành tiền

Thay vì vứt chung các loại rác thải chờ người đến thu gom đem đến đổ tại điểm tập kết rác của thôn, bà Hoàng Thị Thúy thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú (Gia Bình, Bắc Ninh) phân loại rác ngay từ đầu thành rác hữu cơ và rác vô cơ.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hợp - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Cối, xã Đại Xuân (Quế Võ) xử lý rác thải thành phân, thuốc hữu cơ để tưới, bón cho lúa.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 2.

Ruộng lúa xanh tốt khi được bón phân hữu cơ được xử lý từ IMO gốc. Sản phẩm gạo thơm Đại Xuân do HTX làm ra vừa được Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đánh giá, phân hạng 4 sao, được nhiều người tin dùng.

Rác hữu cơ từ bếp, thức ăn thừa hay cá chết ngoài ao được bà bỏ riêng vào xô có chứa IMO gốc ngâm ủ thành phân hữu cơ để bón, tưới cho cây cối trong vườn nhà. Rác vô cơ còn lại là túi ni lông, bao bì hay vải… được bà để vào một xô để đội thu gom rác đưa ra điểm tập kết rác của thôn.

Theo bà Thúy, tất cả các hội viên hội phụ nữ trong thôn đều được hướng dẫn về phân loại rác thải và xử lý rác hữu cơ bằng IMO gốc. Với những thứ sẵn có tại địa phương và chi phí thấp như: cám gạo, men rượu, đường, sữa chua hoặc men tiêu hóa là người dân có thể ngâm ủ tạo ra IMO gốc, dùng để xử lý các loại rác hữu cơ thành phân bón tưới cho cây.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Ngọc - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Dư (xã Phú Quỳnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là người tiên phong làm men vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ của thôn. Rau, hoa được tưới phân hữu cơ xanh ngát, tươi đẹp.

Cách làm của bà Thúy đang được Hội Phụ nữ huyện Gia Bình khuyến khích nhân rộng ra tất cả các xã, thị trấn trong huyện. Tại xã Quỳnh Phú, từ Đảng ủy, HĐND, UBND đều vào cuộc để hướng dẫn người dân phân loại rác và cách thức ngâm ủ rác hữu cơ với IMO gốc để làm phân bón nhằm góp phần giảm tải rác thải ra môi trường – vốn đang gây bức xúc cho cuộc sống của người dân thôn quê.

Đặc biệt, từ 1/5/2020, khi nhà máy ở xã Cao Đức (Gia Bình) dừng thu gom rác thì những "núi rác" cao vượt quá đầu người, chềnh ềnh ra cả lối đi đã gây ra những bức xúc, khó chịu cho người dân mỗi khi phải đi qua khu vực này.

Trước lo ngại về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bệnh tật, từ năm 2019 đến nay, bà Nguyễn Thị Hợp, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Công Cối, xã Đại Xuân (Quế Võ) đã dùng IMO gốc để ngâm với cá, rác bếp các loại để làm phân bón cho lúa.

Việc dùng IMO gốc để ngâm, ủ rác hữu cơ thành phân có nhiều lợi ích, không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn tiết giảm chi phí sản xuất nông nghiệp khi người dân không phải mua phân bón, thuốc BVTV. Những ruộng lúa, vườn rau được bón, tưới và phun phân vi sinh cho chất lượng vượt trội và an toàn.

"Thế nên có câu biến rác thành tiền là vì thế" – bà Nguyễn Thị Hằng nhấn mạnh.

Để làm ra phân đạm thì bà lấy lòng, ruột cá, đầu cá ngâm với IMO gốc, với phân kali thì ngâm IMO gốc với thân cây chuối băm nhỏ. Còn để làm thuốc bảo vệ thực vật, bà dùng IMO gốc ngâm với cây mật gấu, xuyến chi, giềng, tỏi, ớt, sả.

Do quá trình canh tác dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ nên chất lượng gạo do HTX làm ra vượt trội, bán cao hơn giá thị trường từ 2-3 nghìn đồng. Dù vậy, theo bà Hợp, việc bón, tưới phân và phun thuốc làm từ công nghệ IMO gốc này tốn khá nhiều công sức.

"Quanh quẩn suốt ngày đeo bình để tưới, phun. Nếu có cách nào lười bớt thì người ta làm theo nhiều" – bà Hợp cho biết. Thấy cách làm của bà Hợp có hiệu quả, hơn chục chị em phụ nữ trong thôn, xóm đã làm theo để tạo ra sản phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình.

Tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Huyền không chỉ thu gom rác bếp mà còn thu gom cả rác chợ gồm những rau, củ, quả ế hoặc hư hỏng đem về pha IMO gốc nhúng vào và rắc ra luống, để khoảng 2 ngày thì bắt đầu gieo hạt, rau lên mỡ màng và đẹp. 

"Rau có màu vàng chứ không xanh ngắt như rau được bón phân, đạm, ăn thấy ngon, giòn và rất đậm vị" – chị Huyền chia sẻ.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Huyền thu gom rác chợ về ngâm ủ với vi sinh vật bản địa IMO để trổng rau.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 6.

Ruộng rau xanh mưới khi được bón, tưới bằng phân, thuốc hữu cơ làm từ vi sinh vật bản địa IMO

Nhân rộng mô hình để Bắc Ninh xanh, sạch, đẹp

Từ khi khu công nghiệp (KCN) VSIP đi vào hoạt động, lượng công nhân đến thuê trọ nhiều khiến lượng rác thải ra ngày càng lớn. Hơn chục năm gắn với nghề thu gom rác, ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Doi Sóc, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) thấy lượng rác thải ra càng ngày càng nhiều.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 5.

Những "núi rác" cao ngập đầu người ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh đang bị tồn đọng, dồn ứ do nhà máy xử lý rác dừng thu gom, vận chuyển.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 6.

Xử lý rác thải tồn đọng bằng vi sinh vật bản địa IMO, thể tích bãi rác sẽ giảm 50-70% sau khoảng 1 tuần.

Bắc Ninh: Biến rác bếp, rác chợ thành phân hữu cơ, tưới đường hoa, ruộng lúa, rau xanh mướt, ăn “ngon, giòn và an toàn” - Ảnh 7.

Từng là điểm tập kết rác ngập đầu người, choán hết cả lối vào, qua hơn 1 tháng xử lý bằng vi sinh vật bản địa IMO, bãi rác ở thôn Phú Dư, xã Quảng Phú,(Gia Bình, Băc Ninh) đã giảm 60-70%, chỉ còn lại chủ yếu là rác vô cơ

Riêng thôn Doi Sóc có 3 người thu gom rác với khoảng 24 xe rác mỗi ngày, tính ra mỗi người phải thu gom vận chuyển 8 xe rác ra điểm tập kết rác của thôn. 

"Hàng ngày tôi và vợ phải thức dậy từ 2h sáng để đi thu gom, vận chuyển rác cho kịp thời gian xe rác về chở đi lúc 7-7h30" – ông Mạnh cho biết. Và để xử lý rác thải, mỗi năm xã Phù Chẩn bỏ ra hàng tỷ đồng, nhưng đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, quá tải, rác được đổ đống, vứt quanh điểm tập kết, đốt khói bụi bay mù mịt. 

Theo thống kê hiện nay, mỗi ngày tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 870 tấn và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%, tuy nhiên, tổng lượng chất thải sinh hoạt tồn đọng tính đến thời điểm hiện tại ước tính khoảng 150.000 tấn.

Chúng tôi đăng ký với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Bình phối hợp với ngành TNMT và nông nghiệp, Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn sẽ xử lý tất cả các bãi rác từ nay đến cuối năm. Đến nay, chúng tôi đã xử lý được 1/2 bãi rác của xã Nhân Thắng, 6/6 bãi rác của xã Quỳnh Phú, 2/3 bãi rác của xã Đại Lai.

Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình (Bắc Ninh)

Để sớm chấm dứt điều này, tỉnh Bắc Ninh đang đốc thúc tiến độ xây dựng các lò đốt rác nhỏ từ vài chục tấn rác/ngày đến các nhà máy đốt rác phát điện hiện đại với công suất hàng trăm tấn rác/ngày. Nhưng thách thức lớn đối với các lò đốt rác này là rác không được phân loại, đưa vào đốt sẽ phát sinh chi phí rất lớn.

Tại Gia Bình, cùng với việc hướng dẫn phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng IMO gốc ngay tại nhà, Hội Phụ nữ huyện Gia Bình đã phối hợp với các đơn vị trong huyện, xã đẩy mạnh việc sản xuất IMO gốc và IMO đậm đặc để xử lý rác tồn đọng, ùn ứ tại các điểm tập kết rác tại các thôn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ cho biết, việc dùng IMO để xử lý rác thải mang lại hiệu quả ngay tức thời là hết mùi hôi, ô nhiễm không khí trong môi trường.

Theo ông Hùng, khi dùng IMO xử lý rác thải, điều quan trọng nhất chúng ta phải đập vỡ túi ni lông chứa rác. Nếu như không dập vỡ các túi ni lông rác này thì các lợi khuẩn không xâm nhập vào để phân hủy rác hữu cơ, kéo dài thời gian phân hủy của bãi rác. 

"Rác hữu cơ chiếm tới 60-70%, sau 1 tuần xử lý bằng IMO, thể tích bãi rác sẽ giảm từ 50-70% và sau 15-30 sẽ giảm thiểu ô nhiễm không khí, đất và nước" – ông Hùng nhận định.

Bắc Ninh trong những năm gần đây có sự phát triển nóng khi các khu công nghiệp, rồi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, khiến dân số cơ học tăng vọt, kéo theo lượng rác thải ra môi trường ngày càng lớn. Cách xử lý rác thông dụng nhất là chôn lấp, nhưng nay tìm được đất để chôn rác cũng không dễ.

Vì thế, cảnh tượng rác được vun đống, ngập đầy các khu trung chuyển, rồi tràn ra đường sá kèm theo mùi hôi nồng nặc, ruồi nhặng bâu đầy hay các bãi rác đốt cháy lộ thiên khói bụi mù mịt, tạo cảm giác oi nồng, khó chịu không phải là hiếm gặp ở Bắc Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem