Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao, "không châm chước" tiêu chí môi trường

Khương Lực Thứ bảy, ngày 13/03/2021 13:00 PM (GMT+7)
Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - gợi mở các huyện, xã trên địa bàn tỉnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có thương hiệu, đặc trưng riêng biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
Bình luận 0

Ông Vương Quốc Tuấn cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có ít nhất 2 huyện và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Chính vì thế, áp lực đặt ra cho tỉnh Bắc Ninh rất lớn.

Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao "không châm trước" tiêu chí về môi trường - Ảnh 1.

Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh thăm mô hình trồng cây cam Canh cho thu nhập 900 triệu đồng của ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Nhiều xã nông thôn mới có xuất phát điểm cao

Tính đến hết năm 2020, 100% các xã trong tỉnh Bắc Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ngay sau khi 100% các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ngày 19/8/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Bắc Ninh.

Kết quả tổng hợp thực hiện theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 32/89 xã (chiếm 35,96%) đạt từ 15-18 tiêu chí; có 56/89 xã (chiếm 62,92%) đạt từ 10-14 tiêu chí; có 1/89 xã (chiếm 1,12%) đạt 9 tiêu chí; bình quân tiêu chí đạt 13,85 tiêu chí/xã.

Đây là xuất phát điểm khá cao để tỉnh Bắc Ninh triển khai kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. 

Tuy nhiên, những tiêu chí chưa đạt đều là những chỉ tiêu khó và đòi hỏi sự chung sức, sáng tạo và quyết liệt thực hiện từ các cấp chính quyền cũng như toàn thể người dân.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, xã triển khai xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 với xuất phát điểm có 3/19 tiêu chí đạt (điện, bưu điện, nhà ở, hình thức sản xuất). Đến năm 2016, xã đã về đích 19/19 tiêu chí và được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ năm 2016 đến nay, xã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí về nông thôn mới. Qua ra soát, đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã đạt 16/19 tiêu chí. Còn 3 tiêu chí chưa đạt là: tiêu chí về cứng hóa trục chính kênh mương, đèn chiếu sáng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế quy định là 95% (xã mới đạt 88,4%); và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên TPPT và tương đương đạt 95% (xã mới đạt 83-84%).

Khi được ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh gợi mở về thương hiệu, đặc trưng xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Đình Tổ, ông Thành cho biết, xã Đình Tổ có nhiều di tích lịch sử quốc gia, trong đó có chùa Bút Tháp – là điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Vì thế, thương hiệu đặc trưng xây dựng nông thôn mới nâng cao mà xã Đình Tổ hướng tới là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Theo kế hoạch, đến năm 2022, xã Đình Tổ phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn nâng cao và năm 2024 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Không châm chước, du di chỉ tiêu nào

Theo kế hoạch, trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cụ thể là các xã: Thụy Hòa, Tam Giang (Yên Phong); Đại Lai (Gia Bình); Tân Chi, Phật Tích, Phú Lâm (Tiên Du); Phượng Mao, Mộ Đạo (Quế Võ); Song Hồ, An Bình, Xuân Lâm (Thuận Thành).

Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao "không châm trước" tiêu chí về môi trường - Ảnh 3.

Tỉnh Bắc Ninh xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải theo tinh thần: sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Đại Lai (Gia Bình) cho biết, xã Đại Lai là xã thuần nông có khoảng 10.000 dân. Năm 2015, xã đã cán đích 19/19 tiêu chí và được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua rà soát, đánh giá 19/19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn nâng cao, xã Đại Lai phần lớn đã đạt, chỉ còn một số tiêu chí nhỏ còn thiếu.

Cụ thể, trong tiêu chí về văn hóa, có nội dung xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có trung tâm thể thao. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Gia Bình, chỉ có duy nhất xã Nhân Thắng chuẩn bị nâng cấp thành thị trấn vừa được đầu tư, xây dựng; còn lại chưa có xã nào có hạng mục công trình này.

Tại huyện Thuận Thành, Song Hồ là một trong 3 xã của huyện đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm nay. "Chúng tôi xác định Song Hồ xây dựng nông thôn mới nâng cao bằng phát triển làng nghề (làm tranh và vàng mã - PV), mở rộng dịch vụ và thương mại. Thứ hai, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp" - ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết.

Theo ông Định, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng rất ít, chủ yếu tập thể đứng ra hợp đồng cho thuê đất để phát triển trang trại, gia trại trồng rau hoa. Xã Song Hồ đã sớm hình thành dịch vụ vệ sinh môi trường, nên đến nay cơ bản đã đáp ứng.

Tuy nhiên, toàn bộ nước thải từ sản xuất làng nghề chưa được xử lý nên xã đề nghị sớm đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung để đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong tiêu chí về môi trường, vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là việc phân loại rác từ nguồn đang gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc cho người dân.

"Dứt khoát trong nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu không châm chước tiêu chí nào, nhất là tiêu chí về môi trường phải được đặt lên hàng đầu" - ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vương Quốc Tuấn khẳng định: "Dứt khoát trong nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu không châm chước tiêu chí nào, nhất là tiêu chí về môi trường phải được đặt lên hàng đầu".

Theo ông Tuấn, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tinh thần chung là phải sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, văn hóa và tiêu chí thứ hai là yêu cầu tất cả các xã phải tạo ra thương hiệu sản phẩm về ẩm thực, văn hóa, làng nghề hoặc nông nghiệp công nghệ cao…

Để làm được những điều đó, vai trò tham gia của người dân là rất lớn, đặc biệt phong trào xây dựng nông thôn mới thì phải tạo ra cho toàn dân tham gia.

"Sự tham gia của người dân không chỉ là đóng góp tiền mà có thể bằng những việc làm cụ thể như: phân loại rác thải tại nguồn, rồi thiết kế mẫu nhà phù hợp hay hỗ trợ vẽ bích họa… tạo đặc trưng riêng cho địa phương" – ông Tuấn nói.

Theo Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh là một trong 3 tỉnh dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030; thị xã Từ Sơn dự kiến thành lập thành phố; các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành và Quế Võ thành lập thị xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem